Đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) là hai nhiệm vụ quan trọng nhất ở các trường đại học và cao đẳng. Đây là hai hoạt động có mỗi quan hệ hữu cơ, trong đó việc giảng viên, sinh viên tích cực tham gia NCKH là một trong những biện pháp thiết yếu để nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên luôn xác định NCKH là nhân tố quan trọng cần gắn kết để nâng cao chất lượng đào tạo; NCKH, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ luôn gắn với sứ mạng và sự phát triển chung của trường. Vì thế, trong những năm qua, trường đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hoạt động này. Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới và phát triển, cùng với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, hoạt động NCKH của sinh viên nhà trường cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.
1. Thực trạng hoạt động NCKH của sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Trải qua 52 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã có những đóng góp đáng kể cho đất nước về đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có trình độ cao cũng như những thành tựu về NCKH và chuyển giao công nghệ. Với sự nỗ lực, đam mê khoa học, muốn khám phá những vấn đề mới mẻ trong học tập, cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên, sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về NCKH.
Số lượng đề tài NCKH của sinh viên hàng năm khá lớn. Tính từ năm 2013 đến năm 2017, số lượng đề tài NCKH sinh viên là 314 đề tài (1).
Nhà trường đã tạo ra môi trường NCKH cho sinh viên như thành lập Trung tâm Sáng tạo sản phẩm để triển khai, thực hiện các đề tài, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo và trưng bày các sản phẩm KHCN cho sinh viên; khuyến khích và hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị chuyên môn; thành lập được 7 câu lạc bộ KHCN với mức kinh phí đầu tư từ 20 triệu đến 50 triệu đồng/năm/câu lạc bộ; tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho giảng viên về mặt học thuật. Trong 5 năm qua (2013 - 2017) có gần 800 sinh viên tham gia các đề tài NCKH và là thành viên chính thức trong các câu lạc bộ NCKH (2).
Với sự cố gắng, nỗ lực của Nhà trường và sinh viên, các công trình NCKH đã đạt được thành tích đáng kể như các giải thưởng Sáng tạo trẻ Đại học Thái Nguyên, Sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên, Toyota dành cho sinh viên, sinh viên NCKH hàng năm... Đặc biệt, năm 2016, sản phẩm “Công tơ số thông minh” do 2 sinh viên Tống Sơn Lam và Nguyễn Đức Thành thực hiện đã xuất sắc giành giải ba cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo (Vietnam Maker Contest with Intel Galileo - VMIG) (3). Những thành tích này góp phần cổ vũ tinh thần, đam mê NCKH trong sinh viên, là động lực có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, say mê học tập và nghiên cứu khoa học kỹ thuật của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung.
Những thành tựu trên có được là sự quyết tâm của toàn thể Nhà trường và sinh viên trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động NCKH của sinh viên luôn được lãnh đạo Nhà trường quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của đội ngũ giảng viên là người hướng dẫn với trình độ, kinh nghiệm, nhiệt huyết.
Bên cạnh những thành tựu đó, hoạt động NCKH sinh viên cũng tồn tại một số hạn chế như: số lượng đề tài được thực hiện qua các năm đã tăng lên, song còn rất khiêm tốn so với tổng số sinh viên toàn trường. Đi kèm với đó, chất lượng của đề tài NCKH sinh viên cũng chưa cao. Mức độ ứng dụng các đề tài NCKH sinh viên vào thực tiễn còn thấp. Các đề tài NCKH của sinh viên chủ yếu nghiên cứu lý thuyết, xây dựng mô phỏng. Mặc dù đã có những cố gắng nhất định, song ở trình độ nhận thức và hiểu biết của sinh viên thì điều này là không tránh khỏi.
Tuy nhiên, còn tồn tại một số những bất cập đó là do những nguyên nhân chủ yếu sau:
Nhận thức và tinh thần tham gia NCKH của sinh viên là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động NCKH sinh viên. Với cách đánh giá học tập như hiện nay dẫn đến hình thành nhận thức trong đông đảo sinh viên cho rằng NCKH là thứ yếu, không cần thiết; thậm chí, một bộ phận sinh viên coi NCKH là xa vời, chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc. Sinh viên chưa hiểu biết rõ ràng về hoạt động NCKH, không biết bắt đầu từ đâu, thực hiện những bước cơ bản nào.
Sinh viên chưa có kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, chưa biết cách lựa chọn vấn đề nghiên cứu, cách tiếp cận... Các khoa thường xuyên tổ chức cho sinh viên để hướng dẫn sinh viên bước đầu NCKH. Tuy nhiên, chỉ có một tỉ lệ nhỏ sinh viên yêu thích, đam mê NCKH. Sinh viên còn thụ động trong học tập và nghiên cứu.
2. Một số giải pháp nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp
Để nâng cao hoạt động NCKH trong sinh viên, cần có sự nỗ lực của toàn thể cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên toàn trường.
Về phía Nhà trường
Tăng cường cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cho công tác đào tạo và NCKH.
Thúc đẩy, mở rộng và tăng cường môi trường hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Tăng cường giao lưu, trao đổi, liên kết giữa nhà trường với các trường đại học khác, với doanh nghiệp.
Định kỳ hàng năm tổ chức các cuộc thi, sân chơi về NCKH, tổ chức lớp học, tọa đàm hướng dẫn phương pháp NCKH cho sinh viên.
Xây dựng diễn đàn khoa học cho giảng viên và sinh viên để đưa ra và giải đáp những thắc mắc của sinh viên
Tăng cường trách nhiệm, thực hiện các chế độ, chính sách nhằm khuyến khích sinh viên tham gia NCKH như: đưa vào quy chế đào tạo yêu cầu sinh viên phải tham gia ít nhất 1 đề tài NCKH sinh viên; thưởng điểm vào điểm tổng kết học kỳ, hàng năm xét tặng thưởng riêng về NCKH cho những sinh viên có thành tích xuất sắc; xây dựng tiêu chí để xét chuyển tiếp ở bậc sau đại học cho những sinh viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện và NCKH.
Về phía giảng viên
Đổi mới phương pháp xác định nhiệm vụ nghiên cứu theo hướng gợi mở những chủ đề, định hướng nội dung nghiên cứu. Nội dung nghiên cứu cần tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc các môn học trong chương trình đào tạo, các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn tại các doanh nghiệp, nhà máy.
Gắn kết nội dung môn học với quá trình nghiên cứu, từ đó tạo ra không gian học thuật chủ động, khơi gợi được niềm đam mê NCKH trong sinh viên. Giảng viên với sự gợi mở các vấn đề khó, còn bỏ ngỏ trên giảng đường sẽ kích thích trí tò mò, óc sáng tạo của sinh viên, tạo động lực cho sinh viên mong muốn khai thác, khám phá và làm chủ tri thức. Đó là giải pháp quan trọng nhằm giúp khích lệ niềm đam mê NCKH cho sinh viên.
Về phía sinh viên
Có nhận thức đúng đắn về vai trò của hoạt động NCKH.
Chủ động, tích cực tham gia hoạt động NCKH.
Sinh viên cần trang bị các kỹ năng cần thiết, tiếp cận từng bước đối với hoạt động NCKH.
Với sinh viên, NCKH sẽ rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, khả năng phê phán, bác bỏ hay chứng minh những quan điểm, hình thành tư duy logic, mạch lạc. Hoạt động NCKH của sinh viên được coi như bước tập dượt để sinh viên hoàn thành tốt đồ án hay khóa luận tốt nghiệp. Trên cơ sở đó, NCKH sẽ tạo ra nền tảng để sinh viên tiếp cận với những vấn đề khoa học và cuộc sống đặt ra, củng cố những kiến thức đã học, phát triển khả năng độc lập tự nghiên cứu, tự học, nâng cao trình độ hiểu biết, góp phần giáo dục toàn diện cho sinh viên. Đồng thời, hoạt động NCKH của sinh viên còn là một trong những giải pháp hiệu quả nhất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Xu thế hiện nay đặt ra yêu cầu phải có sự đồng thuận và hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó Nhà trường đóng vai trò đầu tàu, định hướng cho sinh viên; sinh viên là trọng tâm của quá trình đào tạo, được tạo mọi điều kiện thuận lợi và cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết để tiến hành NCKH; doanh nghiệp là đối tượng nghiên cứu, đối tác để Nhà trường và sinh viên đưa ra những định hướng nghiên cứu, nhằm mục tiêu tạo ra sản phẩm NCKH đúng chuyên môn, phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội hiện nay. Với những thành tựu mà Nhà trường đạt được, có thể khẳng định rằng KHCN đang từng bước trở thành chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo đại học của Nhà trường (4).
_______________
1. tnut.edu.vn.
2, 3. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Báo cáo tự đánh giá, Lưu hành nội bộ, 2016.
4. Nghiên cứu này được thực hiện bởi kinh phí do Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cấp trong đề tài mã số T2016-79.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018
Tác giả : DƯƠNG THỊ NHẪN - PHẠM THU TRANG