Tối ngày 29-8-2024, Nhà hát Kịch Việt Nam cho ra mắt một đêm diễn đặc biệt lần thứ 399 vở “Bệnh sĩ” tại Nhà hát Lớn Hà Nội để tưởng nhớ 36 năm ngày mất cố tác giả Lưu Quang Vũ.
Đêm diễn đặc biệt lần thứ 399 đã thu hút đông đảo khán giả Thủ đô
Cách đây 36 năm, tác giả Lưu Quang Vũ khép lại cuộc đời 40 năm đầy thăng trầm, biến động của mình khi vừa kịp hoàn thành vở kịch Bệnh sĩ. Ngay từ lần đầu được dàn dựng trên sân khấu, Bệnh sĩ đã trở thành một hiện tượng khi nó đã chạm được ngay vào sự bi hài của xã hội Việt Nam sau khi đất nước thống nhất. Với sức nóng vượt thời gian và không gian, từ quá khứ đến hiện tại, Bệnh sĩ cho đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự nóng hổi, vẹn nguyên những triết lý sâu sắc về đạo đức con người.
Đêm diễn thứ 399 là dịp tri ân những đóng góp của cố tác giả Lưu Quang Vũ đối với nền sân khấu nước nhà. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt Bệnh sĩ (2014-2024) - một siêu phẩm hài kịch của sân khấu miền Bắc và cũng là một trong những tác phẩm cuối đời của ông. Dàn dựng bởi đạo diễn NSND Tuấn Hải cùng với cố vấn nghệ thuật NSND Đình Quang, tác phẩm này đã góp phần khẳng định thương hiệu của Nhà hát kịch Việt Nam cũng như tài năng của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Vở diễn là một trong những tác phẩm thành công nhất, được biểu diễn phục vụ khán giả nhiều nhất cả trong nước và quốc tế. Vở hài kịch quy tụ hàng loạt các gương mặt vàng của Nhà hát Kịch Việt Nam: NSND Xuân Bắc, NSND Việt Thắng, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Dũng Nam, Hồ Liên, Quang Đạo, Thế Nguyên, Thu Thuận, Hồng Phúc, Thanh Hường...
Câu chuyện bắt đầu khi ông Chủ tịch Toàn Nha quyết định “thay tên đổi họ” xã Cà Hạ thành Hùng Tâm
Câu chuyện bắt đầu khi ông Chủ tịch Toàn Nha (NSND Việt Thắng đóng) quyết định “thay tên đổi họ” xã Cà Hạ thành Hùng Tâm dưới sự cố vấn của “quân sư” Văn Sửu (NSND Xuân Bắc thủ vai). Với quyết tâm “phấn đấu để mỗi sáng mai thức dậy, người dân đều mơ ước là người dân xã Hùng Tâm”, căn bệnh sĩ diện hão dần len lỏi vào từng xã viên khi ai cũng muốn trở nên thật “oách”, từ đó gây nên nhiều tình huống hài hước, dở khóc dở cười. Ông Chủ tịch Toàn Nha “phong chức” cho những người nông dân thật thà, chất phác với những cái danh nghe rất “oách”, nhưng thực chất đây chỉ là cái “danh hão” như: Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ, Chủ nhiệm Trung tâm Xây dựng, Chủ nhiệm Trung tâm triệt sản gia súc... Cà Hạ vốn là xã thuần nông với nghề trồng lúa, chăn nuôi, nay tất cả bỏ bê công việc để chạy theo “mác” mới là xã công nghiệp, lấy nghề làm pháo và buôn lông ngan, lông vịt làm mũi nhọn.
Sau 8 tháng ra quân, ông Toàn Nha quyết định làm lễ báo công và mời nhà văn quốc gia, phóng viên truyền hình phỏng vấn về sự phát triển của xã mình. Ông Toàn Nha cùng cố vấn Văn Sửu bày ra đủ trò gian dối như quyết định cho học sinh nghỉ học, mượn lớp học làm chuồng lợn. Căn “bệnh sĩ” của Chủ tịch Toàn Nha đã lây lan khắp làng xã, biến một anh lái tàu chở phân bón trên sông thành anh thuyền trưởng tàu viễn dương cực kỳ oai phong, ông làm nghề hoạn lợn thành kỹ sư… nhưng dù có được gọi bằng cái tên nào đi chăng nữa, thì những con người ấy cũng không thể thay đổi bản chất, họ sống trong ảo tưởng, tự lừa mọi người và lừa chính bản thân mình, và đây chính là bi kịch, là hệ lụy rất nguy hiểm đối với xã hội.
Bệnh sĩ lây lan khắp nơi, biến ông làm nghề hoạn lợn thành kỹ sư
Màn kịch được đẩy lên cao trào khi nhà văn Chu Văn và phóng viên truyền hình xuất hiện. Các xã viên ai cũng biết nhưng không nói ra những trò gian dối bởi họ đã trót gắn trên mình những cái danh hão. Mọi chuyện bị lật tẩy sau quá trình đấu tranh nội tâm của nhân vật Hưng. Anh thú nhận với tất cả anh là thuyền trưởng tàu kéo xà lan chở phân đạm cho nông dân chứ không phải thuyền trưởng tàu viễn dương nào cả. Vở kịch kết thúc sau tiếng nổ “đoàng” do ông Toàn Nha rước đuốc bén vào kho thuốc pháo.
Thông điệp của vở diễn nằm ở câu hỏi của nhân vật Hưng: “Tại sao không yêu quý những điều thật thà mà lại ưa những thứ giải dối”? Đây không chỉ là thông điệp của xã hội xưa mà vẫn còn nguyên giá trị cho cuộc sống ngày hôm nay. Vở hài kịch phê phán tính phô trương, háo danh, ham thành thích mà cố tác giả Lưu Quang Vũ gọi là: “bệnh sĩ”.
Màn kịch được đẩy lên cao trào khi nhà văn Chu Văn và phóng viên truyền hình xuất hiện
Vở kịch đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Những thông điệp tưởng như xưa cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống hôm nay. Khán giả Đỗ Phương chia sẻ sau vở diễn: “Vở hài kịch này mang lại cho tôi và người xem nhiều tiếng cười ý nghĩa. Mặc dù vở kịch này đã ra đời cách đây 36 năm nhưng tôi vẫn thấy thấm thía giá trị của vở kịch với cuộc sống ngày hôm nay. Theo tôi, đã là bệnh thì phải chữa và phương thức chữa ở trong bản thân mỗi người. Vở kịch nhắn nhủ với người xem bài học về cách sống thật thà, giản dị, khiêm tốn, không nên khoe khoang, háo danh để quên mất mình đang ở đâu, mình là ai và mình đang làm gì”.
Vở hài kịch Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã được tập thể diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam diễn xuất hết sức thành công và đem đến cho công chúng, khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu có được những tiếng cười trí tuệ, thấm thía, cười vì những điều kệch cỡm, lố bịch vẫn ngang nhiên tồn tại trong xã hội.
Vở hài kịch "Bệnh sĩ" đã được tập thể diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam diễn xuất hết sức thành công cả ở trong nước và nước ngoài
Kết thúc đêm diễn đặc biệt, NSND Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ với toàn thể khán giả: “Hôm nay là một đêm diễn đặc biệt, đêm diễn thứ 399 vở Bệnh sĩ. Sân khấu kịch toàn quốc, trong nhiều năm gần đây, ít có vở kịch nào có sức sống bền lâu như vở Bệnh sĩ. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là một trong những nhà hát dàn dựng nhiều nhất tác phẩm của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Tháng 8 là tháng chúng tôi biểu diễn các vở kịch để tưởng nhớ nhà viết kịch đại tài - Lưu Quang Vũ. Ông đã để lại hàng trăm tác phẩm sân khấu tuyệt vời. Và đây là một minh chứng rõ nét nhất, khi vở kịch ông viết cách đây 36 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị, còn nguyên sức sống mãnh liệt đến ngày hôm nay”.
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG