Trong dân gian, mỗi thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng đều có chức năng nhất định, trở thành yếu tố không thể thiếu trong đời sống của con người. Nếu như đình thờ thành hoàng, chùa thờ phật, phủ thờ mẫu thì đối tượng thờ của đền không thực sự rõ ràng. Người ta cho rằng, đền xuất hiện sớm hơn các thiết chế thờ tự khác, thờ cúng thần thánh ở phạm vi rộng hơn, có thể là những tính linh, thiên thần, nhân thần… Chính những khó khăn trong việc xác định các thành tố cấu thành dẫn đến sự bỏ ngỏ trong nghiên cứu mô hình thiết chế này. Để đưa ra được những đặc trưng, tiêu chí so sánh cụ thể, bài viết dưới đây đưa ra một số khu biệt giữa đền và đình, chùa, phủ.
Từ trước đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào đưa ra được định nghĩa xác đáng về đền, thậm chí tồn tại nhiều nhầm lẫn giữa đền với đình, chùa, phủ… Để có thể đưa đền vào cái nhìn đối sánh với một số thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo khác, cần xác định các đặc trưng của đền. Trong đó, đối tượng được thờ ở đền rất đa dạng, có thể là thần thánh theo truyền thuyết (thiên thần, thổ thần, thủy thần, sơn thần…), một hòn đá, khúc gỗ, con vật nào đó (nhiên thần), những nhân vật lịch sử (nhân thần), hoặc một ban nào đó của phủ như mẫu Liễu, mẫu Thượng Ngàn, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy… Đền là sự cụ thể hóa của tín ngưỡng dân gian trong tâm thức người Việt, không phải một địa chỉ tôn giáo, nhưng ở đó lại phần nào chứa đựng sự hỗn dung giữa một số tôn giáo như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo.
Đền và phủ
Trước đây chưa có khái niệm phủ nên nhiều người nhầm lẫn với khái niệm điện và đền. Về sau, cả đền và điện đều không thể hiện được đặc trưng riêng biệt của đạo Mẫu nên người ta tìm đến khái niệm mới là phủ.
Trong các thiết chế, phủ ra đời muộn nhất, vào khoảng TK XVI gắn liền với sự phát triển của đạo Mẫu. Kiến trúc của phủ có thể đơn giản hoặc cầu kỳ, to hoặc nhỏ, nhưng phải hội tụ đủ các yếu tố: tam tòa thánh mẫu, tứ vị chầu bà, tam tòa quan lớn, tứ phủ công đồng… Ngoài ra, ban thờ trong phủ còn có các ngôi khác, căn cứ vào địa vị mà đặt xen kẽ, thờ cùng như ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, các cô, cậu… Lúc đầu, phủ được xem như một đơn vị hành chính, về sau, nội hàm của phủ còn bao hàm các ban thờ như tam phủ, tứ phủ.
Đền và phủ không có sự khác biệt về quy mô kiến trúc, có thể gồm một quần thể kiến trúc, cũng có thể chỉ là một đơn vị kiến trúc độc lập, có thể đơn giản hoặc cầu kỳ. Về đối tượng thờ, phủ gồm một số ban cố định, trở thành mẫu số chung cho tất cả các phủ, trong khi đó, đối tượng thờ ở đền rất đa dạng, không cố định về nhân vật cũng như số lượng người được thờ.
Nếu xét về tính mục đích, đền thuộc tín ngưỡng dân gian, còn phủ là thiết chế bán tôn giáo, pha tạp giữa tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo. Trong phủ, yếu tố Phật giáo không biểu hiện qua quy mô kiến trúc, nghi thức hành lễ… mà liên quan mật thiết đến thánh mẫu Liễu Hạnh với truyền thuyết quy y cửa phật của bà sau đại chiến Sùng Sơn. Cùng với đó, Đạo giáo được xem là tôn giáo ngoại lai ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến đạo Mẫu. Nó có phần gần gũi với đời sống tâm linh của người Việt, đặc biệt là những mối quan tâm về sự bí ẩn trong vũ trụ, cũng như ngay trong đời sống thường nhật. Trong phủ, Đạo giáo biểu hiện tương đối rõ nét thông qua phương thức giao cảm với các đấng siêu nhiên, sử dụng ma thuật để xuất hồn, nhập hồn, chữa bệnh, giải hạn… Con người có thêm niềm tin vào thần thánh, thể hiện mong ước thoát khỏi cuộc sống vất vả, cực nhọc, ốm đau, bệnh tật…
Đền và đình
Trước đây, đình chỉ là những ngôi nhà (trạm) được xây dựng dọc theo các cung đường, bến bãi, khu trung tâm đông dân cư, đầu mối giao thông quan trọng, làm nơi dừng chân cho người và ghe thuyền. Ví dụ, như trạm Hoài Viễn ở Gia Lâm, đặt vào tháng Chạp năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Đạo thứ 3 (1044) đời Lý Thái Tông, làm nơi nghỉ ngơi cho sứ bộ các nước. Bên cạnh đó còn nhiều trạm khác, vừa làm cột mốc ghi nhận ranh giới, đánh dấu khoảng cách giữa các cung đường, vừa làm nơi lưu trú. Những ngôi đình (trạm) kiểu này đã xuất hiện từ TK XI, nếu nhỏ thì do chính quyền địa phương lập ra, lớn là do triều đình xây dựng.
Bên cạnh trạm, đình còn một danh xưng khác là hành cung - đình của vua. Tạ Chí Đại Trường đã viết: “Nhưng có lẽ xây cất có bề thế, tổ chức trang trọng hơn cả là đình của vua, mà danh xưng thông thường đương thời chỉ được nhận thấy qua suy đoán gián tiếp trên dấu vết bia (bia Phụng Thánh phu nhân năm 1173) và lời sử thoáng qua (dấu vết muộn là năm 1522), còn trên sử sách thông thường vẫn được gọi bằng cái tên vương giả: hành cung”(1). Hành cung theo nguyên nghĩa là nơi vua nghỉ ngơi khi đi các nơi xa kinh đô (2). Tuy nhiên, trên thực tế không hoàn toàn như vậy, bên cạnh những hành cung xa kinh đô cũng có những hành cung ở ngay trong kinh thành Thăng Long. Vào TK XII, đã có ngôi đình xuất hiện đúng với danh xưng của nó, đó là đình Thôi Luân Vũ được dựng vào đời vua Lý Nhân Tông (1123) và Thưởng Hoa Đình ở kinh đô Thăng Long được dựng vào đời vua Lý Anh Tông (1154).
Vào thời Lý, Trần, đạo Phật ở nước ta rất phát triển nên việc thờ phụng thần thánh trong các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng không được chú trọng. Nhất là vào thời Trần, Thượng hoàng Trần Thừa xuống chiếu cho các đình trạm trong nước đều phải đắp tượng phật để thờ (3). Giai đoạn này, các nhiên thần, nhân thần, thổ thần… đều bị coi là tà thần, không được triều đình công nhận. Đến thời Minh thuộc, Lê sơ, Phật giáo không còn ở vị trí độc tôn, các tín ngưỡng dân gian như được sống lại, thể hiện sức sống mãnh liệt và bền bỉ. Cũng từ đó, thành hoàng làng và ngôi đình được công nhận vị thế trong đời sống xã hội: “Theo lệnh năm 1474, người ta xác nhận đình là của tư nhân giàu có lập ra để làm phúc. Tuy không nói rõ, ta biết chủ đích ban đầu còn được giữ: để giúp người trú, trọ trên cung đường… Nhưng đến TK XV, đình đã là nơi thờ thần, được người dân góp ruộng đất làm hậu, để nhận cúng giỗ sau khi chết đi. Cơ chế hậu thần khiến cho việc lập đình không phải là việc làm phúc nữa mà là một cách làm ăn có lời… Đình đã có cơ chế rõ ràng, có tính độc lập. Đình không thuần túy là đình trạm, đình có tượng phật nữa, mà tà thần hay thổ công của TK XI đến TK XV đã trở thành vị thần có uy thế…”(4).
Như vậy, đến thời nhà Lê, những yếu tố trong Nho, Phật, Lão và tín ngưỡng dân gian được dung hội một cách mềm dẻo, phục vụ cho mục đích cai trị và lợi ích của mình. Đình được coi là một đơn vị độc lập, công trình kiến trúc công cộng lớn nhất của làng, nơi dân chúng hội họp và thờ thành hoàng. Thời gian này, triều đình phong kiến chỉ thể hiện sự can thiệp của mình thông qua việc sắc phong thần thành hoàng.
Do những thay đổi về mục đích sử dụng, kinh tế xã hội mà đình có nhiều thay đổi về quy mô, kiến trúc so với trước. Từ thời Lê, đình đã mang dáng dấp tương tự như ngày nay, thường là kiến trúc trên một mặt bằng hình chữ nhật, kết cấu ba gian, hai chái, hai bên có sạp để dân đinh ngồi họp việc làng. Gian giữa có bệ cao, làm nơi thờ thành hoàng. Nếu kết cấu kiến trúc theo chữ đinh thì khu vực thờ thành hoàng sẽ lui lại phía sau.
Sang TK XVIII, do nhu cầu mở rộng nơi tế lễ, hội, đình làng được mở rộng thêm gian tiền tế, tả vu, hữu vu. Thời gian này, đình còn là nơi thể hiện ngôi thứ của dân làng, chỗ ngồi trong đình thể hiện tiếng nói, quyền lực của bộ máy hành chính địa phương. Nhìn chung, với tư cách là một kiến trúc độc lập, đình thường có quy mô lớn hơn đền.
Cả đền và đình đều có đối tượng thờ cúng tương tự nhau, tuy nhiên, trong đình vị thần bảo trợ cho làng được tôn làm thành hoàng làng, biểu tượng của đời sống tâm linh trong phạm vi làng xã. Còn đối tượng được thờ của đền có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn, không bó hẹp trong một làng, một xã, ví như đền Trần, Ngọc Sơn, đền Hùng, Cổ Loa, Côn Sơn - Kiếp Bạc… mang phạm vi quốc gia. Nếu như đền nghiêng về tâm linh, thì đình nghiêng về phần thế tục. Nói cách khác, đền biểu hiện tín ngưỡng dân gian thuần túy, còn đình bao gồm cả những hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tổ chức lễ hội hàng năm, một phần bị quyền thế lợi dụng, phục vụ lợi ích cá nhân.
Đền và chùa
Người ta vẫn thường nhắc đến sự khác nhau căn bản giữa chùa và đền ở đối tượng thờ, ở đó, chùa thờ phật còn đền thờ thánh. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn xuất hiện những ngôi chùa thờ thánh (đức thánh Trần, thánh Mẫu…), ngôi đền thờ phật (đền Cố Trạch trong khu di tích đền Trần có tới 9 pho tượng phật...). Sự dung hòa giữa các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian thể hiện sự tương đồng, đồng thời cũng thể hiện sự khác biệt rõ ràng nhất giữa đền và chùa.
Hiện nay, chưa có tài liệu nào xác định chắc chắn ngôi chùa đầu tiên ở nước ta được xây dựng từ khi nào. Dấu tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam là ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Hệ thống tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện xuất hiện từ cuối TK III, gắn với tục thờ thần tự nhiên của người Việt. Như vậy, từ khởi thủy, Phật giáo Việt Nam đã dung chứa những yếu tố của tín ngưỡng dân gian bản địa.
Với chủ trương tâm tĩnh lòng định, Phật giáo nhanh chóng được lòng người dân, lan rộng đến khắp các làng xã, hình thành đội ngũ phật tử đông đảo, trở thành một lực lượng xã hội. Sự phát triển của Phật giáo góp phần đào tạo ra một tầng lớp trí thức bản địa, gần gũi với nhân dân.
Ngoài chức năng chính là nơi thờ tự và truyền bá giáo lý đạo Phật, hầu hết các ngôi chùa ở Bắc Bộ có ban thờ thánh Mẫu, đức thánh Trần… với lối thờ tự tiền phật hậu mẫu. Như vậy, ngôi chùa với tư cách là thiết chế tôn giáo của đạo Phật, nên mọi đối tượng được phối thờ đều phải tuân theo hệ thống giáo pháp của nhà Phật. Còn trong đền, thánh, tiên, phật là hội đồng thần quyền mang tính bình đẳng.
Như vậy, so với đình, chùa, phủ, thì đền là một hình thức thờ cúng thần linh cổ xưa và phổ quát nhất. Đền mang tính bản địa một cách rõ ràng và sâu đậm. Bởi, chùa là một thiết chế thờ tự của Phật giáo, có nguồn gốc từ Ấn Độ, xuất hiện ở nước ta vào khoảng TK I sau CN. Đình tiền thân là một trạm dừng chân, chỉ thực sự mang nghĩa là đình như hiện nay từ TK XVI, khi bắt đầu sự thống trị của văn hóa Nho giáo. Còn phủ xuất hiện gắn liền với sự ra đời của đạo Mẫu (khoảng TK XVI). Ngoài ra, đình, chùa, phủ có đối tượng thờ được xác định rõ ràng, nên có sự ổn định, quy phạm hóa về kiến trúc, nghệ thuật trang trí, xếp đặt đồ thờ tự, các hình thức tế lễ hội hè đình đám… Đền chưa có những quy chuẩn chặt chẽ như vậy.
Nhìn vào quá trình hình thành và phát triển của ngôi đền trong lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy, nó không chỉ là nơi người dân có thể tham dự, giao tiếp với cõi thiêng, mà còn thể hiện vị thế trong đời sống cộng đồng, xã hội. Nếu ở thời sơ sử, quan niệm về cõi thiêng của người Việt cổ mới dừng lại ở nhiên thần, thì ở thời ngoại thuộc, ý thức quốc gia, dân tộc bùng phát xuất hiện nhân thần, họ là những nhân vật có thật trong lịch sử, có công trong các phong trào khởi nghĩa, đòi độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia… Như vậy, ngôi đền còn phản ánh sự phát triển của một quốc gia, một thể chế xã hội.
_______________
1, 4. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014.
2. Minh Tân, Thanh Nghi, Xuân Lãm, Từ điển tiếng Việt, Nxb Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội, 1998, tr.554.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.13.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ VÂN ANH