Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong nhà trường quân đội

Các môn lý luận chính trị là một trong hệ thống những môn học thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương cùng với các môn khoa học khác tạo nên kiến thức cơ bản và chuyên ngành cho đội ngũ học viên các nhà trường quân đội. Đây là các môn học giữ vị trí rất quan trọng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong chương trình đào tạo, có chức năng trang bị thế giới quan, phương pháp luận, cũng như cơ sở ngành, chuyên ngành, tạo nền tảng cho việc hình thành những phẩm chất nhân cách, các kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quân đội tương lai. Chính vì vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị theo hướng tăng cường tính thực tiễn luôn được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và nhà trường quân đội thường xuyên quan tâm.

Các môn lý luận chính trị vừa mang tính trừu tượng, vừa mang tính cụ thể và có sự thống nhất cao giữa tính trừu tượng với tính cụ thể trong suốt quá trình giảng dạy nên được đánh giá là có độ phức tạp hơn so với một số môn học khác. Các môn học này có sự thống nhất chặt chẽ giữa tính đảng với tính khoa học, tính thực tiễn. Mục tiêu, nội dung của các môn học lý luận chính trị vừa mang tính tư tưởng, tính giai cấp, tính chiến đấu, vừa mang tính khoa học, tính thực tiễn rất cao. Do đó, cả người dạy và người học cần phải có lập trường chính trị đúng đắn, có nhãn quan và sự nhạy bén về chính trị, có khả năng tư duy linh hoạt, sắc sảo, luôn nắm bắt sự phát triển của thực tiễn để biết vận dụng lý luận vào phân tích thực tiễn, củng cố lập trường tư tưởng, đề xuất những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thực tiễn vận động, phát triển theo đúng quy luật khách quan. Việc đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị được lãnh đạo, chỉ huy nhà trường quân đội xác định là bộ phận quan trọng trong tiến trình đổi mới giáo dục, đào tạo, nên hầu hết nhà trường đã quán triệt tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới: “Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, ứng dụng các phương pháp hiện đại, hấp dẫn người học, tạo hứng thú tìm tòi, nghiên cứu”. Trong đó, việc đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị luôn được coi là khâu quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và hình thành nhân cách người cán bộ, sĩ quan tương lai. Vì vậy, về cơ bản quá trình đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị ở các trường quân đội đến nay đã được những kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các mặt:

Phương pháp dạy học: tích cực được giảng viên lý luận chính trị các trường vận dụng khá linh hoạt theo từng đối tượng, mục tiêu đào tạo đối với từng môn học, bài học cụ thể, trên cơ sở kết hợp giữa các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại như: nêu vấn đề, dạy học nhóm và xây dựng các bài tập nhằm nhận thức định hướng cho học viên thông qua việc nghiên cứu tiếp cận vấn đề tự khai thác tìm tòi phát triển tư duy độc lập, sáng tạo dưới sự định hướng của giảng viên. Cho đến nay, hầu hết học viên các trường đã quen dần với các phương pháp học tập mới và từng bước khắc phục được lối học thụ động, ỷ lại vào giảng viên. Khâu đổi mới phương pháp dạy học ở các khoa lý luận chính trị được đội ngũ giảng viên tiến hành theo một trình tự logic chặt chẽ từ khâu chuẩn bị bài giảng, thực hành giảng, hướng dẫn hội thảo, trao đổi, thực hành, thực tập đến công tác tổ chức quản lý học tập.

Hệ thống giáo án, bài giảng: đều được củng cố, biên soạn lại theo quy định mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, sát thực tế, kế thừa được những kinh nghiệm trong chiến đấu, huấn luyện, tránh được sự giáo điều, máy móc theo lối mòn. Nội dung các bài giảng luôn giữ vững được định hướng chính trị tư tưởng, bảo đảm tính đảng, tính khoa học, cập nhật được những thông tin lý luận mới sát thực tiễn. Các hoạt động nghiên cứu ở nhà trường đều hướng vào việc đổi mới phương pháp dạy học như viết chuyên đề, tổ chức hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi. Việc thông qua bài, kiểm tra huấn luyện, tổ chức dự giờ, giảng thử, giảng tập, giảng mẫu, rút kinh nghiệm được tiến hành thường xuyên ở các cấp.

Có thể nói điểm nổi bật đáng ghi nhận trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các nhà trường quân đội thời gian qua là việc vận dụng các phương tiện dạy học hiện đại vào bài giảng, khắc phục được sự đơn điệu trong phương pháp dạy học truyền thống, tăng được tính hấp dẫn, phong phú về nguồn tư liệu, tính trực quan về hình ảnh, bài giảng; bố cục gọn, tính khái quát cao giúp cho giảng viên giảm bớt được nhiều thao tác sư phạm để tập trung vào những nội dung chính, đồng thời giúp cho người học nhận biết một cách hệ thống về nội dung, tăng được tính khái quát và sức thuyết phục của bài giảng, thông qua đó, người học phát triển độc lập được các kỹ năng nghe, nhìn, chọn lọc và ghi chép, nắm vấn đề.

Do tính phức tạp và trừu tượng của các môn học lý luận chính trị, các khoa lý luận chính trị ở các trường quân đội đã có sự đầu tư bồi dưỡng sâu cho học viên những kỹ năng tự học, định hướng cách tiếp cận, nghiên cứu và thu hoạch tài liệu. Học viên tự trao đổi kiểm tra đánh giá lẫn nhau thông qua khâu tự học, kết hợp với quá trình tổ chức quản lý chặt khâu tự học của cán bộ quản lý nên chất lượng chung của học viên các trường quân đội đều có bước chuyển biến rõ rệt, động cơ thái độ học tập các môn lý luận chính trị được nâng lên, tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, thu hoạch tài liệu có bước phát triển tốt, đặc biệt là ý thức tự giác trong học tập, cách thức giải quyết vấn đề trong quan hệ xã hội, cuộc sống hằng ngày của học viên đã thể hiện được bản lĩnh, lối sống và phong cách chững chạc.

Hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả: đã có sự đổi mới mạnh mẽ, kích thích học viên chủ động, tích cực học tập nắm kiến thức toàn diện, hệ thống cơ bản, biết cách liên hệ, vận dụng sát với thực tiễn; khắc phục có hiệu quả tư tưởng học tủ, học lệch, dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại. Các khâu, các bước trong quy trình thi, kiểm tra đánh giá kết quả được chú trọng ngay từ khi ra đề, chuẩn bị câu hỏi, xây dựng ngân hàng đề thi. Nội dung câu hỏi được xây dựng sát với chức trách nhiệm vụ, sát thực tiễn, đòi hỏi học viên phải đầu tư suy nghĩ, giải quyết sáng tạo tình huống cả về lý luận và thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc đổi mới giảng dạy các môn lý luận chính trị trong nhà trường quân đội vẫn tồn tại một số hạn chế: việc vận dụng phương pháp dạy học theo hướng tích cực ở một số nhà trường còn gặp khó khăn; một bộ phận giảng viên còn ngại vận dụng phương pháp mới, chưa đầu tư suy nghĩ, bài giảng chuẩn bị chưa sâu, thiếu sức thuyết phục trong giảng dạy, tính thực tiễn không cao. Phương pháp giảng còn nặng về chương trình, tham nội dung, dàn trải. Khâu thi, kiểm tra, đánh giá kết quả ở một số trường ít có sự đổi mới từ khâu ra đề đến khâu hỏi thi còn nặng về tái hiện kiến thức, kiểm tra thuộc bài là chính, học viên chưa biết cách liên hệ vận dụng thực tiễn, thiếu tính sáng tạo trong xử lý các tình huống mới nảy sinh trong thực tiễn.

Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các nhà trường quân đội hiện nay là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của các trường trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, cần thực hiện tốt một số biện pháp chính sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, yêu cầu của việc đổi mới phương pháp, nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy môn lý luận chính trị cho các lực lượng sư phạm trong nhà trường, nhất là cho đội ngũ giảng viên, học viên và cán bộ quản lý trực tiếp. Trong thời gian tới, các trường cần tiếp tục quán triệt những nội dung cốt lõi Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tới các lực lượng sư phạm, trong đó tập trung vào đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Đây là biện pháp quan trọng nhằm tạo ra sự đồng thuận, sự quyết tâm cao giữa các lực lượng trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt việc chuẩn hóa, hiện đại hóa nội dung, chương trình các môn lý luận chính trị ở nhà trường quân đội. Đây là biện pháp hết sức quan trọng, là cơ sở để thực hiện vấn đề tăng cường tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, bởi lẽ xét về thực chất, phương pháp chính là sự vận động của nội dung, nếu nội dung không đảm bảo được tính khoa học, tính hiện đại thì cũng khó có thể thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Vì vậy, các khoa, bộ môn, trên cơ sở giáo trình chuẩn của quốc gia, căn cứ vào chương trình cụ thể của mình đã được phê duyệt, căn cứ vào mục tiêu, điều kiện, đặc điểm đối tượng đào tạo để tiếp tục cụ thể hóa, chi tiết hóa nội dung đó thành đề cương chi tiết của môn học… đảm bảo tốt tính khoa học, hiện đại, thiết thực.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cả về nội dung, phương pháp dạy học. Đây là biện pháp có tính chất trực tiếp quyết định cho việc đảm bảo quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các nhà trường quân đội. Vì vậy, các nhà trường, lực lượng có liên quan cần quan tâm nâng cao trình độ nội dung, trình độ phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên. Để thực hiện được vấn đề này, cần thông qua nhiều hình thức, biện pháp cụ thể như: tập huấn giảng viên, sinh hoạt học thuật, thông tin khoa học… để bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.

Bốn là, đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị theo hướng tăng cường tính thực tiễn phải tiến hành đổi mới một cách căn bản cả cách dạy và cách học nhằm tạo ra động lực tích cực trong dạy học. Về cách dạy, cần đổi mới cách dạy, phát huy nội lực tự học, tự đào tạo và tư duy sáng tạo cho người học, bồi dưỡng năng lực tư duy, năng lực phát hiện giải quyết vấn đề, năng lực thực hành, năng lực và thói quen tự học suốt đời cho người học. Bản thân người dạy cũng phải phát huy tốt nội lực tự đào tạo để làm tốt chức năng của người thày, từ đó phát huy nội lực tự học cho học viên. Vận dụng phương pháp dạy học hiện đại đồng thời phải tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tính đặc thù của các môn lý luận chính trị để đổi mới và hiện đại hóa phương pháp dạy học truyền thống. Về cách học, phải đặc biệt quan tâm khâu tự học “lấy tự học làm cốt”, đi đôi với học kiến thức cơ bản thiết thực, hiện đại gắn chặt với yêu cầu xây dựng quân đội, yêu cầu thực tiễn đời sống xã hội; nhà trường với đơn vị… Từ đó tạo ra năng lực tư duy, năng lực phát hiện giải quyết vấn đề, năng lực thực hành và tự nghiên cứu, tự đào tạo.

Năm là, quan tâm chăm lo xây dựng và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các nhà trường quân đội trong tình hình mới. Việc đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện dạy học là bảo đảm các công cụ cho quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị. Cần quan tâm chăm lo biên soạn các tài liệu dạy học, kết hợp với đảm bảo các phương tiện dạy học một cách đồng bộ. Cần tận dụng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tích cực vận dụng các phương tiện dạy học hiện đại, các trang thiết bị có tính ứng dụng cao vào tất cả các khâu của quá trình giáo dục, đào tạo, trợ giúp đắc lực cho hoạt động dạy học như hệ thống thư viện điện tử, phòng học chuyên dùng, trang thiết bị giảng đường, xây dựng giáo án điện tử… Trong đó chú trọng khâu ứng dụng công nghệ thông tin làm cho bài giảng tăng tính trực quan, phong phú, thuyết phục cao.

Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường quân đội là đòi hỏi cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó các trường trong toàn quân cần quan tâm thích đáng đến nhiệm vụ này, để cho việc giảng dạy, học tập lý luận chính trị ở các trường không những là một nhiệm vụ quan trọng của mọi giảng viên, học viên, mà chính họ còn phải góp sức vào cùng với toàn Đảng, toàn dân sớm làm rõ và bổ sung những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; từng bước cụ thể hóa, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đấu tranh với những quan điểm sai trái hiện nay.

_________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Hà Nội, 2013.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, Hà Nội, 2018.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Hà Nội, 2021.

4. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29-3-2007 về “Công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới”, Hà Nội, 2007.

Tác giả: Ths Trần Quốc Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

;