Giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam

     Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được hình thành, thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử, được hun đúc trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các giá trị đó chính là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh và bản sắc của văn hóa dân tộc, tạo nên tâm hồn, cốt cách của con người Việt Nam. Cũng chính vì thế, Đảng ta xác định: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” (1).

     Nguồn nhân lực là tổng thể tiềm năng của con người, gồm: thể lực, trí lực, nhân cách nhằm đáp ứng yêu cầu của tổ chức hoặc cơ cấu kinh tế, xã hội. Phát triển nguồn nhân lực được hiểu là: “tăng giá trị cho con người, trên các mặt như đạo đức, trí tuệ, kỹ năng, tâm hồn, thể lực... làm cho con người trở thành những người lao động có những năng lực, phẩm chất mới và cao, đáp ứng được yêu cầu to lớn của sự phát triển kinh tế, xã hội, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (2). Để phát triển toàn diện nguồn nhân lực thì phải giáo dục cả về mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần… song, nhân tố quan trọng nhất chính là phẩm chất. Phẩm chất của nguồn nhân lực có liên quan mật thiết, bền chặt và khăng khít đến việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Nói cách khác, việc thẩm thấu các giá trị văn hóa truyền thống là một nội dung, yếu tố quan trọng cấu thành phẩm chất của nguồn nhân lực.

     Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc còn là động lực của sự phát triển xã hội. Nó có vai trò quan trọng trong việc phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, đảm bảo mang đậm tính nhân văn và đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, phát triển nguồn nhân lực đã được thể hiện ở tinh thần vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; ý thức vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ, tri thức; phẩm chất, văn hóa nghề nghiệp ngày càng được nâng cao; ý thức quyết tâm bảo vệ nền độc lập và quyền bình đẳng dân tộc; tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hợp tác… Tuy nhiên, việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, như: trình độ nhận thức, hiểu biết về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc còn thấp; điều kiện sống, môi trường làm việc còn nhiều thiếu thốn; công tác giáo dục, nâng cao trình độ, tri thức, đạo đức, tư tưởng còn nhiều bất cập và nguồn nhân lực chưa chấp hành tốt luật pháp, hợp tác trong lao động sản xuất chưa hiệu quả…

     Trong điều kiện hiện nay, để góp phần kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong phát triển nguồn nhân lực, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

     Một là, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trước hết, phải chăm lo phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nguồn nhân lực. Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội phải thực hiện tốt việc: “phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh” (3). Chủ động nắm bắt tư tưởng, đời sống, việc làm của người lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời phối hợp, giải quyết những vấn đề phát sinh.

     Cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách hỗ trợ hộ nghèo như: vay vốn, miễn giảm học phí, nước sinh hoạt, phương tiện làm ăn, bảo hiểm y tế... để nguồn nhân lực vươn lên thoát nghèo. Kịp thời thay đổi chính sách về lương, có những nghị quyết, nghị định để hỗ trợ việc làm cho người lao động, qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của họ, giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị; tăng cường công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia; xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ giữa doanh nghiệp và người lao động; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, lao động; nâng cao đời sống người có công với đất nước... góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và an toàn xã hội.

     Hai là, nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể. Trong điều kiện hiện nay, “các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam” (4). Việc kế thừa và phát huy giá trị vǎn hóa truyền thống dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội nhằm tạo điều kiện tối đa để nguồn nhân lực được học tập, lao động, cống hiến.

     Điều đó đòi hỏi cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò giá trị vǎn hóa truyền thống của dân tộc đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý văn hóa của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội. Việc phát triển văn hóa phải gắn bó chặt chẽ và đồng bộ hơn so với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bám sát thực tiễn đời sống văn hóa của nguồn nhân lực để xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ một cách kịp thời và hiệu quả. Chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa phải ngày càng được nâng cao, hướng các hoạt động văn hóa đến các giá trị chân, thiện, mỹ và đảm bảo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị, xã hội theo chức năng, nhiệm vụ cần kiểm tra, quản lý hiệu quả và ngăn chặn các hoạt động phản văn hóa dân tộc, tạo môi trường xã hội lành mạnh, đấu tranh chống nguy cơ xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của con người.

     Đối với bản thân người lao động, cần tăng cường nâng cao nhận thức và tích cực trong thực hiện những hoạt động, phong trào xã hội. Chú trọng xây dựng tinh thần tập thể, đoàn kết, gắn bó lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, chống lại lối sống thực dụng, thấp hèn. Huy động nhiều nguồn nhân lực để tập hợp và tổ chức các phong trào hành động với chủ đề: Tuổi trẻ tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; Tuổi trẻ làm theo lời Bác, sống đẹp, sống có ích...

     Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bộ máy tổ chức, quản lý. Biện pháp này có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu: “Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (5). Theo đó, cần thực hiện có hiệu quả các nội dung như: hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước; chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của các tổ chức, đoàn thể để ngăn chặn nguy cơ một bộ phận nguồn nhân lực phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo lối sống thực dụng, vọng ngoại. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động toàn xã hội thấy được ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận đúng thế mạnh, cũng như những hạn chế vốn có của nguồn nhân lực ở Việt Nam để đổi mới nội dung, phương thức giáo dục cho phù hợp. Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền định kỳ gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

     Xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể trong quản lý việc nhập khẩu, kiểm soát, thẩm định, ngăn chặn, xử lý các sản phẩm văn hóa độc hại vào nước ta, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, kiện toàn bộ máy tổ chức và quản lý nhằm nâng cao việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vào quá trình phát triển nguồn nhân lực. Cần có phương án thúc đẩy quá trình sản xuất và tái sản xuất sức lao động, phục cho sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay.

     Bốn là, thường xuyên đổi mới phương thức giáo dục với mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” (6). Theo đó, cần “tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc” (7). Điều này đòi hỏi cần phải tổ chức những chương trình, phong trào thi đua, nêu gương người tốt, việc tốt, để củng cố hoài bão, khát vọng của thế hệ trẻ. Tiến hành đổi mới giáo dục trên tất cả phương diện, trong đó trọng tâm là giáo dục kỹ năng xây dựng kế hoạch làm việc, có thái độ, suy nghĩ, hành vi hướng tới những giá trị nhân văn. Giáo dục về năng lực thích ứng với môi trường làm việc và năng động trong công việc. Giáo dục về tinh thần tự giác, tự phê bình, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm trong lao động, rèn luyện về tác phong công nghiệp, kỹ năng giao tiếp và ứng xử.

     Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với giao lưu quốc tế trong quá trình phát triển nguồn nhân lực với chủ trương: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc… Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa” (8). Nguồn nhân lực cần phải coi học tập, tiếp nhận văn hóa nước ngoài là một cách để xây dựng những giá trị văn hóa truyền thống đặc thù của riêng dân tộc mình. Đồng thời, hệ thống giáo dục cần được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế.

     Việc kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong quá trình phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu khách quan. Mỗi giải pháp có một vị trí, vai trò nhất định trong việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, song chúng có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, hỗ trợ nhau. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ tạo ra các tác động tích cực cùng chiều nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đối với việc phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

_____________

     1, 4, 5, 6, 8. Ban Chấp hành T.Ư, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Hà Nội, 2014.

     2. Phạm Minh Hạc, Vấn đề con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.285.

     3, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.219, 127.

 

Tác giả: Phạm Thu Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;