Có thể nói Di chúc là một phần di sản vô giá mà Hồ Chí Minh đã để lại cho quê hương, đất nước, là những tư tưởng, tình cảm lớn của lãnh tụ thiên tài, một người thày vĩ đại, một người cha vô cùng gần gũi của người dân Việt Nam. Bản Di chúc không dài nhưng đã chứa đựng tình cảm yêu thương con người, trước hết là đối với nhân dân lao động, trong đó có phụ nữ. Người đã chỉ ra rằng: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(1).
Tuy rất ngắn gọn nhưng những lời chỉ dẫn của Người đã để lại cho chúng ta tư tưởng cao cả chứa đựng một định hướng chiến lược lâu dài về công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự đánh giá đúng đắn về vai trò của phụ nữ Việt Nam và cũng là những lời căn dặn cuối cùng của vị Cha già dân tộc đối với Đảng và Nhà nước ta về công tác cán bộ nữ sau này.
Có thể khẳng định rằng Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đánh giá đúng vị trí, vai trò, khả năng và những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; trong mọi thời đại: “Phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất”(2). Do đó, Người coi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cất nhắc cán bộ nữ là một khâu quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ nói chung, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để triển khai công tác này trong từng giai đoạn cách mạng. Động viên phụ nữ phải tự vận động để đáp ứng yêu cầu chung của cách mạng, góp phần thực hiện quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ.
Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”(3). Theo Bác, Nhà nước cần tạo điều kiện cho phụ nữ vừa hoàn thành vai trò của người mẹ, người vợ vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ xã hội. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ cho phụ nữ học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt để tham gia vào hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sở dĩ lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc cất nhắc, giao cho phụ nữ phụ trách những công việc quan trọng, trong đó có công việc lãnh đạo, quản lý Nhà nước là bởi khi phụ nữ được tham gia vào bộ máy Nhà nước với vị trí, vai trò là người lãnh đạo, họ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình bàn bạc, ra quyết định, hoạch định chính sách và định hướng cho sự phát triển của đất nước hoặc của địa phương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để người phụ nữ được bảo đảm quyền làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và thể hiện quyền bình đẳng với nam giới ở mức độ cao nhất và đầy đủ nhất.
Về bản thân phụ nữ, Người căn dặn: “Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(4). Phụ nữ phải tự đấu tranh để giải phóng mình. Muốn tự giải phóng và khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với xã hội, phụ nữ phải đoàn kết, phải hiểu biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình, có khả năng và tinh thần làm chủ, có đức, có tài. Phụ nữ cũng cần phải nỗ lực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, phải nêu cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu, phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti, phải phát triển chí khí tự cường, tự lập.
Hồ Chí Minh dạy cán bộ, nhân dân kính trọng phụ nữ, bản thân Người là một mẫu mực tuyệt vời của sự yêu mến và kính trọng phụ nữ. Thái độ lịch sự, quý trọng và những lời dạy của Người có sức thuyết phục không chỉ đối với phần nửa nhân loại mà cho tất cả những ai quý trọng và đánh giá đúng sức mạnh của nhân dân.
Như vậy, theo Người, về công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ, ngoài việc cần phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố: đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với phong trào phụ nữ, thì bản thân người phụ nữ phải thực sự phấn đấu, không ngừng vươn lên nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Thực hiện đủ những yêu cầu này, chính là thực hiện tốt lời dạy của Người trước lúc đi xa, để phụ nữ thực sự trở thành những cán bộ có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức đảm nhận những trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Thực hiện lời căn dặn quý báu của Người về quyền bình đẳng của phụ nữ trong tác phẩm Di chúc. Đảng, Nhà nước ta đã và đang vận dụng, phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Người về bình đẳng giới trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta đã nhấn mạnh việc “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; tăng tỉ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”(5). Làm tốt những vấn đề trên, sẽ tạo điều kiện cho người phụ nữ phát triển một cách toàn diện, để họ cống hiến công sức của mình cho gia đình và cho xã hội ngày càng phát triển.
Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nữ, Đảng ta đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chuyên đề về công tác cán bộ nữ nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, là công cụ pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phấn đấu thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta.
Vận dụng lời dạy của Người về vấn đề phụ nữ trong Di chúc, hiện thực hóa đường lối chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên đã luôn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện, giúp đỡ để tập thể cán bộ nữ nhà trường phát huy vị trí, vai trò của mình.
Theo số liệu thống kê của phòng Tổ chức cán bộ trong năm 2015 - 2016, tổng số nữ cán bộ, viên chức (CBVC) trong nhà trường là 281 đồng chí, chiếm hơn 56,2% tổng số lao động của nhà trường. Hầu hết nữ CBVC đều có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; luôn thi đua giảng dạy tốt, nghiên cứu tốt, phục vụ tốt; nghiêm túc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các nội quy, quy chế của nhà trường và luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Được sự lãnh, chỉ đạo và định hướng chính trị của Đảng bộ, sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, sự chỉ đạo về nội dung hoạt động của BCHCĐ, tập thể nữ CBVC nhà trường đã được nghiên cứu, học tập nâng cao nhận thức, thực hiện tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các quy định của cơ quan, đơn vị, có ý thức xây dựng cơ quan văn hóa và môi trường sư phạm hết lòng vì học sinh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ giảng dạy, nữ giảng viên đã tích cực soạn bài, nghe giảng, luyện giảng, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. 100% nữ giảng viên đã vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực và sử dụng phương tiện dạy học hiện đại để nâng cao chất lượng bài giảng.
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, theo số liệu của Phòng Khoa học công nghệ, năm học 2015 - 2016 đã có khoảng trên 32 đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Bộ do nữ cán bộ trường đảm nhiệm. Cùng với đó là 32 bài báo đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành, tạp chí quốc gia và quốc tế.
Không những thế, Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nữ CBVC được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong những năm qua, nhiều nữ cán bộ viên chức đã hoàn thành lớp học thạc sỹ ở trong và ngoài nước. Hiện tại có 10 đồng chí đang nghiên cứu sinh. Ngoài ra, nhiều nữ cán bộ giảng viên tham dự các lớp học khác như tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ. Đặc biệt các nữ giảng viên trong trường đã tích cực học tập, tự bồi dưỡng để đạt yêu cầu về chuẩn tin học IC3 và ngoại ngữ B1 quốc tế.
Kết quả năm học 2015 - 2016 (Thống kê của phòng Tổ chức cán bộ) nữ CBVC đạt danh hiệu Lao động tiên tiến là 210 đồng chí chiếm 60,17 %, trong đó số đồng chí nữ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở là 26 đồng chí chiếm 37,68 % .
Việc đề bạt, sử dụng những cán bộ nữ có năng lực, phẩm chất tốt, có triển vọng vào giữ những chức vụ quan trọng cũng được nhà trường hết sức quan tâm. Hiện nay, nhà trường có 4 nữ cán bộ nằm trong Đảng bộ trường, 26 nữ cán bộ là những Trưởng, Phó các khoa, phòng. Đặc biệt, có một nữ cán bộ là Chủ tịch Hội đồng trường. Đây là điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ phát huy tài năng, trí tuệ, nâng cao địa vị của mình.
Được sự chỉ đạo và định hướng chính trị của Đảng bộ, sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, sự chỉ đạo về nội dung hoạt động của BCHCĐ, toàn thể nữ CBVC nhà trường đã và sẽ không ngừng cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh các phong trào thi đua, đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa CBVC nữ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Mỗi lần đọc lại Di chúc của Người, chúng ta như khám phá thêm những điều mới mẻ, như thấy Bác vẫn đang động viên, nhắc nhở phụ nữ Việt Nam nói chung, cán bộ nữ Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông nói riêng phải làm tốt hơn những nhiệm vụ đang đặt ra trước mắt. Đó là những việc đang đòi hỏi phải hoàn thành, phải phấn đấu vượt qua yếu kém để không ngừng hoàn thiện bản thân mình.
_____________
1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh, Di chúc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.
5. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.243.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : ĐẶNG THỊ KIM DUNG