ĐỊNH HƯỚNG THỊ HIẾU THẨM MỸ CỦA HỌC VIÊN CÁC TRƯỜNG QUÂN ĐỘI

Thị hiếu thẩm mỹ là phẩm chất tâm hồn đặc biệt tạo nên sự nhạy cảm của chủ thể trước các đối tượng thẩm mỹ, là cội nguồn của sự say mê, hứng thú trong thưởng thức, cảm thụ, đánh giá và sáng tạo trong cuộc sống, trong nghệ thuật, là nhân tố cấu thành nhân cách của mỗi người. Giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ làm phong phú đời sống tinh thần mỗi cá nhân và xã hội đã được các nhà mỹ học từ thời cổ đại bàn đến, càng được khẳng định khi xã hội phát triển. Thị hiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân và tập thể không phải tự phát trở nên đúng đắn, hoàn thiện. Để hình thành, phát triển thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, tiến bộ cần sử dụng đồng bộ, tổng hợp nhiều biện pháp, trong đó định hướng thị hiếu thẩm mỹ là một nội dung quan trọng.

Định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên ở các nhà trường quân đội nhân dân Việt Nam là tổng thể hoạt động theo quy luật của chủ thể trong quá trình đào tạo hướng cho học viên nhận thức, thụ cảm, thích thú, lựa chọn vươn tới và sáng tạo các đối tượng thẩm mỹ phù hợp với chuẩn mực cái đẹp trong lĩnh vực quân sự ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Những năm qua, các nhà trường quân đội luôn quan tâm giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên. Vì vậy, đa số học viên đã có thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh góp phần hoàn thiện nhân cách; thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu đào tạo của các nhà trường và sự nghiệp xây dựng quân đội trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, hoạt động định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên ở các nhà trường vẫn còn những hạn chế nhất định làm cho thị hiếu thẩm mỹ của một số học viên chưa thực sự tương xứng, còn tình trạng mơ hồ, cảm tính, thiếu vững chắc thậm chí lệch chuẩn. Nghiên cứu định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên ở các nhà trường quân đội hiện nay, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề sau.

Mâu thuẫn giữa yêu cầu và hiện trạng nhận thức vai trò định hướng thị hiếu thẩm mỹ của các chủ thể

Sức mạnh định hướng của các chủ thể là tiền đề khách quan, là nhân tố khởi nguồn của quá trình định hướng. Do đó, sự nhận thức đúng đắn, thống nhất về vai trò, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên là cơ sở cho sự thống nhất của toàn bộ quá trình định hướng. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này của các chủ thể còn chưa đầy đủ và thống nhất. Qua khảo sát thấy rằng, một số chủ thể khẳng định thị hiếu thẩm mỹ có vai trò quan trọng trong đời sống thẩm mỹ của mỗi cá nhân và tập thể, do đó cần phải nâng cao định hướng để học viên hình thành, phát triển thị hiếu lành mạnh, phong phú, tiến bộ. Một số chủ thể cho rằng thị hiếu thẩm mỹ có vai trò quan trọng, nhưng định hướng thị hiếu thẩm mỹ là nhiệm vụ chung của giáo dục, đào tạo ở nhà trường. Có chủ thể cho rằng thị hiếu thẩm mỹ là phẩm chất cá nhân phụ thuộc vào khả năng của mỗi người nên việc định hướng là của cá nhân. Từ thực tế trên, để nâng cao định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên, các chủ thể, nhất là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo cần nhận thức đúng vai trò định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên, từ đó thống nhất nhận thức và hành động của các chủ thể khác trong các nhà trường quân đội.

Mâu thuẫn giữa yêu cầu và thực trạng năng lực giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của các chủ thể.

Định hướng thị hiếu thẩm mỹ phụ thuộc trực tiếp vào năng lực giáo dục, định hướng của các chủ thể giáo dục đào tạo ở các nhà trường quân đội. Qua khảo sát thực tế cho thấy, năng lực tổ chức, năng lực giáo dục thẩm mỹ của các chủ thể còn có những bất cập chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Với chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo: một số chủ thể ở các nhà trường chưa tích cực, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên. Từ đó, việc xác định mô hình, mục tiêu, kế hoạch, nội dung, phương thức định hướng còn lúng túng. Nhiệm vụ định hướng thị hiếu thẩm mỹ chỉ được lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Với các chủ thể tổ chức thực hiện: đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội có vai trò rất quan trọng giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên. Họ là những người trực tiếp truyền thụ tri thức, kinh nghiệm, người thổi hồn vào các bài giảng để học viên thấy cái hay, cái đẹp của tri thức. Tuy nhiên, ở các nhà trường quân đội hiện nay, một bộ phận giảng viên chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động dạy học, trang bị kiến thức chuyên môn với hoạt động giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên. Nhiều giảng viên cho rằng nhiệm vụ của họ là giảng bài, trang bị tri thức, còn cảm nhận cái hay, cái đẹp từ bài giảng và tri thức bài giảng là của học viên. Có giảng viên quan niệm nhiệm vụ của giảng viên chỉ là trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng công tác, còn định hướng thị hiếu thẩm mỹ là việc của đội ngũ cán bộ quản lý và bản thân mỗi học viên. Từ đó, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy hướng tới truyền thụ giá trị thẩm mỹ trong bài giảng chưa được chú trọng, có giảng viên chưa nỗ lực, cố gắng trong nghiên cứu khía cạnh thẩm mỹ của nội dung bài giảng, chưa tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy để biên soạn bài giảng gây tình cảm tốt, sự hứng thú cho học viên. Hiện tượng lý thuyết suông, truyền thụ một chiều, giảng bài cho hoàn thành nhiệm vụ, chưa phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên trong cảm thụ giá trị thẩm mỹ của bài giảng vẫn còn phổ biến; thậm chí có giảng viên chưa thực sự là tấm gương tốt về thị hiếu thẩm mỹ để học viên noi theo. Đội ngũ cán bộ quản lý ở các nhà trường quân đội có vai trò to lớn tác động, ảnh hưởng đến tri thức, tình cảm, nhu cầu thẩm mỹ của học viên, ảnh hưởng trực tiếp đến hình thành tác phong, lối sống, nhân cách học viên theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Chính vì vậy, nâng cao năng lực giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của họ là yếu tố quan trọng trực tiếp nâng cao chất lượng định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên. Tuy nhiên, ở các nhà trường quân đội hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý chưa phát huy hết vai trò của mình trong định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên. Một số cán bộ quản lý ở đơn vị quan niệm việc trang bị tri thức thẩm mỹ là nhiệm vụ của giảng viên, rèn luyện thị hiếu thẩm mỹ là việc của cá nhân, nên chưa tích cực, chủ động trong định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên, chưa gắn định hướng thị hiếu thẩm mỹ với nhiệm vụ của đơn vị. Năng lực giáo dục thẩm mỹ của một bộ phận cán bộ quản lý chưa ngang tầm nhiệm vụ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo chức trách nhiều cán bộ quản lý chỉ duy trì theo đúng điều lệnh, điều lệ và quy định, chưa phát huy tốt vai trò là người giáo dục giá trị thẩm mỹ trong các hoạt động, các chế độ, nề nếp, để học viên cảm thụ thấy cái hay, cái đẹp từ đó thực hiện và làm theo một cách tự giác; việc đặt ra yêu cầu cao đối với việc tự giáo dục, rèn luyện về mặt thẩm mỹ của học viên chưa thường xuyên, còn có biểu hiện chạy theo thành tích đơn vị. Tổ chức đoàn và hội đồng quân nhân ở các đơn vị trong các nhà trường quân đội là nơi sinh hoạt, học tập, vui chơi, là nơi để học viên phát huy dân chủ, thể hiện năng khiếu, tài năng và thị hiếu bản thân. Tuy nhiên, ở các nhà trường hiện nay phần lớn hoạt động của tổ chức đoàn còn mang tính thời vụ, nội dung các hoạt động còn khiên cưỡng, chưa có chiều sâu, nhiều hoạt động qua loa chiếu lệ, theo lối mòn, thiếu sự sáng tạo và đột phá, chưa phát huy hết sức mạnh trong giáo dục, định hướng thẩm mỹ; nhiều hoạt động động chỉ chú ý đến tính hình thức, xây dựng hạt nhân, chưa thu hút đông đảo đoàn viên tham gia, vì vậy làm giảm ý nghĩa tích cực tới định hướng thị hiếu thẩm mỹ của đoàn thanh niên. Hội đồng quân nhân ở các đơn vị trong các nhà trường hoạt động còn mang tính hình thức, chưa hoàn thành tốt vai trò trong phát huy dân chủ, bàn bạc biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng đạo đức, lối sống và định hướng thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh ở các đơn vị.

Vấn đề đặt ra là phải nâng cao năng lực giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của các chủ thể ở các nhà trường quân đội hiện nay. Đặc biệt là năng lực giáo dục thẩm mỹ đội ngũ cán bộ, giảng viên, người trực tiếp giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho học viên.

Mâu thuẫn giữa tính bức thiết của việc tạo dựng, củng cố với quá trình dung nạp giá trị thẩm mỹ quân sự

Nhiệm vụ trọng tâm giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên ở các nhà trường quân sự là hướng cho học viên nhận thức, cảm thụ và vươn tới những giá trị thẩm mỹ trong lĩnh vực quân sự. Nhiệm vụ đó phải được cụ thể hóa vào nội dung, chương trình giáo dục. Song thực tế cho thấy, việc dung nạp các giá trị thẩm mỹ quân sự vào nội dung, chương trình giáo dục ở các nhà trường quân đội hiện nay còn một số bất cập. Trong giáo dục, rèn luyện thường chú trọng đến tính trội của việc trang bị tri thức, kỹ năng, kỹ xảo rèn luyện phẩm chất và năng lực chuyên môn, chưa chú trọng khai thác truyền bá cái hay, cái đẹp trong mỗi hoạt động, mỗi tri thức đó. Mọi hoạt động của học viên ở các nhà trường quân đội từ học tập, rèn luyện, thực hiện các nhiệm vụ, nề nếp, chế độ hàng ngày đến truyền thống, tri thức chuyên ngành đều kết tinh giá trị thẩm mỹ quý giá. Tuy nhiên, việc phát hiện, dung nạp các giá trị đó vào nội dung, chương trình giáo dục, nhiều khi chưa được chú trọng đúng mức làm cho học viên chưa nhận thức hết, chưa cảm thụ sâu sắc cái hay, cái đẹp trong các hoạt động, tri thức quân sự và truyền thống quân đội từ đó có sự rung cảm, yêu mến và phấn đấu vươn tới một cách tự giác.

Thực tế đó đặt ra, cần phải có sự đổi mới về nội dung giáo dục thẩm mỹ để trong mỗi hoạt động học viên đều thấy được các giá trị của cái đẹp ẩn chứa trong đó. Cần đổi mới nội dung giáo dục để trong các bài học, môn học, trong các hoạt động của học viên, bên cạnh trang bị các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần làm nổi bật những đặc điểm chung về mặt thẩm mỹ, bản chất cái thẩm mỹ, tính thẩm mỹ, nội dung và biểu hiện của cái đẹp ẩn chứa trong đó, từ đó bồi dưỡng tri thức, xúc cảm thẩm mỹ cho họ.

Mâu thuẫn giữa tính linh hoạt, mềm dẻo của phương pháp giáo dục thẩm mỹ với sự nổi trội của yêu cầu hành chính, mệnh lệnh, kế hoạch ở các nhà trường quân đội.

Giáo dục, định hướng thẩm mỹ là giáo dục để học viên nhận thức và cảm thụ cái đẹp, đòi hỏi hình thức giáo dục linh hoạt, mềm dẻo đi vào tình cảm, cảm xúc của học viên. Giáo dục, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên ở các nhà trường quân đội diễn ra trong môi trường đặc biệt, tính trội của môi trường này mọi hoạt động phải tuân theo điều lệnh, điều lệ, mệnh lệnh và theo kế hoạch. Phương pháp giáo dục mệnh lệnh, hành chính nhiều khi chưa phù hợp trong giáo dục thẩm mỹ, bởi vì phương pháp này khô khan, mang tính ép buộc hơn là tự nguyện, tự giác, nên khó đi vào tư tưởng, tình cảm, khó chạm tới rung động thẩm mỹ của học viên, do đó hiệu quả truyền tải các nội dung giáo dục không cao. Hơn nữa nhận thức, cảm thụ thẩm mỹ thường mang màu sắc cá nhân, cảm tính, mỗi cá nhân có cách cảm thụ khác nhau nên phương pháp giáo dục theo kế hoạch, với mọi học viên như nhau sẽ làm giảm hiệu quả giáo dục giáo dục thẩm mỹ.

Do đó, phương pháp giáo dục cần linh hoạt, đa dạng, tùy căn cứ đặc điểm của mỗi học viên, mỗi đơn vị để áp dụng phù hợp.

Mâu thuẫn giữa sự phong phú, hấp dẫn của đời sống thẩm mỹ quân sự với phương pháp, hình thức giáo dục thống nhất, chính quy ở các nhà trường quân đội.

Nhận thức và thụ cảm cái đẹp luôn mang đến cho con người sự rung động đặc biệt, cái đẹp trong lĩnh vực quân sự càng đem lại sự rung động mãnh liệt, bởi hoạt động quân sự là hoạt động vươn tới chân - thiện - mỹ, giá trị thẩm mỹ quân sự là đỉnh cao của cái đẹp, đó là cái hùng, cái cao cả... những giá trị ấy nếu khéo truyền đạt sẽ hình thành trong học viên nên những cảm xúc mạnh mẽ, thôi thúc học viên phấn đấu, rèn luyện. Tuy nhiên, phương pháp, hình thức giáo dục ở các nhà trường quân đội hiện nay chưa truyền tải hết những giá trị thẩm mỹ quân sự đến với học viên. Việc giáo dục, định hướng thẩm mỹ còn giản đơn, chưa có tính đột phá, sáng tạo; hình thức giáo dục chủ yếu lên lớp, học tập và thông qua hoạt động của các tổ chức, thông qua thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Những hình thức này nhiều khi còn mang nặng tính mệnh lệnh, hành chính. Trong đó, sức mạnh của giáo dục thẩm mỹ là nêu gương và giáo dục thông qua nghệ thuật, thông qua thực tiễn hoạt động quân sự chưa được khai thác tốt.

Bên cạnh đó, giáo dục thẩm mỹ thông qua môi trường văn hóa thẩm mỹ quân sự ở các nhà trường chưa được chú trọng đúng mức; chưa phát huy sức mạnh của các thiết chế văn hóa thẩm mỹ trong giáo dục thẩm mỹ cho học viên; các phương tiện truyền thông đại chúng trong tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ cho học viên như: truyền thanh nội bộ, truyền hình, sách báo, điện ảnh, băng hình, panôáp phích chưa phát huy hết sức mạnh trong định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên.

Mâu thuẫn giữa yêu cầu và hiện trạng nhận thức, hành vi thẩm mỹ của học viên

Định hướng thị hiếu thẩm mỹ trong lĩnh vực quân sự đòi hỏi cao tính tích cực, chủ động, tự giác của chính bản thân học viên trong quá trình giáo dục đào tạo. Thông qua quá trình học tập, rèn luyện, học viên phải chủ động chiếm lĩnh tri thức thẩm mỹ sâu rộng, rèn luyện cảm xúc thẩm mỹ bền vững và hành vi thẩm mỹ chuẩn mực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phận học viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò định hướng thị hiếu thẩm mỹ trong hình thành nhân cách người cán bộ, sĩ quan. Họ cho rằng nhận thức và thụ cảm cái đẹp trong đời sống quân sự là cảm nhận chủ quan của mỗi người, chỉ cần học tập, rèn luyện tốt và hoàn thành tốt nhiệm vụ học viên, cảm thụ cái hay, cái đẹp trong đời sống quân sự là sở thích của mỗi cá nhân. Từ nhận thức đó, một bộ phận học viên không tự giác, quyết tâm để định hướng cho mình tới giá trị thẩm mỹ tiến bộ, không rèn luyện cho bản thân những cảm xúc thẩm mỹ sâu sắc, tích cực với các giá trị thẩm mỹ quân sự. Trước những tác động tiêu cực từ đời sống thẩm mỹ của xã hội, một bộ phận học viên còn hướng tới tiếp nhận những tri thức và quan niệm lệch lạc về cái đẹp trái với truyền thống dân tộc, xa lạ với giá trị thẩm mỹ quân sự, thậm chí một số học viên còn tôn sùng, chạy theo thị hiếu thẩm mỹ thấp kém, lệch lạc như chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, lối sống hưởng thụ, coi trọng giá trị vật chất... Một số học viên còn biểu hiện nhận thức và xúc cảm thẩm mỹ lệch lạc đó trong thực hiện nhiệm vụ như sự đơn giản lễ tiết tác phong, chấp hành điều lệnh, điều lệ chưa nghiêm, giải quyết mối quan hệ chưa đúng mực... thậm chí có tình trạng vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật.

Vấn đề trên đặt ra yêu cầu cần phát huy tính tích cực, tự giác của bản thân mỗi học viên trong tiếp nhận tri thức, rèn luyện cảm xúc, hành vi thẩm mỹ là nhân tố quyết định để hình thành thị hiếu thẩm mỹ của mỗi học viên.

Nghiên cứu những mâu thuẫn trong định hướng thị hiếu thẩm mỹ của học viên ở các nhà trường quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, mỗi chủ thể có cái nhìn khách quan, sát thực hơn về vị trí, vai trò của mình trước thực trạng của quá trình này, từ đó có giải pháp thiết thực nâng cao định hướng, giúp học viên hình thành, phát triển thị hiếu thẩm mỹ quân sự trong sáng, lành mạnh, góp phần tạo dựng đời sống tinh thần phong phú, hoàn thiện nhân cách mỗi học viên.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017

Tác giả : PHẠM VĂN HẬU

;