Điện Biên có 19 dân tộc sinh sống với những đặc trưng tín ngưỡng, tập quán đậm đà sắc thái bản địa đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa vùng Tây Bắc. Đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận luôn là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc. Công tác gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được ngành VHTTDL tỉnh Điện Biên nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả cao.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên, nghệ thuật múa của người Lào được thực hành, gìn giữ và phát huy tại 16 bản, thuộc 9 xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Nghệ thuật trình diễn múa dân gian của người Lào được hình thành, phát triển thông qua lao động, sản xuất, sự giao tiếp của cộng đồng và là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ. Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau, nhưng đều hướng tới khát vọng về một cuộc sống thanh bình, đầm ấm, hạnh phúc, yên vui. Nghệ thuật múa của người Lào được ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Trang phục của người Hà Nhì phục vụ cho nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, tôn lên vẻ đẹp của người mặc, tạo nên một nét văn hóa trong cuộc sống của mỗi người. Người Hà Nhì vẫn luôn giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống bằng cách truyền lại cho con cháu nghệ thuật làm trang phục. Việc ghi danh Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì, xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn, xã Sen Thượng, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tri thức dân gian và gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... đặc sắc của dân tộc Hà Nhì.
Lễ cúng dòng họ là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời, thể hiện quan niệm của người Mông về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần giáo và quan niệm về gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản cũng như cố kết cộng đồng của người Mông ở Điện Biên. Việc duy trì lễ cúng dòng họ trong cộng đồng sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ truyền thống của tộc người, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa.
Nghề rèn không những giúp đồng bào Mông ở Điện Biên tạo ra những nông cụ thiết thực, phục vụ đời sống mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo của họ. Hiện nay, còn rất ít hộ lưu giữ nghề rèn truyền thống nhưng nhu cầu sử dụng nông cụ rèn vẫn cao, do đó, nghề rèn của đồng bào Mông rất cần được bảo tồn.
Với giá trị đặc biệt đó, Nghệ thuật múa của người Lào, Nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì, Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng, Nghề rèn của người Mông đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 1-6-2023.
HỒNG VÂN