Dù bước sang tuổi 80, nhưng lịch làm việc của nhà báo, NSNA Vũ Huyến vẫn luôn dày đặc. Sáng tác, phê bình nhiếp ảnh, đào tạo và hoạt động xã hội là những công việc mà ông vẫn đang miệt mài thực hiện. Điều đó cho thấy, năng lượng đối với công việc trong ông vẫn luôn tràn đầy.
Nhà báo, nhà lý luận phê bình, NSNA Vũ Huyến
Sôi nổi, tâm huyết, giản dị và chân thành - là những cảm nhận mà nghệ sĩ, nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến để lại trong tôi.
Ông tặng tôi cuốn sách ảnh Điều giản dị vừa xuất bản trong những tháng đầu năm 2024 do Nxb Thông tấn ấn hành. Cuốn sách dày dặn được ông thực hiện công phu đầy tâm huyết, chắt lọc trong từng hình ảnh, để mang đến cho người xem những câu chuyện thú vị. Ở đó, tập hợp nhiều nhân vật, gương mặt với những ngành nghề khác nhau, ở khắp mọi miền đất nước và tại các quốc gia khác nhau. Mỗi bức ảnh là một nhân vật, với một câu chuyện hết sức đời thường, dung dị, được ông đặc tả làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên mà không gò bó, khiên cưỡng… và đặc biệt là không bị lặp lại.
Chia sẻ về các tác phẩm, NSNA Vũ Huyến cho biết: Với tôi, để có được một bức ảnh đẹp, sống động và thật thì người nghệ sĩ phải “chộp” được những khoảnh khắc tự nhiên, để làm được điều đó tôi sẽ “chụp trộm” nhân vật. Vì thế, trong cuốn Điều giản dị, các nhân vật trong đó không hề được bố trí, sắp đặt mà có phong thái tự nhiên, gần gũi trong đời sống. Đó là hình ảnh đời thường của một chính khách luôn được nhân dân kính trọng vì sự liêm khiết, đức độ và giản dị với khoảnh khắc tay xách túi quà đi họp lớp vô cùng giản dị; hay các nghệ sĩ nhiếp ảnh với nhiều tư thế đang tác nghiệp tại Lễ hội Tràng An – Ninh Bình; và đó là một anh thợ ảnh cởi trần giữa tiết trời nắng nóng, đang say mê thực hiện dịch vụ ảnh cưới; hay những nụ cười tươi rạng rỡ của các cựu sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lúc họp lớp…
“Tất cả những hình ảnh đó chính là cuộc sống, bản thân là nghệ sĩ nhiếp ảnh nên tôi có nhiệm vụ ghi lại những hình ảnh đó” – NSNA Vũ Huyến chia sẻ.
Nói về quan điểm sáng tác nhiếp ảnh, NSNA Vũ Huyến thao thiết: “Tôi luôn tránh khuynh hướng tạo ra các bức ảnh xa rời với đời sống, mà đưa những vấn đề lý luận về nhiếp ảnh đến gần với thực tiễn. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của lý luận là phải thúc đẩy cho sáng tạo, vì thế việc tạo ra các tác phẩm gắn với đời sống sẽ giúp cho tác phẩm mang giá trị thật và gần gũi với đời sống hiện thực”.
Theo NSNA Vũ Huyến, so với các loại hình nghệ thuật khác, thì nhiếp ảnh là bộ môn duy nhất chịu ảnh hưởng và bị tác động trực tiếp từ khoa học kỹ thuật.
“Nếu như trước đây, với chiếc máy ảnh chụp bằng phim, hai màu đen trắng, đòi hỏi người cầm máy phải tìm tòi, học hỏi rất nhiều mới cho ra được bức ảnh đạt chất lượng. Nhưng hiện nay, với việc phát triển về khoa học công nghệ, những vấn đề về kỹ thuật đã được máy ảnh xử lý hiệu quả, vì thế người sáng tác cần phải tư duy trong việc tìm kiếm, phát hiện vấn đề, đề tài để chụp” – ông phân tích.
Các nhân vật trong "Điều giản dị"
Điều giản dị chỉ là một cuốn sách nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của NSNA Vũ Huyến. Ngọn lửa đam mê với những khuôn hình được ông hun đúc trong nhiều năm dường như chưa bao giờ tắt. Đến thời điểm hiện tại, ông vẫn đi về, rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước, từ nơi thành phố nhộn nhịp, đến những miền núi cao, hay hải đảo xa xôi… để thu vào ống kính những khoảnh khắc đời thường trong cuộc sống. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, của người lao động vượt qua mọi khó khăn trong sản xuất, những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ, đến nụ cười tỏa sáng, đôn hậu của những người phụ nữ...
Không chỉ dành thời gian cho sáng tác, ông còn dành thời gian đứng trên bục giảng để truyền dạy kiến thức nhiếp ảnh cho các em sinh viên và đồng nghiệp trẻ là những phóng viên, biên tập viên ở nhiều tòa soạn. Bên cạnh những kiến thức cơ bản, ông còn truyền tải đến các học viên rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động sáng tác. Thậm chí, trong những giờ đứng lớp, ông còn chia sẻ về những sai sót mà ông từng “vấp” trong quá trình tác nghiệp, để giúp cho các bạn trẻ không bị mắc phải. Đó cũng chính là những bài học bổ ích được các học viên thích thú và đã cuốn hút nhiều người đến học tập, lắng nghe.
Cùng với đó, NSNA Vũ Huyến vẫn “không ngơi tay” cho các bài viết phê bình về nhiếp ảnh và văn hóa nghệ thuật, bởi đó là những điều ông luôn đau đáu và mong muốn góp sức cho sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà. Ông cho biết: “Tôi rất tự hào về thời gian khổ của mình, chính những điều đó mới tạo ra tôi ngày hôm nay. Vì thế tôi rất yêu cuộc sống là luôn tin yêu cuộc đời, tôi luôn sẵn sàng dâng hiến… Đối với nghề viết, tôi luôn tự tạo áp lực cho bản thân, mỗi ngày phải viết về một vấn đề, một bài ký sự hoặc viết 3 đến 5 trang bản thảo. Điều đó, giúp tôi sắp xếp mọi vấn đề và sẽ được lưu vào “bộ nhớ”. Nên mỗi khi cần sử dụng là tôi viết rất nhanh, thậm chí chỉ trong vòng vài tiếng tôi đã hoàn thành bài viết”.
Mỗi bức ảnh là một nhân vật, với một câu chuyện hết sức đời thường, được NSNA Vũ Huyến đặc tả trong từng góc máy, làm nổi bật lên vẻ đẹp tự nhiên mà không gò bó, khiên cưỡng
Tôi hỏi ông, làm thế nào để có được nhiều năng lượng dành cho công việc đến như vậy, ông vui vẻ chia sẻ: “Tôi luôn dành thời gian cho việc luyện tập thể dục. Những năm gần đây, nếu không phải đi công tác, tôi sẽ đạp xe từ 4 giờ sáng. Vào quãng thời gian đó, đường vắng vẻ, không khí trong lành, cũng là lúc tôi tư duy, lên ý tưởng và sắp xếp các vấn đề về công việc, bài viết trong ngày. Làm việc từ sáng sớm đến 10 giờ đêm, tôi không để cho chân tay, đầu óc ngừng hoạt động và không có thời gian trống…”.
Dành nhiều thời gian cho công việc, bản thân NSNA Vũ Huyến cũng cảm thấy tự hào và may mắn khi có những người thân yêu luôn chia sẻ, động viên. Vì thế, khi có lịch trống, NSNA Vũ Huyến lại bù đắp bằng việc vào bếp chế biến các món ăn và đi đón cháu… Sau những khoảng thời gian hạn hẹp cho gia đình, nhà báo, NSNA Vũ Huyến lại tiếp tục những chuyến hành trình cho công việc. Trong thời gian này, ông đang trên đường đến với đảo Bạch Long Vĩ, một hòn đảo xa xôi của vịnh Bắc Bộ để chuẩn bị cho ra đời một bộ ảnh về cuộc sống bình dị và tươi đẹp ở nơi này.
Nhà báo, nhà lý luận phê bình, NSNA Vũ Huyến tên thật là Vũ Trung Huyến, sinh năm 1945, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1963-1967), và là học viên tại khoa báo chí, bộ môn ảnh Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lô-mô-nô-xốp (Liên Xô). Với năng khiếu bẩm sinh, ông đã đến và gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh và báo chí. Ông từng giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội NSNA Việt Nam khóa VI. |
NGỌC BÍCH