“Nắm xôi kỳ diệu” do tác giả Thiên Ân viết kịch bản, Mai Văn Sinh chuyển thể chèo, NSƯT Lê Tuấn đạo diễn. Đây là một vở chèo độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân gian từ nội dung đến hình thức thể hiện.
Nhà hát Chèo Hà Nội đã đạt nhiều giải thưởng cao trong Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024
Góp phần vào “bức tranh” sân khấu chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày 1-6-2024, tại Rạp Đại Nam (số 89, phố Huế, Hà Nội), Nhà hát Chèo Hà Nội đã tổ chức diễn vở chèo đặc sắc Nắm xôi kỳ diệu. Đây là một vở chèo độc đáo dành cho thiếu nhi và đặc biệt, vở chèo này vừa đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024 tại thành phố Hải Phòng.
Lấy ý tưởng từ bài ca dao nổi tiếng Thằng Bờm, tác giả Thiên Ân đã vẽ nên một không gian vùng nông thôn sinh động với hình ảnh giếng nước, bụi tre, hàng cau, con trâu cùng các nhân vật như Thằng Bờm, Gái, Phú Ông, Phú Bà và nhiều trò chơi dân gian rất quen thuộc với trẻ em Bắc Bộ xưa như: bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây… hay những câu đố, màn đối đáp, bài hát đồng dao độc đáo.
Vở diễn đã gửi gắm tới các khán giả nhỏ tuổi những thông điệp ý nghĩa, nhân văn về tình cảm bạn bè, sự sẵn sàng hy sinh vì người khác, đức tính khiêm tốn, hòa thuận, yêu lao động và luôn đứng về lẽ phải. Điểm nhấn của vở diễn, chính là ở nắm xôi của Bờm. Phú Ông đã đưa ra nhiều thỏa thuận nhưng Bờm không đồng ý, bởi chiếc quạt mo chính là một kỷ vật mà mẹ đã tặng Bờm và Bờm trân trọng, cất giữ bấy lâu. Nhưng khi nhìn thấy các bạn không có gì ăn và bố của Gái ngất đi, Bờm quyết định đổi chiếc quạt mo để lấy nắm xôi cứu giúp mọi người. Nhưng nắm xôi ấy lại vô cùng kỳ diệu. Khi nằm trong tay những người độc ác thì nó chỉ là vật vô tri vô giác, nhưng khi ở trong tay người có tấm lòng biết yêu thương, chia sẻ như Bờm thì nắm xôi ấy có sức mạnh diệu kỳ. Gái ăn xong, bỗng sáng mắt trở lại!
Nhiều trò chơi dân gian quen thuộc như rồng rắn lên mây tạo nên không khí vui tươi cho vở diễn
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tác giả Thiên Ân cho biết kịch bản này cũng được Nhà hát Tuổi trẻ khai thác nhưng dưới dạng một vở nhạc kịch. Về nội dung, khi kịch bản này sang kịch bản chèo, có chút thay đổi, nhân vật Phú Ông, Phú Bà sau khi nhận ra lỗi lầm đã sống tốt hơn, có ích hơn; nắm xôi của Bờm có sức mạnh diệu kỳ, cứu giúp mọi người xung quanh; Bờm tặng một mầm cây cho Gái và hẹn ngày cây lớn sẽ quay trở lại, Bờm tiếp tục đi tới những vùng đất mới, lan tỏa tình yêu thương tới mọi người. Tác giả muốn chuyển tải thông điệp giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho các em nhỏ một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Để có một tác phẩm sân khấu hay, thì kịch bản chất lượng là yếu tố rất quan trọng. Tác giả Thiên Ân cho biết: “Yếu tố quan trọng khi viết kịch cho thiếu nhi là phải đặt mình vào suy nghĩ của các em, sống cùng tâm hồn các em và có tư duy thật đơn giản”.
Soạn giả Mai Văn Sinh đã chuyển thể từ kịch bản của tác giả Thiên Ân sang thể loại chèo. Vở diễn thể hiện được rõ ngôn ngữ chèo nhưng vẫn mang tinh thần trẻ trung, sôi nổi và sự hồn nhiên, trong trẻo của thiếu nhi trên sân khấu chèo. Vở chèo vừa đảm bảo được tính ước lệ của sân khấu chèo nhưng vẫn rất gần gũi với đời sống, cuốn hút đối tượng khản giá nhỏ tuổi thông qua tiết tấu nhanh, lối kể chuyện linh hoạt cùng những màn múa hát đồng dao nhịp nhàng, sôi động trên sân khấu. Vở diễn Nắm xôi kỳ diệu với nhiều màu sắc rộn ràng, tươi vui nhưng xen vào đó là những phút giây lắng đọng như phân cảnh Bờm mơ được gặp lại mẹ, những bài học nhẹ nhàng, giản dị về tình người như chi tiết Bờm đổi chiếc quạt mo lấy nắm xôi để cứu giúp mọi người xung quanh, Bờm ước đôi mắt Gái sáng trở lại...
Vốn là một nghệ sĩ hài nổi tiếng của Nhà hát Chèo Hà Nội, đạo diễn, NSƯT Lê Tuấn đã đưa vào vở diễn những tình huống, câu thoại dí dỏm, hài hước, mang lại những tiếng cười vui vẻ, trong sáng, đáng yêu cho khán giả nhí mà vẫn có tính giáo dục sâu sắc.
Vở diễn mang lại tiếng cười vui vẻ cho các em thiếu nhi và những bài học vô cùng ý nghĩa
Tháng 5-2024, Nhà hát Chèo Hà Nội đã đưa vở diễn Nắm xôi kỳ diệu dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - 2024 tại Hải Phòng. Vở diễn được giới chuyên môn đánh giá cao và được khán giả thành phố Cảng nồng nhiệt đón nhận, cả khán phòng Nhà hát Thành phố Hải Phòng không còn ghế trống. Vượt qua hơn chục vở diễn khác ở các thể loại như kịch nói, rối, xiếc… Nắm xôi kỳ diệu của Nhà hát Chèo Hà Nội đã xuất sắc nằm trong 4 vở diễn đoạt Huy chương Vàng. Bên cạnh đó, biên đạo múa Phùng Khải đoạt giải Biên đạo xuất sắc nhất Liên hoan, các nghệ sĩ như: Trúc Mai (vai Gái), Khắc Huy (Phú Ông) đoạt Huy chương Vàng và nghệ sĩ trẻ Quang Trưởng (vai Bờm) đoạt Huy chương Bạc - đây là một gương mặt trẻ sáng giá với lối diễn tự nhiên, giọng hát ngọt ngào, là một tài năng đầy hứa hẹn của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Vở chèo sử dụng tiết tấu nhanh, chuyển biến trong cách kể chuyện khiến vở diễn trở nên hấp dẫn hơn với khán giả nhỏ tuổi. Trong vở diễn, các diễn viên thường xuyên giao lưu, tương tác với khán giả nhí khiến không khí buổi diễn luôn sôi nổi, hấp dẫn. Qua đó, các bạn nhỏ có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật chèo - một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Thông qua vở diễn, các em nhỏ không chỉ được sống cùng nhân vật qua các vai diễn vừa gần gũi vừa đáng yêu, mà còn học được nhiều bài học bổ ích, thiết thực từ câu chuyện trên sân khấu chèo với những điều nhỏ bé, đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa.
Diễn viên Trúc Mai đã rất thành công với vai Gái và giành Huy chương vàng cho vai diễn này
Nghệ sĩ Trúc Mai (trong vai Gái) chia sẻ: “Những năm gần đây, Nhà hát Chèo Hà Nội liên tục ra mắt những vở chèo dành cho thiếu niên, nhi đồng như vở: Cây tre trăm đốt, Ăn khế trả vàng… thông qua các dự án đưa nghệ thuật chèo tới sân khấu học đường với mong muốn giới thiệu nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc tới các thế hệ trẻ. Khi vào vai Gái trong vở Nắm xôi kỳ diệu, cá nhân tôi và rất nhiều nghệ sĩ khác đã phải thay đổi phong cách diễn, giọng hát của mình rất nhiều. Nếu như ở các vở chèo khác, các nghệ sĩ quen với lề lối, diễn tích dân gian của người lớn, thì sang môi trường của vở chèo dành cho thiếu nhi, chúng tôi phải diễn sao để các khán giả nhỏ tuổi dễ dàng tiếp nhận. Thành công vừa qua của cá nhân cũng như tập thể Nhà hát Chèo Hà Nội tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024 đã tiếp thêm động lực để những người làm nghệ thuật như chúng tôi tiếp tục nỗ lực cố gắng đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn tới khán giả nhỏ tuổi”.
Hiện nay, việc thu hút khán giả lớn tuổi đến với nghệ thuật chèo đã khó, thu hút khán giả nhí tới sân khấu chèo còn khó hơn. Nhưng vở diễn Nắm xôi kỳ diệu đã làm được điều đó. Dù ngày nay, rất nhiều phương tiện giải trí đa dạng, hiện đại nhưng trẻ em - những khán giả nhí chưa bao giờ quay lưng với sân khấu - nghệ thuật truyền thống. Khán giả Mai Hoa (Hà Nội) chia sẻ sau khi xem vở chèo Nắm xôi kỳ diệu ngày 1-6-2024: “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi đưa con đi xem chèo. Cứ nghĩ chèo rất khó xem, đặc biệt đối với các bạn nhỏ nhưng các cháu lại rất thích. Cốt truyện dễ hiểu, ý nghĩa nhân văn, các nhân vật ngộ nghĩnh, đáng yêu và vở diễn có nhiều chi tiết hài hước nên cuốn hút các bạn nhỏ”.
Phân cảnh Bờm mơ được gặp mẹ là một phân cảnh đặc sắc, mang đến nhiều cảm xúc cho người xem
Sự tin yêu, sẻ chia, đùm bọc đã giúp Bờm và các bạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách
Chính nắm xôi kỳ diệu đã chữa lành đôi mắt nhân vật Gái và giúp đỡ những người xung quanh
Nằm trong đề án Giới thiệu và biểu diễn các vở chèo được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030, dành cho các em học sinh khối Tiểu học và Trung học cơ sở do thành phố Hà Nội chỉ đạo, Nhà hát Chèo Hà Nội tiếp tục đưa Nắm xôi kỳ diệu đến với đông đảo khán giả nhỏ tuổi ở nhiều tỉnh thành trong thời gian tới. Nhà hát Chèo Hà Nội đã và đang “làm chèo” cho trẻ em, với mong muốn đưa những giá trị văn hóa dân gian vào trường học, lên sân khấu chèo để các em tiếp cận chèo từ sớm và cũng là một cách để tạo ra một lớp khán giả mới cho nghệ thuật chèo.
Có thể thấy, khi chất liệu văn hóa dân tộc được thổi hồn vào trong tác phẩm sân khấu, từ kịch bản mang màu sắc văn hóa Việt sẽ giúp các khán giả nhỏ tuổi hiểu hơn về văn hóa dân tộc, từ đó dễ dàng tiếp cận những loại hình sân khấu truyền thống một cách nhẹ nhàng, vui tươi hơn. Không chỉ cố gắng tìm kiếm, xây dựng kịch bản sân khấu chất lượng, các nghệ sĩ còn có sự tìm tòi, đổi mới nhất định trong cách dàn dựng để mang đến cho các em nhỏ một sân chơi nghệ thuật lý thú, bổ ích, gửi gắm những thông điệp tích cực, nhân văn.
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG