Xã hội ngày càng phát triển thì vai trò của văn hóa ứng dụng càng được chú trọng. Trang trại giáo dục là một mô hình giáo dục mới nhằm trang bị kỹ năng sống cho trẻ em ở thành thị. Phát huy vai trò giáo dục của trò chơi dân gian, vốn thuộc di sản văn hóa truyền thống, vào hình thức giáo dục hiện đại như trang trại giáo dục hiện nay đang là hướng đi mới hiệu quả và cần thiết.
Hiện nay ở Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ mô hình trang trại giáo dục (edufarm). Đến với trang trại giáo dục các em học sinh sẽ được tăng thêm kiến thức về thiên nhiên, rèn luyện kỹ năng sống, trau dồi tình yêu thương… Điều đặc biệt, các em sẽ được hòa mình vào không gian làng quê thực sự với đa dạng các trò chơi dân gian như ông đồ, đua thuyền, ném còn, bắt trạch trong chum, đập niêu đất, bắt vịt, chơi đu, chơi chuyền, ô ăn quan…
Văn hóa dân gian thường được hiểu “là văn hóa do nhân dân lao động sáng tạo. Văn hóa dân gian nước ta chủ yếu do nông dân, thợ thủ công và một số trí thức Nho học sống gần gũi nhân dân sáng tạo ra. Văn hóa dân gian bao gồm phong tục, nghi lễ dân gian, văn học dân gian, đồ gia dụng trong dân gian…” (1). Mặt khác, văn hóa dân gian cũng đang đối mặt với thách thức tồn tại hay không tồn tại, giữ và bỏ thành tố nào, biến đổi như thế nào là thích hợp với cuộc sống đương đại.
Gần đây ở Việt Nam, một chuyên ngành của văn hóa dân gian được chú trọng phát triển mạnh mẽ, thể hiện đúng vai trò của văn hóa trong cộng đồng, trong đó có chuyên ngành văn hóa dân gian ứng dụng (applied folklore). Bản chất của văn hóa dân gian là ra đời trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân và phục vụ cho đời sống của nhân dân. Vì vậy, văn hóa dân gian ứng dụng được nghiên cứu và đưa vào thực tiễn để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mọi không gian sinh tồn như thành thị, nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Vấn đề giáo dục của nước ta hiện nay luôn được cộng đồng quan tâm. Trước đây, Bác Hồ đã đưa ra phương châm giáo dục là “Học đi đôi với hành”. Đến nay, chúng ta vẫn đang nỗ lực thực hiện điều này. Vài năm gần đây, học tập mô hình trang trại giáo dục của Mỹ, Na Uy, Australia..., ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều mô hình trải nghiệm tương tự như Tree-Child Farm (Bình Dương), Sunny Farm (Long An), Detrang Farm, Vạn An (Hà Nội)... Trang trại giáo dục là mô hình được hình thành để giúp các bé ở độ tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có thêm kiến thức thực tế thông qua các bài học từ nông nghiệp đồng thời tăng cường kỹ năng sống.
Riêng ở Hà Nội, khi tiếp thu, học hỏi để ứng dụng mô hình trang trại giáo dục, các chuyên gia giáo dục đã có sự vận dụng sáng tạo đặc biệt đối với văn hóa dân gian đô thị. Việc đưa các trò chơi dân gian vào mô hình giáo dục mới này dành cho trẻ em là một hình thức kết hợp tuyệt vời giữa văn hóa dân gian ứng dụng và giáo dục.
Detrang Farm (thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, Ba Vì) là một trong những trang trại giáo dục theo mô hình Working Farm đầu tiên tại Việt Nam của GS. Hồ Ngọc Đại. Trong nông trại có nhiều chương trình vui chơi trải nghiệm theo chủ đề như văn hóa làng quê Việt Nam, người chăn nuôi tài ba, trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống, thế giới tự nhiên, động vật nuôi yêu thương… Ngoài việc trải nghiệm các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi… các em học sinh còn được trực tiếp tham gia các trò chơi vô cùng phong phú, đặc sắc của cả ba miền Bắc, Trung, Nam như thi làm bánh chay, bánh trôi, thổi cơm niêu, kéo co, qua cầu khỉ, ném còn, bịt mắt bắt dê, bắt trạch trong chum… Trong đó có không ít trò mà cả gia đình có thể cùng tham gia, tăng thêm mối dây gắn kết giữa các thành viên. Những hoạt động này giúp các gia đình tìm lại được sự cân bằng giữa bao bộn bề, lo toan của cuộc sống thường ngày. Theo lời kể của nhiều hướng dẫn viên ở đây, không ít phụ huynh đi cùng con cũng bị cuốn hút và tham gia rất nhiệt tình, hào hứng, khiến các con vô cùng thích thú. Kết thúc chuyến đi, chương trình được các em lựa chọn và đánh giá là bổ ích nhất là tìm hiểu văn hóa làng quê, trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống.
Trang trại giáo dục Erahouse (km 2, đường Đê Vàng, phường Giang Biên, Long Biên) có thể được coi như một địa chỉ giáo dục tương tác độc đáo. Đến với trang trại, trẻ em có thể tìm hiểu động về thực vật, động vật, khám phá thế giới nông nghiệp. Các em được quan sát những đồ dùng quen thuộc của người nông dân, trực tiếp chăm sóc gia súc, gia cầm, tự tay trồng cây và đặc biệt, còn được trải nghiệm bắt cá. Trang trại được chia làm nhiều khu, trong đó có khu Làng quê thu nhỏ của bé. Trong khu này, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức dành cho các em như bắn pháo đất của nông dân đồng bằng Bắc Bộ, bịt mắt bắt vịt, nặn gốm, nhảy sạp, giã gạo… Những trò chơi này đều phát huy tính đồng đội, giáo dục các em tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Khu trải nghiệm Vạn An (trại canh đê số 30, đê Hữu Hồng, xã Yên Mỹ, Thanh Trì) là khu trải nghiệm thiên nhiên lý thú ven sông Hồng với diện tích hơn 7 hecta. Các hoạt động khác ở Vạn An mà trẻ em rất thích thú có thể kể đến như trò chơi dân gian, nặn tò he, tô tượng, biểu diễn thời trang trong những trang phục dân tộc, thử tài làm chú bộ đội, in tranh Đông Hồ, làm đồ lưu niệm bằng vật liệu tái chế, cưỡi ngựa… Ngoài ra, khu trải nghiệm Vạn An còn mang đến những bài học lịch sử thú vị thông qua các giáo cụ trực quan như mô hình một số loại vũ khí góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, hoạt động thực tế như chơi đánh trận giả, giúp các em hiểu và thêm tự hào về quê hương đất nước mình. Đặc biệt, với lợi thế gần sông Hồng, Vạn An còn tổ chức chương trình Khuấy đảo miền sông nước rất đặc sắc, kết hợp các trò chơi hiện đại và dân gian của cư dân miền sông nước như tìm đường vượt mê cung lấy cờ hiệu, tiếp sức vượt chướng ngại vật, đá bóng 2 người 3 chân, đua thuyền, đu cáp treo vượt sông, bắt và nướng cá, thi bơi... Những trò chơi dân gian sông nước sẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng khéo léo, thích nghi với môi trường và hiểu hơn về văn hóa miền biển, có thể phân biệt được những trò chơi dân gian của cư dân đồng nội với ngư dân miền biển. Đó là những trải nghiệm thực tế vô cùng quý giá.
Nắm bắt được nhu cầu của trẻ em về vui chơi, các chuyên gia giáo dục đã đưa thế giới trò chơi dân gian của cha ông trở thành một phần tất yếu của trang trại giáo dục với mong muốn đạt được mục tiêu giáo dục hoàn thiện kỹ năng và nhân cách cho trẻ trong tương lai. Trò chơi dân gian là sự sáng tạo của cha ông ta, trải qua quá trình lao động và sinh hoạt, là sự tích lũy trí tuệ và niềm vui sống của bao thế hệ. Đặc biệt đối với trẻ thơ, trò chơi dân gian với những chức năng đặc biệt đã mang lại nhiều điều thú vị và bổ ích, đồng thời thể hiện nhu cầu giải trí, vui chơi, nhu cầu mong muốn được chia sẻ niềm vui của các em với bạn bè, cộng đồng và bồi đắp tình cảm và trí tuệ cho các em.
Trò chơi dân gian Việt Nam không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú về thể loại, mang đặc trưng tính chất vùng miền. Có nhiều cách phân loại các trò chơi dân gian. Theo GS. Vũ Ngọc Khánh (Viện văn hóa dân gian), trò chơi dân gian được phân chia thành bốn loại:
Trò chơi vận động, gồm các trò vận động chân tay như lộn cầu vồng, bịt mắt bắt dê… nhằm tăng cường sức khỏe và các tố chất về thể lực cho trẻ em.
Trò chơi học tập (trò chơi rèn trí tuệ) gồm những trò chơi nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ em, dạy cho các cháu biết quan sát, tính toán như ô ăn quan, tập cho trẻ biết tính nhẩm, biết các làm phép trừ, phép cộng…
Trò chơi sáng tạo gồm các trò do trẻ em tự tay làm nên những đồ vật bằng vật liệu tự nhiên. Những trò chơi này giúp cho các em khéo tay, phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo, khơi dậy khiếu thẩm mỹ cần thiết cho cuộc sống và lao động sau này.
Trò chơi mô phỏng là những trò chơi mà trẻ bắt chước các sinh hoạt của người lớn như làm nhà, cày ruộng, nấu ăn… Những trò chơi này có tác dụng phát huy mạnh trí tưởng tượng của trẻ em. Nhờ đó trẻ hòa nhập vào các mối quan hệ xã hội, học được cách ứng xử giữa người lớn với nhau, qua đó trẻ học làm người lớn (2).
Với những đặc điểm như trên, trò chơi dân gian có vai trò rất quan trọng trong giáo dục. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.
Trò chơi dân gian là một hoạt động vừa học vừa chơi, có tác động mạnh mẽ đến trẻ em, là một phương tiện giáo dục nhân cách toàn diện cho trẻ, định hướng thái độ đúng đắn trong các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Trò chơi dân gian cung cấp cho các em những kiến thức xã hội cần thiết cho cuộc sống như tập mua bán, tập lao động, làm quen với các nghề nghiệp trong xã hội…
Trò chơi dân gian còn giúp cho trẻ phát triển trí tưởng tượng, cũng là phương tiện phát triển ngôn ngữ có hiệu quả. Khi tham gia chơi, trẻ được ca hát, nhảy múa, đối đáp… Qua đó, vốn từ của trẻ được phong phú, ngôn ngữ mạch lạc. Mặt khác, trò chơi dân gian cũng là phương tiện giáo dục thể chất cho trẻ một cách có hiệu quả. Khi tham gia vào các trò chơi vận động dân gian, các vận động cơ bản của trẻ được rèn luyện, nhờ đó mà trẻ trở nên nhanh nhẹn, khéo léo, hoạt bát. Đó chính là những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em mà thời đại nào cũng cần có.
Ngày nay, trẻ em thành thị được sống trong thời đại công nghệ thông tin, chỉ quen với máy móc và không có khoảng thời gian vui chơi. Mô hình trang trại giáo dục là một hình thức ứng dụng của văn hóa dân gian đô thị hiệu quả. Phát triển mô hình này tới các tỉnh thành trên toàn quốc sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho nước nhà, sẽ giúp trẻ em được thụ hưởng một nền giáo dục toàn diện, lý thuyết gắn với thực tiễn.
Việc đưa trò chơi dân gian vào trang trại giáo dục có thể coi là một sự vận dụng sáng tạo, phát huy được vai trò của văn hóa dân gian ứng dụng trong đời sống cộng đồng ở đô thị. Mặc dù, các trò chơi dân gian khi đưa vào thành hoạt động trong các trang trại, một số trò đã được biến đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế chứ không còn giữ được luật chơi, đồ chơi nguyên gốc. Tuy nhiên, điều này vẫn chứng tỏ văn hóa dân gian ứng dụng ngày nay có vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại, đặc biệt trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở các thành phố lớn.
_______________
1. Chu Huy, Sổ tay kiến thức văn hóa dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2014.
2. Vũ Ngọc Khánh, Trò chơi dân gian Việt Nam (dành cho trẻ em), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2009.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO