Đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo sau đại học ở các học viện, nhà trường quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đào tạo sau đại học (ĐTSĐH) của quốc gia nói chung và ĐTSĐH trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng là một hướng quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho quân đội và quốc gia. Đào tạo sau đại học ở các học viện, trường sĩ quan (HV, TSQ) quân đội có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý, cán bộ khoa học, chuyên môn nghiệp vụ, giảng viên, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh; phấn đấu đến năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới về giáo dục và đào tạo: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” (1).

Quán triệt sâu sắc quan điểm Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện ĐTSĐH trong các HV, TSQ quân đội, đòi hỏi phải nhận thức đúng và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề đặt ra, trước hết cần tập trung thực hiện tốt các vấn đề sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn, chất lượng tuyển sinh lựa chọn người tài có phẩm chất, năng lực trình độ chuyên môn cao

Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết nhằm lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, năng lực và các yếu tố cần thiết về trí tuệ, tài năng để đào tạo. Quán triệt quan điểm nghị quyết đại hội XIII của Đảng, xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt” (2).

Vì vậy, đặt ra cho các chủ thể tham gia công tác tạo nguồn, tuyển sinh cần nghiên cứu nắm vững chủ trương của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng, các quy định, quy chế mới về điều kiện dự thi, xét tuyển và điều kiện trúng tuyển của đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Thường xuyên làm tốt công tác phối, kết hợp chặt chẽ giữa các học viện, nhà trường, với các hệ thống cơ quan của Bộ Quốc phòng đến các đơn vị có người dự tuyển; làm tốt công tác chuẩn bị và bồi dưỡng nguồn đào tạo, nhất là chương trình, nội dung trong thời gian dự khóa ĐTSĐH của các đối tượng. Quá trình tạo nguồn, tuyển chọn cần tham mưu cho Bộ Quốc phòng tạo ra tỷ lệ thích hợp giữa chỉ tiêu tuyển sinh và số người dự tuyển bảo đảm số người dự tuyển phải lớn hơn chỉ tiêu 1,2 - 1,4 lần tùy theo từng chuyên ngành cụ thể. Hằng năm, các HV, TSQ quân đội, phối kết hợp với các đơn vị có người đi đào tạo, cung cấp và gửi toàn bộ tài liệu, hướng nghiên cứu, đề tài luận văn, luận án hoặc thông báo trên trang web của nhà trường.

Công tác tuyển sinh phải được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng quy định ISO 9001-2008. Lấy chất lượng là chính, không chạy theo số lượng. Nâng cao vai trò của Thủ trưởng các HV, TSQ quân đội và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tuyển chọn đầu vào, ra soát hồ sơ, đặc biệt là văn bằng ngoại ngữ, các bài báo quốc tế, phấn đấu với mục đích chọn đúng và trúng những người có phẩm chất, năng lực thực tế để đào tạo.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo sau đại học trong các HV, TSQ quân đội

Quán triệt tinh thần của Đại hội XIII của Đảng về “Tập trung đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặt ra cho các HV, TSQ quân đội tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa”, các HV, TSQ quân đội cần rà soát toàn bộ chương trình, nội dung ĐTSĐH của từng ngành, chuyên ngành hiện có, mạnh dạn cắt bỏ những nội dung, chương trình lạc hậu. Chú trọng cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, có tính dự báo cao về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; sự phát triển của khoa học, nhất là nghệ thuật quân sự, trang bị, vũ khí thế hệ mới và thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị… Kiên quyết khắc phục sự trùng lặp về chương trình, nội dung giữa các cấp học, bậc học và giữa các môn học trong một chương trình, nội dung đào tạo. Xây chương trình, nội dung đào tạo đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo Thông tư hiện hành của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo. Các HV, TSQ phối hợp nghiên cứu xây dựng chương trình thí điểm đào tạo chuyên gia giỏi, những ngành mũi nhọn, đào tạo khoa học cơ bản thuộc một số chuyên ngành đặc thù. Cùng với đó, cần tích cực đổi mới chương trình, nội dung dạy và học ngoại ngữ; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng những năm tiếp theo”.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý giáo dục trong các HV, TSQ quân đội đáp ứng yêu cầu trước mắt và cơ bản lâu dài

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về “Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”, các HV, TSQ quân đội phải thường xuyên quan tâm kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đủ số lượng, đồng bộ hợp lý về cơ cấu, phù hợp về độ tuổi, chuyên ngành, chuẩn hoá về chất lượng theo quy định. Đội ngũ này luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, gương mẫu, nhiệt tình, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, tận tụy với công việc, kiến thức toàn diện, chuyên ngành sâu, có năng lực sư phạm, có kinh nghiệm thực tiễn trong hướng dẫn luận văn, luận án. Theo đó, làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và tăng cường quản lý, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, có chức danh khoa học, các chuyên gia đầu ngành. Nhà trường cần chủ động tổng kết, xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo”.

Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức thực tiễn, phương pháp sư phạm, khả năng nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo trong các HV, TSQ quân đội. Tạo mọi điều kiện cần thiết, để các nhà giáo hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu, với đào tạo khoa học quân sự của thế giới trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường đưa giảng viên đi thực tế tại đơn vị để hoàn thiện chức danh, tích lũy kinh nghiệm và động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo tự học, tự nghiên cứu để vươn lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Cơ quan chức năng, trực tiếp là Cục Nhà trường, tiếp tục tham mưu cho Hội đồng chức danh giáo sư ngành Khoa học quân sự và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, HV, TSQ quân đội thực hiện tốt việc xét, công nhận chức danh, danh hiệu nhà giáo ở các cấp; chỉ đạo chặt chẽ việc đăng ký hồ sơ chuyên môn kỹ thuật, xét đề nghị công nhận chức danh giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp theo quy định. Đồng thời, trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nghiên cứu đề xuất với Bộ Quốc phòng có chính sách ưu đãi phù hợp thu hút nhân tài vào đội ngũ nhà giáo quân đội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý giáo dục phát huy hết khả năng, tâm huyết trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Bốn là, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng ĐTSĐH và đáp ứng đầu tư, hiện đại hóa vật chất, trang thiết bị đào tạo

Đây là vấn đề rất quan trọng đang đặt ra trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng ĐTSĐH theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là thực hiện định hướng nhiệm vụ, giải pháp về “Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục, đào tạo”. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra cho các HV, TSQ quân đội cần đẩy mạnh phân cấp quản lý đào tạo; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đào tạo, nhất là kiểm tra đột xuất; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành huấn luyện ở các cấp, phát hiện sao chép, trùng lặp luận văn, luận án, các công trình khoa học. Đặc biệt, coi trọng việc phát huy vai trò của cơ quan khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo; xây dựng chuẩn chất lượng đào tạo, có cơ chế kiểm soát và điều kiện bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng ĐTSĐH. Các HV, TSQ tiếp tục hoàn thiện hệ thống ngân hàng đề thi, đáp án, quy chế, quy định, quy trình trong thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, chuyên đề, luận văn, luận án. Tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, phúc tra, kiểm định chất lượng ĐTSĐH của các HV, TSQ đúng quy định.

Đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất bảo đảm cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đặc biệt, là hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, các trung tâm mô phỏng, phần mền công tác quản lý ĐTSĐH, công cụ, phương tiện ra soát sự trùng lặp luận văn, luận án, các phòng thí nghiệm hiện đại, các phòng học trực tuyến, hiện đại hóa và sử dụng hiệu quả các thư viện điện tử; xây dựng giảng đường có các trang thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà trường thông minh, tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các HV, TSQ trong và ngoài Quân đội

“Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là vấn đề cấp thiết đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện. Thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường hợp tác ĐTSĐH, nghiên cứu khoa học giữa các trường trong và ngoài quân đội bảo đảm công tác ĐTSĐH trong Quân đội tiếp thu tri thức hiện đại, tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Theo đó, các HV, TSQ quân đội theo nhiệm vụ được phân công cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo trong quân đội; chú trọng nâng cao hiệu quả và mở rộng quan hệ song phương, đa phương hợp tác đào tạo với nước ngoài. Đồng thời, cần tổ chức các đoàn đi nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo của các trường quân sự nước ngoài; mở rộng, phối hợp ĐTSĐH, nghiên cứu khoa học và mời chuyên gia giảng dạy một số chuyên ngành theo chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đi đôi với đẩy mạnh hợp tác quốc tế, các HV, TSQ quân đội cần tiếp tục tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các trường trong và các cơ sở ĐTSĐH ngoài quân đội, thu hút các nhà khoa học, giảng viên tham gia giảng dạy, hướng dẫn khoa học và nghiên cứu, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội trên một số lĩnh vực.

Quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương quan điểm Đại hội XIII của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, ĐTSĐH trong các HV, TSQ quân đội đang và sẽ đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết. Nhận thức đúng những vấn đề này và kịp thời có giải pháp thực hiện đồng bộ nhằm đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện ĐTSĐH ở các HV, TSQ quân đội, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTSĐH trong Quân đội, góp phần thiết thực vào thực hiện thành công mục tiêu “tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo” như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

_________________

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.115, 54.

THS LÊ VIẾT THÔNG 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

;