Đấu tranh làm thất bại chiến tranh tâm lý của kẻ địch là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, giữa hệ tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng tư sản, giữa tư tưởng tiến tiến và tư tưởng lạc hậu. Đó thực sự là cuộc đấu tranh vô cùng gay go, phức tạp, quyết liệt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm bảo vệ và phát triển học thuyết quân sự Mác - Lênin, đường lối, quan điểm của Đảng, trận địa chính trị - tư tưởng của quân đội; chống mọi biểu hiện của tư tưởng quân sự tư sản là một nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng trong quân đội. Do đó, trong quá trình lãnh đạo công tác tư tưởng, bên cạnh việc phải nắm vững tính giai cấp, tính đảng, tính khoa học, cần phải thường xuyên nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của kẻ địch, nêu cao tinh thần đấu tranh một cách liên tục, kiên quyết, triệt để, những tư tưởng đúng thì phải phát huy và đề cao. Những tư tưởng sai thì phải đấu tranh ngăn chặn, đề phòng; từ đó, củng cố tư tưởng nội bộ, làm thất bại âm mưu và hoạt động tiến hành chiến tranh tâm lý của đối phương.
Khác với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Do đó, việc làm rõ bản chất phản động, âm mưu nham hiểm, thủ đoạn xảo quyệt của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ là một quá trình giáo dục chính trị tư tưởng sâu sắc, gắn liền với thực tế diễn biến trong cuộc chiến tranh. Thực tế, trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ luôn coi “chiến tranh tâm lý là một biện pháp quan trọng có tính chất chiến lược trong toàn bộ âm mưu xâm lược của chúng” (1), nhằm mục đích đánh vào tư tưởng của bộ đội và nhân dân ta. Để thực hiện chiến tranh tâm lý, ngay từ năm 1955, đế quốc Mỹ đã đài thọ cho chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Nha Chiến tranh tâm lý, đến năm 1965, cơ quan này đổi tên thành Cục Tâm lý chiến; trong quân đội, chúng tổ chức một hệ thống cơ quan tâm lý chiến, gồm có “Tổng cục chiến tranh chính trị” và các sĩ quan tâm lý chiến từ cấp tiểu đoàn trở lên (2). Đế quốc Mỹ đã tạo dựng ở miền Nam bọn ngụy quyền, ngụy quân với những khẩu hiệu lừa bịp như: “cách mạng”, “độc lập”, “quốc gia”, “dân tộc”, “dân chủ”... hòng che đậy bản chất xâm lược của chúng. Mặt khác, lợi dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đế quốc Mỹ tập trung xuyên tạc đường lối của Đảng; tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, những quan điểm chính trị phản động. Đặc biệt, từ năm 1965, khi leo thang chiến tranh, đế quốc Mỹ đã ra sức tuyên truyền, khoe khoang “sức mạnh to lớn”, tạo ra tư tưởng sợ Mỹ, hòng hù dọa quân và dân ta. Chúng bịa đặt, thổi phồng những khó khăn và tổn thất của ta, đổi thất bại của chúng thành thắng lợi, gây tâm lý hoang mang, dao động, phá hoại tinh thần chiến đấu của quân đội. Trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt của cuộc chiến tranh, đế quốc Mỹ tăng cường tuyên truyền, gieo rắc tâm lý thèm khát cuộc sống xa hoa, tham sướng sợ khổ, lối sống đồi bại, đề cao lối sống tự do cá nhân kiểu Mỹ, đả kích cuộc sống có tổ chức tinh thần tập thể dưới chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc và trong các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng...
Thực tế cho thấy, đế quốc Mỹ đã “tiến hành cuộc chiến tranh tư tưởng một cách kiên trì và công phu” (3) với nhiều luận điệu giả dối để che giấu tội ác của chúng. Do đó, việc không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác chính trị với mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của địch cho bộ đội đã trở thành vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết đối với quá trình lãnh đạo công tác tư tưởng của Đảng bộ Quân đội.
Trên cơ sở nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của đế quốc Mỹ, ngày 25-12-1966, Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 30-VPQUTW về việc chống chiến tranh tâm lý của địch, bảo vệ nội bộ lực lượng cách mạng, chủ trương “mở một đợt giáo dục sâu rộng trong toàn quân thấy rõ chống chiến tranh tâm lý của địch là một bộ phận quan trọng trong chiến tranh nhân dân, phải tiến hành chặt chẽ và song song với nhau” (4). Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: “Biện pháp cơ bản có kết quả lâu dài và căn bản nhất là phải lấy công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong toàn quân làm gốc” (5). Theo đó, Quân ủy Trung ương chỉ đạo toàn quân nắm vững phương châm làm từ trong ra ngoài, làm từ trên xuống dưới, từ cán bộ xuống tới chiến sĩ; tổ chức học tập tài liệu mà Trung ương đã biên soạn; đài phát thanh, báo chí phải có nhiều bài phổ biến thường xuyên về những thủ đoạn của chiến tranh tâm lý của địch và lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ có biện pháp đối phó. Kinh nghiệm của Đảng bộ Quân đội trong lãnh đạo đấu tranh làm thất bại chiến tranh tâm lý của kẻ địch, củng cố trận địa tư tưởng trong toàn quân chỉ rõ:
Một là, tuyên truyền, giáo dục làm cho toàn quân nhận rõ tính chất chính nghĩa của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Thông qua chủ trương và những đợt sinh hoạt học tập, chỉnh huấn chính trị, Đảng bộ Quân đội luôn khẳng định mục tiêu chiến đấu của toàn quân là để giải phóng miền Nam, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện thống nhất đất nước; đồng thời, góp phần tích cực vào việc bảo vệ hòa bình Đông Nam Á và thế giới. Từ đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấu suốt đường lối, chủ trương của Đảng, nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ của quân đội, động viên bộ đội sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì nghĩa vụ quốc tế, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đồng thời, giúp cho bộ đội nhận rõ được chiêu bài “độc lập” giả hiệu của chế độ Sài Gòn, vạch trần những luận điệu chiến tranh tâm lý của Mỹ mưu toan che đậy tính chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới, bao che cho âm mưu thâm độc chia cắt lâu dài nước ta.
Hai là, chủ động tố cáo những tội ác tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đây là vấn đề được Trung ương Đảng cũng như Đảng bộ Quân đội coi là một hình thức đấu tranh có hiệu quả để vạch trần những âm mưu, thủ đoạn mị dân, lừa bịp của đế quốc Mỹ. Những hoạt động tuyên truyền, cổ động, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ đã giúp bộ đội hiểu rõ bản chất, âm mưu thâm độc của bọn cướp nước và bán nước, vạch rõ tội ác “trời không dung, đất không tha” của chúng như: các vụ thảm sát đẫm máu đồng bào ta ở Vĩnh Trinh, Hướng Điền, Ngân Sơn, Chợ Được, Phú Lợi, Sơn Mỹ...; các vụ rải chất độc hóa học; những cuộc càn quét, bình định khốc liệt; những trận máy bay B.52 ném bom dải thảm, tàn phá hủy diệt ở miền Nam cũng như miền Bắc.
Ba là, tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng về sức mạnh quân sự của Mỹ, củng cố niềm tin thắng lợi trong toàn quân. Thông qua việc chỉ đạo toàn quân tiến hành các đợt sinh hoạt chính trị, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 11 và 12 (khóa III), một loạt các bài viết với nhan đề: “Quân và dân ta nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Trung tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (từ số 1525 ra ngày 26-5-1965 đến số 1532 ra ngày 3-6-1965) trên Báo Quân đội nhân dân; “Bàn về cái gọi là Sức mạnh quân sự khó tưởng tượng nổi của đế quốc Mỹ” của Trần Quý Hai trên Tạp chí Quân đội nhân dân số tháng 6-1965... Đảng bộ Quân đội đã giải đáp sáng tỏ những vấn đề lớn đặt ra như: Mỹ tăng quân ồ ạt nhưng không làm đảo lộn được tương quan lực lượng giữa ta và địch; Mỹ phải chuyển từ chiến tranh đặc biệt” sang chiến tranh cục bộ là thể hiện sự thất bại và bị động lớn về chính sách và chiến lược của chúng; đế quốc Mỹ “giàu nhưng không mạnh”; vũ khí - kỹ thuật của Mỹ không phải là “ghê gớm, bất khả xâm phạm” như chúng thường huênh hoang... Mặt khác, chỉ đạo mọi cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối không nghe đài địch, không đọc tin tức của địch, không xem và lưu giữ những sách báo, tranh ảnh, tài liệu của địch, chống việc phao tin đồn nhảm, tùy tiện phổ biến tin địch. Từ đó, đập tan luận điệu tuyên truyền, lừa bịp xảo trá của địch, kịp thời phê phán, khắc phục những quan điểm sai trái, đánh giá quá cao sức mạnh của đế quốc Mỹ, củng cố niềm tin thắng lợi trong toàn quân.
Bốn là, kịp thời đấu tranh khắc phục những biểu hiện lệch lạc, sai trái, tư tưởng tiêu cực. Trước sự tác động mạnh mẽ của chiến tranh tâm lý mà đế quốc Mỹ tiến hành, Đảng bộ Quân đội đã hướng mũi nhọn của công tác tư tưởng vào từng mục tiêu trọng điểm, trong từng thời điểm như: xây dựng ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, chống ảo tưởng hòa bình chủ nghĩa; xây dựng bản lĩnh độc lập, tự chủ, đánh giá đúng đế quốc Mỹ, đánh giá đúng việc so sánh lực lượng giữa ta và địch, chống những quan điểm vũ khí luận, hoặc mơ hồ về bản chất chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ; phê phán quan điểm coi nhẹ lực lượng chính trị trong đấu tranh cũng như vai trò của chính trị trong việc xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy hiện đại; chống lối sống sa đọa, tự do vô kỷ luật... nhờ đó, kịp thời khắc phục những biểu hiện chao đảo, hữa khuynh, bảo đảm cho toàn quân vượt qua được những khó khăn, thử thách.
Thực tế cho thấy, trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ Quân đội, toàn quân, toàn nhân dân ta đã củng cố và giữ vững niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, ý chí quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà; củng cố, bồi dưỡng, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, để Quân đội nhân dân Việt Nam luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, trở thành pháo đài vững chắc về tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân... Từ đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh thắng các chiến lược chiến tranh của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc, xảo quyệt chống phá ta về tư tưởng, văn hóa; trong đó, Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những trọng điểm chống phá chủ yếu của kẻ thù. Chúng ra sức thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, triệt tiêu sức mạnh chính trị tinh thần của quân đội, làm cho quân đội mất sức mạnh chiến đấu. Vì vậy, kinh nghiệm về sự chủ động đấu tranh làm thất bại chiến tranh tâm lý của kẻ địch nhằm củng cố trận địa tư tưởng trong toàn quân vẫn giữ nguyên giá trị.
Cần xây dựng cho quân nhân bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mọi lúc, mọi nơi trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 823-CT/QUTW ngày 10-9-2017 của Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong quân đội. Kịp thời phản bác các quan điểm, thông tin, luận điệu sai trái, ngăn chặn có hiệu quả những tác động tiêu cực của đời sống xã hội, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đảm bảo cho quân đội luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
_____________
1, 4, 5. Quân ủy Trung ương, Chỉ thị số 30-VPQUTW, ngày 25-12-1966, Về việc chống chiến tranh tâm lý của địch, bảo vệ nội bộ lực lượng cách mạng, Hss 466, Phòng Quân ủy Trung ương, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, tr.1-3.
2. Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.126.
3. Phong Hiền, Chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ ở miền Nam Việt Nam (khía cạnh tư tưởng và văn hóa 1954-1975), Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, tr.12.
Tác giả: Vũ Thành Trung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019