Ứng dụng sự phát triển của công nghệ, nhiếp ảnh trên nền tảng tư duy nghệ thuật vào đồ họa đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội, dịch vụ, thương mại, nghệ thuật.
1. Đồ họa ảnh - một loại hình nhiếp ảnh nghệ thuật
Truyền thông, quảng cáo thông qua đồ họa ảnh đang là vấn đề được quan tâm rộng rãi, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Hình ảnh được truyền thông không chỉ đơn thuần là dấu hiệu phân biệt hay minh họa cụ thể mà cao hơn đó chính là ý niệm ẩn dấu, thông điệp được truyền tải đến người xem.
Đồ họa ảnh là một loại hình nhiếp ảnh nghệ thuật được tạo nên bởi những ý tưởng sáng tạo và kỹ thuật chụp ảnh để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật dựa trên đường nét, mảng khối, màu sắc, ánh sáng của một hay nhiều bức ảnh hợp thành nhằm thực hiện và truyền đạt tâm tư, tình cảm, chủ kiến của tác giả về một đề tài hay một vấn đề quan tâm.
Khái niệm về hình ảnh trong nghệ thuật tạo hình và nhiếp ảnh
Trí nhớ hình ảnh là khả năng nhớ những sự kiện, một khái niệm, một hệ thống lý thuyết bằng hình ảnh, hình ảnh đó được ghi dấu trong não sau khi đạt được sự hiểu biết thông qua tư duy hình ảnh. Tư duy hình ảnh khởi phát từ hai trường hợp sau:
Hình ảnh được tạo dựng, bởi người diễn giảng, để kích thích tư duy, gợi mở tư duy giúp người được truyền đạt thông qua hình ảnh đó nắm bắt được một khái niệm, một quan điểm, một hệ thống lý thuyết nào đó. Do vậy, khi nhớ lại hình ảnh đó là nhớ được cái đã thấu đạt đằng sau hình ảnh. Được sử dụng trong giáo dục trực quan; xây dựng tình huống giả định; liên hệ tình huống đời thực; xắm vai… trong phương pháp giảng dạy tích cực của nền giáo dục hiện đại.
Hình ảnh được sáng tạo ra trong quá trình tư duy độc lập, như một cách thể hiện sự thấu đạt của tư duy về một lý luận nào đó, nhằm nắm bắt và ghi nhớ khái quát nhất, sâu sắc nhất vấn đề mà tư duy đã thấu đạt. Như: mô hình hóa hệ thống lý thuyết; thao tác mô hình hóa trong phương pháp tư duy sáng tạo.
Hình ảnh trong nghệ thuật nhiếp ảnh
Nhiếp ảnh là quá trình tạo ra hình ảnh bằng tác động của ánh sáng với phim hoặc thiết bị nhạy sáng. Nhiếp ảnh dùng một thiết bị đặc biệt để ghi lại hình ảnh của vật thể thông qua ánh sáng được phản chiếu từ các vật thể lên giấy hoặc phim nhạy sáng, bằng cách căn thời gian phơi sáng. Quá trình này được thực hiện bằng các thiết bị cơ học, hóa học, hay kỹ thuật số thường được gọi là máy ảnh hay máy chụp hình.
Nhiều ngôn ngữ, từ tương đương cho “nhiếp ảnh” (photography, photographie, fotografie, fotografía...). Trong tiếng Hy Lạp, từ phos (φως) có nghĩa là ánh sáng, graphis (γραφις) có nghĩa là bút vẽ đầu nhọn, cọ vẽ hoặc graphê (γραφη) có nghĩa là vẽ bằng ánh sáng, trình diễn bằng đường nét. Sản phẩm của nhiếp ảnh, theo truyền thống được gọi là ảnh (photograph). Từ photo trong tiếng Anh, tiếng Pháp... là tên gọi tắt của photograph. Nhiều người cũng gọi ảnh trong tiếng Anh là picture. Trong nhiếp ảnh kỹ thuật số, ảnh kỹ thuật số được gọi là image đang thay thế dần từ photograph.
Có thể nói ý tưởng sáng tạo là đặc điểm cơ bản nhất của ảnh đồ họa. Cần phân biệt rõ những yếu tố khác nhau của hai dòng nhiếp ảnh và đồ họa ảnh để có sự áp dụng chính xác và đạt được hiệu quả cao nhất trong từng trường hợp cụ thể, tùy theo mục đích sử dụng của tác giả.
Chắc nhiều người sẽ rất bất ngờ khi biết rằng nhiếp ảnh đồ họa đã xuất hiện và được ứng dụng từ rất lâu trên thế giới, khi mà tin học còn đang được nghiên cứu và chưa phổ biến rộng rãi.
Không thể nói hết về những ý nghĩa giao tiếp của hình ảnh, cũng khó có thể diễn đạt được một cách đầy đủ về giá trị của nghệ thuật sáng tạo đồ họa ứng dụng, đồ họa ảnh với chỉ trong một khuôn khổ nhất định. Nhưng có lẽ một điều hiển nhiên cho thấy là những giá trị này đã được xây dựng với một sự kế thừa rất lớn từ nghệ thuật tạo hình. Hơn nữa nó được hỗ trợ từ nhiều phía của sự phát triển công nghệ, nhiếp ảnh đến hệ thống tư duy hình ảnh.
2. Một số điểm lưu ý trong đồ họa ảnh
Việc sử dụng hình ảnh trong quảng cáo trước hết phải đặt vấn đề với những câu hỏi về đối tượng được quảng cáo và đối tượng tiếp nhận quảng cáo đó. Người họa sỹ thiết kế phải nhìn nhận và nghiên cứu đối tượng của mình xem họ là ai? Họ ở đâu? Họ lớn như thế nào? Và họ mong muốn điều gì? Mỗi câu hỏi là một mắt xích xâu chuỗi thành một hệ thống thông tin về khách hàng. Người họa sĩ thiết kế phải tìm hiểu về đối tượng tương tác của khách hàng. Tức là khách hàng của khách hàng. Những câu hỏi xem họ quan tâm đến ai? (giới nào, lứa tuổi nào…) và những người được quan tâm mong muốn gì? Việc xử lý thông tin này mới chỉ là sự bắt đầu cho sự hình thành để xây dựng hình ảnh cho một chương trình quảng cáo.
Hình ảnh có thể chỉ là minh họa nhưng hình ảnh cũng có thể trở thành đại diện cho những thứ ngoài nó, lớn hơn nó rất nhiều. Việc khai thác được giá trị phần nhiều xuất phát từ vấn đề văn hóa. Vì thế sự nghiên cứu văn hóa, lịch sử bản địa là điều không thể bỏ qua. Có những cách sử dụng hình ảnh một cách đơn giản về ý nghĩa và thậm chí đi ngược lại với nội dung chính của đối tượng cần quảng cáo. Không ngoại trừ những thao tác ấy khiến sự hiểu nhầm và gây phản cảm khi nó tương tác không đúng vị trí hay thời điểm… Đã có rất nhiều những quảng cáo đẹp không được tiếp nhận và thậm chí phải gỡ bỏ chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện.
Một điều hết sức quan trọng trong đồ họa ảnh là giá trị thẩm mỹ. Thước đo của nghệ thuật là cái đẹp. Vậy cái đẹp trong đồ họa ảnh trước hết phải là việc nó có ngôn ngữ đúng với giá trị của nó. Sử dụng đúng đường lối, kiểu cách sẽ quyết định sự thành công của bức ảnh đó.
Sản phẩm được thiết kế phải có tính thẩm mỹ và có ngôn ngữ, phương pháp sáng tạo, thể hiện chuyên nghiệp. Để có được những yếu tố đó, nó phải hội tụ tất cả từ nội dung đến hình thức và chất liệu thể hiện. Có những hình ảnh đồ họa quảng cáo rất thành công trên chất liệu clip động nhưng lại chưa đặc sắc khi xuất hiện trên mặt báo hay tạp chí… hoặc ngược lại.
Việc tìm ra thế mạnh về hình ảnh cho khách hàng cũng như thế mạnh cạnh tranh của các đối thủ của khách hàng cũng là một điều hết sức quan trọng cần nhắc tới. Để xây dựng hình ảnh, tạo sức mạnh cho khách hàng, cần phải tìm đúng điểm mạnh của họ mà những đối thủ cạnh tranh không thể có sự sở hữu.
Ảnh quảng cáo dự phần quan trọng nhất vào vai trò và tầm phổ cập của báo chí. Đặc biệt ở phương Tây, chỗ dựa hàng đầu là những tạp chí sang trọng, số lượng in rất lớn và chất lượng in cao.
Những bức ảnh ý niệm thường được thiết kế rất kỹ trước khi chụp. Chính những ý tưởng, ý niệm ẩn dấu dưới cách thể hiện của bức ảnh mới là linh hồn của tác phẩm, mới chính là nghệ thuật... Các thao tác chụp ảnh, kỹ thuật xử lý chỉ là phương tiện để tạo nên một tác phẩm theo ý đồ của nhiếp ảnh gia.
3. Đồ họa ảnh trong giảng dạy đối với sinh viên các trường nghệ thuật
Với sinh viên ngành đồ họa, việc tiếp cận với nghệ thuật nhiếp ảnh và thiết kế đồ họa ảnh là điều cần thiết. Ngoài việc học vẽ, tạo hình, học phương pháp sáng tạo nghệ thuật đồ họa, sinh viên cần được trang bị những kỹ năng sáng tạo phức hợp để có thể tự tạo ra những hình ảnh quảng cáo mang tính thẩm mỹ, cá nhân cao mà không bị phụ thuộc vào nguồn tư liệu sẵn có. Ngoài việc làm quen với photoshop, việc học nhiếp ảnh và đồ họa ảnh là yếu tố cốt lõi để sinh viên ngành đồ họa có thể rèn luyện kỹ năng sáng tạo và thiết kế hình ảnh; phục vụ cho các bài tập quảng cáo một cách hiệu quả và thẩm mỹ nhất.
Các yêu cầu và nội dung của bài học về nhiếp ảnh căn bản trang bị kiến thức tổng quan về bộ môn nhiếp ảnh, các kỹ năng chụp ảnh, cách nhìn nhận cơ bản về ánh sáng, bố cục, màu sắc… Tuy nhiên yêu cầu về bài tập không đi sâu theo chiều hướng nghệ thuật nhiếp ảnh kinh điển mà yêu cầu sinh viên có những sáng tạo ngay trong lúc chụp ảnh. Sinh viên được làm quen với các kỹ thuật căn bản sử dụng máy ảnh, kỹ thuật nhìn nhận ánh sáng, vận dụng ánh sáng tự nhiên và kỹ thuật phòng chụp với đèn chiếu.
Những bức ảnh được tạo ra ngoài cảm xúc nghệ thuật đòi hỏi phải có sự sáng tạo, thể hiện cái tôi, cái riêng biệt của mỗi sinh viên. Đề tài chụp ảnh không đi sâu vào các thể loại ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt… mà phải linh hoạt áp dụng các kỹ thuật nhiếp ảnh kết hợp với sự phát hiện, sắp đặt, vận dụng ánh sáng, những đồ vật được lựa chọn và tạo hình bố cục theo ý tưởng sang tạo của sinh viên. Hình ảnh chụp cần gây sự ấn tượng về sự tương tác của các vật thể chính phụ trong không gian ảnh. Câu chuyện với những hình ảnh tạo ra được cân nhắc bởi yếu tố nghệ thuật đồ họa kết hợp với ánh sáng.
Những bức ảnh chân dung là sự thể hiện cái tôi của chính các tác giả với những ngôn ngữ sử dụng bố cục, ánh sáng, tạo hình khác nhau. Các bức ảnh được lựa chọn bày với nhau theo một caption được chính sinh viên đặt ra. Đây dường như là những bức ảnh biểu hiện có tiền đề tốt cho kỹ năng làm apphích quảng cáo.
Kỹ thuật chụp ảnh được áp dụng với những ngôn ngữ căn bản của nhiếp ảnh và sự sáng tạo trong bố cục sắp đặt của sinh viên tạo ra những bức ảnh đồ họa có tính riêng biệt và thẩm mỹ; tạo nên sự hưng phấn trong học tập cũng như tính tự giác của sinh viên trong việc sử dụng hình ảnh có sẵn với việc sáng tạo ra hình ảnh để sử dụng.
Bài tập về hình ảnh thuần tuý nằm trong hệ thống giảng dạy về nghệ thuật đồ họa, giúp cho sinh viên có khả năng tư duy và kỹ thuật xử lý hình ảnh. Hình ảnh không bị lệ thuộc vào quảng cáo cho hãng nào hay cho một đối tượng ứng dụng nào, điều đó giúp cho sinh viên không bị bó buộc vào phần ứng dụng mà có thể tự do sáng tạo và tìm ý tưởng cho riêng mình. Đây là một trong những yếu tố giúp sinh viên làm quen với việc sáng tạo nghệt thuật, biểu hiện tốt được tính cá nhân và thẩm mỹ của mình. Tuy nhiên việc sử dụng photoshop để tạo ra bức ảnh không phải quy cách đúng cho hệ thống bài tâp này. Việc tạo dựng, sắp đặt hình ảnh được tự thân mỗi cá nhân phải tự xoay sở với những vật thể đã lựa chọn và chính chiếc máy ảnh trong tay mình. Trong từng điều kiện cụ thể, với các thể loại máy ảnh khác nhau, sinh viên có những cách xử lý kỹ thuật cho riêng mình để thấy được những sản phẩm đồ họa ảnh hiệu quả mà không quá lệ thuộc vào kỹ thuật xử lý của máy ảnh.
Việc làm chủ được các kỹ thuật sáng tạo hình ảnh, mong rằng sẽ có những thay đổi lớn về giá trị thẩm mỹ đồ họa trong các hệ thống bài tập sau này. Sẽ không còn những tình trạng lạm dụng và phụ thuộc quá nhiều về việc sử dụng các thể loại hình ảnh có sẵn trên mạng. Loại trừ, ngăn ngừa được các tình huống vi phạm bản quyền tác giả trong hệ thống bài tập sáng tạo đồ họa. Hơn nữa, hệ thống bài tập về đồ họa ảnh cũng giúp cho sinh viên có thêm nhiều niềm hứng thú trong việc sáng tạo hình ảnh cho các bài tập đồ họa ứng dụng quảng cáo.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018
Tác giả : ĐẶNG MINH VŨ