Sóc Trăng là nơi có 31,5% đồng bào Khmer sinh sống ở Việt Nam. Người Khmer ở Sóc Trăng trong quá trình chung sống lâu đời với người Kinh và các dân tộc khác, mặc dù có sự giao thoa văn hóa, nhưng họ vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của dân tộc mình. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường cộng với sự du nhập văn hóa ngoại lai, nên một số giá trị truyền thống của người Khmer đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, như thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm, kinh phí đầu tư, trang thiết bị, nhận thức của người dân còn thấp trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer… Vì vậy, cần có giải pháp hữu hiệu đồng bộ để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Văn hóa Khmer là tập hợp tất cả những sáng tạo của người Khmer, được tích lũy và đúc kết lại trong suốt tiến trình hoạt động thực tiễn - xã hội, được kết tinh lại thành một hệ giá trị và các chuẩn mực xã hội, được biểu hiện thông qua di sản văn hóa vốn có của họ và hệ ứng xử văn hóa của dân tộc Khmer. Hệ giá trị xã hội đó là một trong những thành tố, nhân tố cốt lõi để làm nên bản sắc riêng biệt của dân tộc Khmer và có khả năng chi phối, tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm, sinh lý và mọi hoạt động của dân tộc Khmer. Di sản văn hóa Khmer bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể như: Chùa Khmer, nghệ thuật điêu khắc tượng, nhà ở, trang phục, ẩm thực, ghe ngo, làng nghề… Văn hóa phi vật thể như: Lễ hội truyền thống, văn nghệ dân gian, tiếng nói, chữ viết… Từ lâu, người Khmer Sóc Trăng cũng như ở khu vực Nam Bộ có nền văn hóa riêng, được biểu hiện trong lối sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và văn học nghệ thuật. Văn hóa của người Khmer được biểu hiện qua kiến trúc, điêu khắc, hội họa và thể hiện độc đáo, đặc sắc ở ngôi chùa, đặc biệt là những ngôi chùa cổ. Chùa của người Khmer luôn được xây dựng ở một khuôn viên rộng lớn, bề thế, hợp thành quần thể kiến trúc, điêu khắc tôn giáo nổi bật trong không gian cư trú của phum, sóc.
1. Một số biểu hiện trong văn hóa người Khmer
Biểu hiện qua cách ăn, ở, mặc
Ẩm thực đặc trưng của người Khmer Sóc Trăng là món “bún nước lèo” (num mà chóc tưk sàm lo) hoặc gọi là “búm mắm”, nước lèo của món này được nấu với nhiều cá lóc, cho rã thịt để nước lèo ngọt, nêm mắm “bồhốc ốp” và ngải bún. Về ở, người Khmer xây dựng nhà ở trong khuôn viên đất đai nhất định, hợp thành không gian cư trú theo dòng họ (thường theo dòng mẹ) ở phum, sóc và quần tụ xung quanh chùa chiền. Gia đình - dòng họ - phum sóc - chùa chiền luôn có mối quan hệ tương tác qua lại và gắn bó mật thiết với mỗi cá nhân và toàn cộng đồng. Về mặc, trang phục truyền thống của dân tộc Khmer còn lưu giữ lại chủ yếu dành cho cô dâu may mặc để làm lễ cưới theo phong phục. Đó là chiếu xămpốt, áo ngắn và mũ sài an. Ngoài ra, có một số phụ nữ Khmer ở Vĩnh Châu còn may mặc loại áo ngắn, tay dài lỡ, cổ tròn, không túi và xà rông.
Biểu hiện qua tín ngưỡng - tôn giáo
Riêng người Khmer tỉnh Sóc Trăng có tín ngưỡng thờ thần Arăk và Niết Tà, theo quan niệm của họ thì Arăk là thần bảo hộ gia đình, dòng họ (Arăk chu bua), còn Niết Tà là thần bảo hộ phum, sóc (Niết Tà Mêcha Sróc), chùa chiền Niết Tà Wat. Cúng Arăk có người lên đồng để cầu an và chữa bệnh cho gia đình, dòng họ. Cúng Niết Tà để cầu mưa, mùa màng tươi tốt, công việc làm ăn thuận lợi, phum sóc bình an, gia đình hòa thuận.
Biểu hiện qua ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật
Người Khmer thuộc ngôn ngữ Môn - Khmer. Chữ viết của người Khmer theo mẫu tự Brahmi cùng nguồn gốc chữ viết với người Chăm và nhiều tộc người ở Đông Nam Á. Kho tàng văn học dân gian phong phú cả về thể loại lẫn đề tài. Văn học viết được chia thành 4 loại như sau: Sa-Tra truyện (Sa-Tra Rương); Sa-Tra giải trí (Sa-Tra Lô Beng); Sa-Tra luật giáo (Sa-Tra Chơ Bắp); Sa-Tra Kinh kệ (Sa-Tra Tôs). Nghệ thuật rất phong phú, đa dạng và độc đáo, với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc…
2. Thực trạng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Khmer ở Sóc Trăng
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh, Sở VHTTDL Sóc Trăng và các sở, ban ngành đoàn thể và các địa phương trong tỉnh, việc bảo tồn văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của dân tộc Khmer đạt nhiều thành tựu. Tính đến đầu năm 2018, có 51/92 ngôi chùa Khmer được trùng tu, sửa chữa; trang phục truyền thống của người Khmer vẫn được họ mặc trong những dịp lễ, Tết, hội hè, cưới hỏi... Về ẩm thực, người Khmer vẫn theo công thức truyền thống, nhưng do quá trình giao thoa và phát triển, các món ăn truyền thống như: mắm bò hóc, canh xiêm lo, bún nước lèo… được chế biến cho phù hợp với khẩu vị ăn uống từng vùng, nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
Tổ chức thành công chương trình truyền hình trực tiếp mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây tại chùa Sê rây Ta Sết (thị xã Vĩnh Châu), tổ chức thành công chương trình truyền hình trực tiếp Lễ Sene Đôl Ta tại chùa Tứk Pray, huyện Long Phú. Đặc biệt là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua nghe ngo Sóc Trăng hằng năm với nhiều hoạt động đa dạng phong phú, đậm nét truyền thống, cụ thể như: Giải đua Ghe Ngo, Hội thao dân tộc, lễ hội đường phố, Hội thi ghe Cà Hâu, Hội trợ thương mại triển lãm (1).
Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp, tôn tạo, trùng tu các di tích văn hóa vật thể cũng chưa được triển khai theo một quy trình chặt chẽ và toàn diện. Vẫn còn tồn tại tình trạng giao khoán, thậm chí giao quyền cho những người quản lý, đầu tư tự biến tấu theo sự suy nghĩ của mình, đã làm mất đi vẻ đẹp khởi đầu, mất đi những “phần hồn” của các di tích. Trường hợp ở một số chùa Khmer, sư sãi khi lên đảm nhận trụ trì một ngôi chùa, được vài năm lại thay vị khác. Bên cạnh đó, xu hướng bỏ dần trang phục truyền thống của thế hệ trẻ, những chiếc đầm, chiếc váy, xà rông không còn mang màu sắc sặc sỡ, lộng lẫy hoa văn truyền thống, nhất là nam giới người Khmer hiện nay hầu như còn rất ít người mặc trang phục của dân tộc. Hệ thống “Nhà văn hóa xã” phát triển khá mạnh nhưng hoạt động kém hiệu quả. Nhiều nhà văn hóa được xây dựng khang trang nhưng mỗi năm chỉ mở cửa phục vụ cho đồng bào vài ba lần, vào các dịp lễ, Tết.
3. Giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng
Phát triển kinh tế, xã hội làm cơ sở cho bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng
Theo đó, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người Khmer; tập trung nguồn lực phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội như: giao thông, trường học, trạm y tế, chợ. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, gắn với thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó tích cực thực hiện đề án phát triển lúa đặc sản và dự án phát triển cây ăn trái. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, khuyến cáo lịch thời vụ, vận hành, điều tiết thủy lợi linh hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó giảm nhẹ thiệt hại nếu có hạn, mặn xảy ra. Khuyến khích đồng bào dân tộc Khmer chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăm nuôi trong nông hộ giai đoạn 2015-2020. Tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như mô hình nuôi vịt biển thương phẩm, nuôi dê. Thực hiện lồng ghép các chương trình 135 của Chính phủ và các chương trình, dự án khác để đầu tư phát triển sản xuất cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội trong vùng đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn, tiếp tục vận động hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo. Đồng thời, tổ chức vận động con em đồng bào dân tộc Khmer đi học ở các trường dạy nghề và các lớp kỹ thuật... Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc miễn giảm học phí, tạo điều kiện giải quyết việc làm, bố trí ngành nghề, dần dần chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Tạo điều kiện cho vùng đồng bào dân tộc Khmer được vay vốn với lãi suất ưu đãi, từng bước thu hẹp dần và tiến tới xóa bỏ tình trạng đồng bào Khmer phải bán lúa non, cầm cố đất...
Phát triển đội ngũ cán bộ người dân Khmer trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay
Đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer có một vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc. Bởi chính họ đã được sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa của dân tộc mình, hơn ai hết họ hiểu những giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật của dân tộc mình, hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào mình. Để hình thành đội ngũ này, cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc trong các trường trung học chuyên nghiệp, đảm bảo đội ngũ trí thức mới công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer vừa giỏi về chuyên môn, vừa hiểu biết về đời sống văn hóa đồng bào mình. Nhà nước, tỉnh, huyện cần phải thực hiện một số chính sách ưu đãi như cán bộ văn hóa được hưởng biên chế trong bộ máy Nhà nước cấp xã, phường, thị trấn và chế độ phụ cấp, được đưa đi tập huấn, bồi dưỡng và tham quan nghiên cứu học tập. Cần phải đầu tư kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống thì mới có thể kế thừa, bảo tồn và phát huy được hết tất cả các giá trị trong bản sắc văn hóa của mình. Vấn đề mang tính cấp thiết là cần phải có chính sách thu hút đội ngũ tri thức người Khmer hiện có trong các lĩnh vực để tập trung nghiên cứu, sưu tầm, thu thập, biên soạn và xuất bản những công trình về văn hóa Khmer. Có như vậy, người Khmer mới có ý thức kế thừa, gìn giữ các loại hình văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, hiệu quả của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer mới được nâng cao và có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội. Để có đội ngũ cán bộ làm văn hóa, cần phải tuyển chọn những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chính quy, có thời gian thử việc trước khi chính thức tuyển. Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của công việc, theo điều kiện của từng dân tộc, từng địa phương, từng vùng; bố trí sử dụng cán bộ phải đúng người, đúng việc, có tính đến đặc thù địa bàn, dân tộc. Cần đổi mới cách thức, quy trình thực hiện quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số, phải có chương trình đào tạo một cách quy củ và bồi dưỡng thường xuyên để có những hiểu biết đúng đắn, có năng lực thật sự trong công tác vận động ở phum, sóc.
Chú ý sử dụng học sinh tốt nghiệp các trường dân tộc nội trú trong tỉnh; thực hiện tốt các tiêu chuẩn tuyển sinh cao đẳng, đại học hệ cử tuyển; mở các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số cho cơ sở với các điều kiện ưu tiên cao… Cần có kế hoạch ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu văn hóa các dân tộc Khmer cả về số lượng và chất lượng. Nên có chế độ đãi ngộ thích hợp, coi đó là sự động viên để họ an tâm công tác, đóng góp sức lực vào công việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Nâng cao trình độ học vấn của người Khmer, góp phần nâng cao nhận thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đối với đồng bào dân tộc Khmer, cần phải thay đổi nhận thức và góc nhìn của họ về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo để họ quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa đến việc tìm hiểu, nghiên cứu học tập của con em. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em được đến trường đúng lứa tuổi, bởi việc nâng cao trình độ học vấn, trang bị những tri thức cần và đủ cho họ không chỉ là vấn đề then chốt, cốt lõi trong việc phát triển nguồn nhân lực đồng bào thiểu số nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Theo đó phải làm tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học, tuyên truyền, vận động cho con em các hộ gia đình, đặc biệt là nơi khó khăn, phải đến trường; hỗ trợ về cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn, giống để đồng bào thoát nghèo, biết các thức, phương pháp cách tác để tổ chức, ổn định cuộc sống; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng lối sống trong sáng, lành mạnh, giản dị, vui tươi… Muốn vậy, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở các phum, sóc cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình; bám sát cơ sở, lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết hoặc hỗ trợ; các cơ quan, ban, ngành ở địa phương phải thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với nhau về mọi mặt để phát huy những mặt tốt đẹp, hạn chế mặt tiêu cực; đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ của các doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức, cá nhân có điều kiện về kinh tế trong giữ gìn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
______________
1. Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng, Báo cáo đánh giá thực trạng văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, 2016.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, Báo cáo Công tác giữ gìn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, 2012.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết 03-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, 1998.
3. Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015, 2010.
Tác giả: Phan Hoàng Thăm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020