GẮN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Trên cơ sở kế thừa Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ 5 năm tới, Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(1). Đồng thời Đại hội cũng nhấn mạnh: “xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”(2).

Quan điểm đó của Đại hội Đảng lần thứ XII là sự kế thừa và phát triển bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định tính chất ưu việt của chế độ xã hội, xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng; thể hiện sâu sắc, nhất quán tư tưởng “dân là gốc” và là sự đóng góp về lý luận trong thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta.

Vào những năm 80 của TK XX Đảng, Nhà nước ta chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch và chính sách; thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quyết sách đúng đắn trong quá trình tiến hành đổi mới, bước phát triển mới về tư duy lý luận trong lãnh đạo xây dựng đất nước giàu mạnh của Đảng ta. Song nó cũng đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mới phải giải quyết, đó là mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Có ý kiến cho rằng, trong kinh tế thị trường sẽ làm tăng thêm bất bình đẳng xã hội, khó bảo đảm cho việc thực hiện công bằng xã hội; để đạt tăng trưởng kinh tế thì phải tạm thời hy sinh công bằng xã hội, ít chú ý tới phát triển văn hóa, xã hội…

Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các kỳ đại hội và hội nghị Trung ương, từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội lần thứ XII, Đảng ta luôn luôn khẳng định, nhất quán quan điểm tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển về văn hóa, xã hội gắn với phát triển kinh tế trong từng bước phát triển; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Quan điểm đó của Đảng xuất phát từ tư tưởng “dân là gốc”, “tất cả vì con người”. Đảng ta luôn khẳng định mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là con người chứ không phải là hàng hóa, sự nghiệp phát triển kinh tế phải đặt con người vào vị trí trung tâm; kiên định quan điểm tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội sao cho các quá trình này gắn bó, thống nhất, tương hỗ nhau nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là sự cụ thể hóa mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đó là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Trong 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu quan điểm vì dân, kiên quyết chỉ đạo thực hiện cho được tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, xã hội gắn với phát triển kinh tế. Thành tựu nổi bật nhất trong những thập kỷ vừa qua là tiến hành đổi mới thành công, đạt những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta vượt qua khủng hoảng, thoát khỏi tình trạng kém phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, tương đối bền vững. Cùng với tăng trưởng kinh tế, văn hóa và xã hội có những tiến bộ, phát triển về nhiều mặt. Công tác xóa đói, giảm nghèo trên phạm vi cả nước đạt kết quả nổi bật. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả. Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển về quy mô, đa dạng hóa về các loại hình trường lớp từ mầm non đến cao đẳng, đại học. Trong những năm qua, “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực xã hội có bước tiến bộ, bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; dân chủ xã hội chủ nghĩa có tiến bộ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được củng cố; chủ trương của Đảng gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển và xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển”(3).

Tiến bộ và công bằng xã hội có thể còn được diễn đạt theo nhiều góc độ khác nhau. Song suy đến cùng, nó phải thể hiện ở việc đời sống của đại bộ phận nhân dân lao động từng bước được cải thiện và nâng cao, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, được chăm sóc về sức khoẻ… mọi người được tạo cơ hội ngang nhau để phát triển toàn diện.

Tuy rằng đời sống của nhân dân ta có mặt còn khó khăn, “so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ tầm để tác động đến xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại”(4), nhưng những thành tựu phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân trong những thập kỷ vừa qua ở nước ta là cơ bản. Điều này khẳng định, chứng minh một luận đề rất quan trọng, trong kinh tế thị trường vẫn có thể kết hợp được và trên thực tế đã kết hợp khá chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; trong kinh tế thị trường vẫn thực hiện được phát triển bền vững.

 
 
 
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Ảnh tư liệu 
 
 

Thực tiễn 30 năm đổi mới khẳng định tính đúng đắn về lý luận và thực tiễn quan điểm của Đảng, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, phát triển kinh tế phải gắn chặt với tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người; thực hiện công bằng trong phân phối, bình đẳng trong các quan hệ xã hội. Một trong những bài học kinh nghiệm mà Đảng ta rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XII xác định là: “xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế… Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế”. Đồng thời, Đại hội cũng chỉ rõ: “chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(5).

Bằng kết quả lãnh đạo đất nước những thập kỷ vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đóng góp về lý luận và thực tiễn về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thực hành nền kinh tế thị trường, đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó khẳng định, Đảng ta luôn luôn là một đảng cách mạng và khoa học, vừa trung thành với các nguyên lý lý luận về thời kỳ quá độ, vừa bám sát thực tiễn đất nước để xác định các quan điểm phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và kiên trì chỉ đạo thực hiện các quan điểm đó.

Trong những năm tới, bên cạnh thời cơ và thuận lợi, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội có những diễn biến phức tạp. Tình hình đó tác động mạnh, theo hai chiều tích cực và tiêu cực tới quá trình thực hiện gắn kết hài hòa phát triển văn hóa, xã hội với phát triển kinh tế, phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thực hiện quan điểm văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong thời gian tới phải tổ chức triển khai đồng bộ nhiều nội dung: đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát triển và nâng cao nguồn nhân lực, đổi mới căn bản nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển mạnh khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh phòng chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội.

Cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phát huy mạnh mẽ, hiệu quả mọi nguồn nhân lực nhằm phát triển bền vững nền kinh tế, đồng thời với việc khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phát huy mọi nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Chú trọng các hoạt động làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, đồng thời đấu tranh phòng chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội. Xây dựng nếp sống văn minh trong từng gia đình, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị. Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ và trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, sống có văn hóa, nghĩa tình. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy các tổ chức và nhân dân cho việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. 

Trong nhiều văn kiện Đảng ta đã chỉ rõ: chuyển sang nền kinh tế thị trường là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để giải phóng, phát huy các tiềm năng sản xuất trong xã hội, nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng nền kinh tế thị trường là liều thuốc vạn năng; cùng với kích thích sản xuất phát triển, kinh tế thị trường cũng là môi trường thuận lợi để nảy sinh và phát triển nhiều loại tệ nạn xã hội; kinh tế thị trường có những mặt tiêu cực mâu thuẫn với bản chất chủ nghĩa xã hội: đó là xu thế phân hóa giàu nghèo, tâm lý sùng bái đồng tiền, vì đồng tiền sẵn sàng vi phạm pháp luật, chà đạp lên lương tâm và nhân phẩm, kể cả lừa đảo, gây tội ác… Kinh tế thị trường sẽ đặt mọi con người, mọi đối tượng, mọi mối quan hệ trong xã hội dưới quan niệm hàng hóa hoặc tính chất hàng hóa, kể cả sức lao động và tình cảm của con người. Vì thế, đi vào kinh tế thị trường phải kiên quyết đấu tranh, phòng chống, khắc phục các hiện tượng tiêu cực đó.

Việc khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình vận hành kinh tế thị trường là một nội dung của tiến bộ và công bằng xã hội, nội dung trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và biện pháp để thực hiện phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Như trong văn kiện Đại hội XII đã khẳng định: “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, ở mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người”(6).

___________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126, 128, 125, 124, 120, 129

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017

Tác giả : NGUYỄN ĐẠI VĂN PHÚ

;