Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Thạch Thất, Hà Nội

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã và đang tạo ra nhiều thuận lợi để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, trong đó nông dân là bộ phận chủ yếu. Quá trình này dẫn đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn. Sự chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang mục đích phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị là nguyên nhân chính nảy sinh một số vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó bài toán việc làm cho lao động nông thôn đã và đang trở thành vấn đề bức thiết cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 

     Thạch Thất là một huyện ngoại thành Hà Nội theo quyết định số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính thủ đô, là địa phương diễn ra quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mạnh mẽ. Bộ mặt nông thôn huyện Thạch Thất thay đổi nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn được nâng cao rõ rệt. Đó là kết quả của việc thực hiện đúng đắn đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thạch Thất trong những năm qua.

     Nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ và chính quyền huyện Thạch Thất đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người lao động ở nông thôn. Công tác giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất được chú trọng như: giao đất dịch vụ cho người lao động kinh doanh, buôn bán, phát huy vai trò của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, phát triển kinh tế làng nghề, xúc tiến quá trình xuất khẩu lao động, đã góp phần quan trọng trong tạo công ăn, việc làm cho lao động nông thôn. Theo Báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, trong 5 năm (2011 - 2016): “đã giải quyết việc làm cho 23.680 lao động, trong đó: vào các doanh nghiệp làm việc là 6.748 lao động, giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia là 4.812 lao động, đi xuất khẩu lao động là 954 lao động, vào làm việc tại các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh là 11.166 lao động, các chế độ về tiền công, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện” (1).

     Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Thạch Thất vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Trong hoạch định chủ trương, việc nghiên cứu, vận dụng quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở một số nơi, một số thời điểm chưa phù hợp; công tác chỉ đạo thực hiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có nội dung chưa đồng bộ, khoa học. Theo số liệu của UBND “trong năm 2016, số lao động không có việc làm và việc làm không thường xuyên vẫn ở mức cao chiếm 1,8% với 2.066 lao động” (2).

     Từ quá trình thực hiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Thạch Thất trong thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm:

     Nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

     Giải quyết việc làm luôn được các quốc gia trên thế giới quan tâm, bởi nó ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị, tới tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia đó. Đối với Việt Nam, nông thôn là địa bàn rộng lớn, là nơi cư trú, sinh hoạt và làm việc của đại bộ phân dân cư. Vấn đề việc làm và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có vị trí, vai trò then chốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của lao động nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng” (3). Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần phải nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền các cấp xác định chủ trương và có những chỉ đạo sát đúng để giải quyết hiệu quả việc làm cho lao động nông thôn. Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền huyện Thạch Thất trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chính là minh chứng rõ nét cho vấn đề này.

     Chủ trương, chính sách nhằm giải quyết việc làm phải phù hợp với nguyện vọng, lợi ích và khả năng của lao động nông thôn

     Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Do vậy, mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải luôn xuất phát từ quần chúng, phù hợp với lợi ích của quần chúng. Trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cần căn cứ vào thực tiễn của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể để vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng một cách linh hoạt. Đặc biệt, mọi chủ trương, chính sách phải luôn phù hợp với nguyện vọng, lợi ích và khả năng của lao động nông thôn. Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Thạch Thất đã vận dụng tốt đường lối chủ trương của Đảng, của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giải quyết việc làm, đồng thời, luôn quan tâm đến nguyện vọng, lợi ích của các nhóm lao động nông thôn: nông dân bị thu hồi đất, người làm dịch vụ nông nghiệp, lao động tự do, thanh niên… Chính vì vậy, đã có những chính sách hỗ trợ, phù hợp với từng nhóm lao động. Bên cạnh đó, các chương trình, đề án giải quyết việc làm được xây dựng phù hợp với trình độ, khả năng của lao động nông thôn. Những chủ trương, chính sách đó đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của lao động nông thôn trên địa bàn huyện.

     Chú trọng công tác đào tạo nghề là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa chiến lược trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

     Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tất yếu dẫn đến chuyển đổi cơ cấu lao động. Trong hệ thống các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vấn đề đào tạo nghề là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa chiến lược quyết định. Thực tiễn trong những năm qua, Đảng bộ huyện Thạch Thất đã chú trọng chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho các đối tượng trên địa bàn huyện. UBND huyện đã xây dựng các chương trình, đề án đào tạo nghề với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Công tác đào tạo nghề, đã giúp lao động nông thôn nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là giải pháp bền vững có tính chiến lược trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại huyện Thạch Thất.

     Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

     Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi phải huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Những kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của huyện Thạch Thất không tách rời vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương. Sự vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội vào thực tiễn huyện Thạch Thất để đề ra chủ trương đúng đắn là nhân tố quan trọng, có tính quyết định, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tổ chức triển khai thực hiện chủ trương này được hiện thực hóa thông qua các chương trình, đề án giải quyết việc làm của UBND huyện, HĐND, các ngành, phòng, ban liên quan và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội như: Huyện đoàn, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

     Tóm lại, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung, nông thôn huyện Thạch Thất nói riêng là một nhiệm vụ khó khăn, cần có sự quan tâm và tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các kinh nghiệm nêu trên có thể tham khảo, vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp trong điều kiện mới, không những trên địa bàn huyện mà trên các địa phương khác trong cả nước. Kết hợp chỉ đạo sâu sát qua việc thực hiện một số biện pháp như: đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, truyền nghề; tích cực giới thiệu việc làm; khuyến khích xuất khẩu lao động; quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, đồng thời chú trọng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, mở rộng các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện.

____________

     1, 2. UBND huyện Thạch Thất, Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020.

     3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.136.

 

Tác giả: Vũ Văn Long

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

 

;