DẤU ẤN VĂN HÓA PHÁP TRONG KIẾN TRÚC TÔN GIÁO Ở CÙ LAO GIÊNG

Cù lao Giêng nằm giữa sông Tiền, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, dài khoảng 12 km, rộng 7 km, có nhiều tên gọi khác nhau như cù lao Đầu Nước, Dinh Châu (1) hay Diên, Riêng, Den, Ven... Người Khơme gọi Koh Teng. Do vậy, chữ Giêng trong cù lao Giêng được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, cách giải thích được nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có nhà văn Sơn Nam (2), chữ Giêng do nói trại từ chữ doanh (hay dinh với nghĩa là nơi đóng quân) mà ra. Đến thăm Cù lao Giêng, du khách sẽ ấn tượng trước hình ảnh một cù lao khuất nẻo, diện tích hơn 80 km2, hiền hòa nằm giữa dòng sông Tiền mênh mông, với những vườn cây trái xanh tươi và thấp thoáng những kiến trúc cổ đặc sắc.

Nhà thờ Cù lao Giêng

Giáo xứ Cù lao Giêng còn có tên gọi khác là họ Đầu Nước hay họ đạo Cù lao Giêng. Họ Đầu Nước được thành lập năm 1778. Đầu TK XVIII, khi nhà Nguyễn ra lệnh cấm Thiên Chúa giáo gắt gao, một số người theo đạo này, trong đó có cả cha cố người Pháp, đã đến tận nơi đây để trốn tránh các cuộc ruồng bố của triều đình. Họ lập ra các cơ sở tôn giáo và chủ trương xây dựng nhà thờ ở cù lao này. Sau khi cha sở Maille mất, cha Augustinus Baptista Gazignol (thường gọi là cha Nho, 1843-1917), thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), về quản lý họ này. Dần dần, các họ xung quanh được thành lập thêm và trở thành họ lẻ của giáo xứ. Kể từ năm 1927 trở đi, họ Đầu Nước chính thức có cha sở người Việt Nam và người đầu tiên là cha Vân. Nhà thờ còn là cầu nối giữa các cha truyền đạo ở Cao Miên (Campuchia) và Việt Nam, cũng là trạm trung chuyển các vật dụng cần thiết cho việc sinh hoạt và truyền đạo bằng ghe đò lên Cao Miên.

Nhà thờ mặt hướng về sông Tiền, lưng quay về phía cù lao, nằm trên vùng đất cao mà ngay mùa lũ lớn vẫn không bị ngập. Được thiết kế theo phong cách chủ đạo là kiến trúc Roman, một phong cách kiến trúc được áp dụng phổ biến cho việc xây dựng các nhà thờ, tu viện ở phương Tây lúc bấy giờ, nhà thờ Cù lao Giêng có vẻ đẹp uy nghi, trang trọng.

Theo tài liệu của các linh mục, nhà thờ Cù lao Giêng được xây dựng năm 1875, dưới triều vua Tự Đức, do cha Baptista Gazignol khởi công (trước nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn 3 tháng) và 12 năm sau, đến triều vua Đồng Khánh, mới hoàn thành. Trong 12 năm đó, có 2 năm dành riêng cho việc tô tường trang trí và thiết kế hoa văn. Theo Lược sử họ đạo Cù Lao Giêng 1875 - 2010, công trình này do Cha Guesdon trông nom xây dựng. Chuông được đúc ở Pháp, do gia đình Phaolô Lê Văn Sang tặng. Năm 1924, cha sở M.Hion cho nối phía sau nhà thờ làm phòng thánh. Cha sở Inhaxiô Mai Tấn Kiệt cho biết, tính đến nay, họ đạo đã trải qua 18 đời cha sở, có hơn 4.200 giáo dân.

Nhà thờ Cù lao Giêng có chiều dài 55m và chiều rộng 18m. Với một số vật liệu được mang từ Pháp qua (như gạch lót nền, sắt, thép, chất kết dính) cùng kỹ thuật xây dựng mới, đến nay, nhà thờ đã gần 140 tuổi và trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn. Thậm chí, những viên gạch lót nền vẫn giữ được màu sắc, hoa văn thật đẹp. Nhà thờ là một công trình kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc mang đậm phong cách châu Âu. Điểm đặc biệt là kiến trúc nhà thờ tuy mang phong cách Roman nhưng có sự kết hợp với phong cách kiến trúc Việt Nam và đặc trưng của vùng Nam Bộ. Do được xây dựng ở vùng sông nước có khí hậu nóng ẩm nên nhà thờ được thiết kế có nhiều cửa để lấy sáng và gió tự nhiên. Tường được xây dày dặn bằng gạch địa phương, trát xi măng và quét vôi để bảo vệ, gạch lót được chuyển từ Pháp sang.

Nét nổi bật trong kiến trúc của nhà thờ Cù lao Giêng là tháp chuông cao chót vót (35m) ở vị trí trung tâm mặt đứng, bên trên có cây thánh giá như một điểm nhấn của công trình. Tháp chuông được đỡ bằng hệ thống cột tròn và mặt tiền bố trí các chi tiết theo phương vị đứng, tạo cảm giác uy nghi, bề thế. Đầu các cột tròn được trang trí hoa văn, làm tăng thêm vẻ đẹp sang trọng. Đầu tường cũng được trang trí hoa văn, phù điêu đắp nổi nhưng vẫn tương đồng với bố cục chung. Từ tầng trệt lên đến tầng bốn, các cửa phía ngoài đều có hình vòm bán cầu. Bên trái nhà thờ là tượng thánh Giuse, bên phải là đài kỷ niệm đức mẹ Fatima, cách bố trí này giống như cách bố trí tả thanh long, hữu bạch hổ trong các kiến trúc đình, chùa Việt Nam.

Bên trong nhà thờ được thiết kế đối xứng, hài hòa với các chi tiết tinh tế. Nhà thờ có ba gian, với gian chính ở giữa rộng hơn (thời kỳ này, do hạn chế về mặt vật liệu và kết cấu nên không thể xây dựng một gian lớn như ở nhà thờ chính tòa Long Xuyên). Cuối nhà thờ có thang cuốn bằng gỗ mang phong cách châu Âu.

Các trụ cột tròn, đầu hình cái đấu ngược được thiết kế liên hoàn, đối xứng vững chắc và được trang trí bởi hoa văn độc đáo hình hoa lá, đặc biệt là các đầu cột. Bên trên các đầu cột là vòm bán nguyệt có tác dụng vừa chịu lực, vừa trang trí. Cách bố trí kiểu mái vòm trên trần và các ô cửa nhằm chống dội âm, làm cho âm thanh bên trong nhà thờ ấm hơn, không bị tiếng vang. Ngoài ra, các cột được kết hợp với ô cửa, vòm gió, khối nhọn nhỏ hình đa giác, tạo nên không gian mát mẻ, nét sang trọng đặc trưng. Các hoa văn, đường chỉ, được giới chuyên môn đánh giá là chuẩn và đẹp, đạt giá trị thẩm mỹ cao.

Hai bên nhà thờ mở nhiều cửa sổ có đầu khung hình vòm bán cầu. Các cửa bên được thiết kế ở khoảng trống giữa hai cột. Điều này đạt được mục đích rỗng tường như là một đặc điểm của kiến trúc Pháp nói chung đồng thời tạo nên hiệu ứng ánh sáng và thông thoáng tự nhiên hiệu quả cho không gian bên trong. Phía trên thánh đường còn có các ô cửa giả, hình chữ U ngược, tạo ra không gian hoành tráng, lộng lẫy nhưng trang nghiêm. Yếu tố này cho thấy kiến trúc sư đã sử dụng phong cách Roman một cách nhất quán. Kiến trúc độc đáo cùng hoa văn, phù điêu trang trí đã tạo nên vẻ đẹp sang trọng, uy nghiêm cho nhà thờ, đem lại cho du khách cảm giác như đang đứng giữa lòng châu Âu.

Bên cạnh nhà thờ Cù lao Giêng, giáo xứ Cù lao Giêng hiện còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của thời kỳ Pháp thuộc, tạo nên một quần thể đẹp. Trong số đó nổi bật là ba công trình Tu viện dòng Chúa Quan phòng, nhà thờ cổ dòng tu Francisco, tiểu chủng viện Cù lao Giêng.

Tu viện dòng Chúa Quan phòng

Tu viện có diện tích rộng, thuộc dòng nữ tu Providence, do các nữ tu người Pháp lập ra vào năm 1874, một năm trước khi xây dựng nhà thờ Cù lao Giêng. Thời Pháp thuộc, tu viện này còn là nơi thu nhận trẻ em mồ côi và những người già bệnh tật, neo đơn. Chính vì vậy, các nữ tu dòng Chúa Quan phòng đã được nhiều giáo dân ở miền Tây Nam Bộ và cả Campuchia biết đến. Hiện nay, cơ sở chính của dòng nữ tu trên được đặt tại Cần Thơ, còn cơ sở ở Cù lao Giêng là nơi an dưỡng của các nữ tu già yếu. Tu viện dòng Chúa Quan phòng cũng được thiết kế theo phong cách Roman. Mặt bằng của tu viện được thiết kế theo hình chữ U với dãy chính đối diện mặt đường, hai dãy hai bên vuông góc với mặt đường. Mỗi dãy có tầng trệt và hai lầu.

Mái của các dãy tu viện được lợp bằng ngói trên các cây kèo gỗ. Đặc biệt, tường của tu viện được xây dày dặn bằng đá, giữ cho không gian bên trong luôn mát mẻ. Các ô cửa dày được thiết kế theo hình vòm tròn Roman và một số cột được ốp trang trí bằng gạch lộ thiên, tạo dáng kiến trúc chắc, khỏe, đẹp.

Nhà thờ cổ dòng tu Francisco

Tu viện Francisco Cù lao Giêng (3) từng là chủng viện của địa phận Đàng Trong. Sau chiến tranh năm 1945, cơ sở bị đốt cháy, chỉ còn sót lại nhà thờ, nhà bếp và nhà các chú. Khu nhà bị bỏ hoang trong nhiều năm. Ngày 24 - 9 - 1957, cha Bonaventura Trần Văn Mân và năm anh em dòng Francisco đến tiếp nhận cơ sở để lập tu viện, sửa sang lại và tổ chức hoạt động. Họ đi giảng, làm tuyên úy cho tu viện dòng Chúa Quan phòng, dâng lễ cho các họ đạo chung quanh bị thiếu vắng linh mục. Nhiều giáo sĩ miền Nam trước đây được đào tạo tại nơi này nhưĐức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình, Cha Diệp ở Tắc Sậy, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn...

Năm 1976, tu viện được xây dựng lại. Đây là một công trình rất lớn, có diện tích 71.000m², gồm ba dãy nhà lầu tạo thành hình chữ U. Chính giữa là một nhà thờ, phía sau đó từ bên tay phải nhìn vào là dãy nhà một tầng lầu, bên trái là nhà sinh hoạt. Trước mặt tiền là hai sân chơi cho giáo dân và người dân địa phương, hai bên có hai mương nước chảy dài đến phía sau ruộng.

Tu viện được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique. Cổng tu viện được xây bằng gạch lộ thiên. Nhà thờ không có cửa sổ nhưng có nhiều cửa bên, tất cả hình vòm nhọn thể hiện một trong những điểm khác biệt của kiến trúc Gothique. Đặc biệt, để lấy gió và ánh sáng, kiến trúc sư đã thiết kế toàn bộ các cửa bên bằng gỗ rộng, có kích cỡ bằng nhau, chân cửa bên chỉ cách mặt nền khoảng hơn 20cm và chiều cao chiếm gần hết mặt tường. Vì cao nên cửa bên được chia hai phần, ngăn cách bởi thanh gỗ ngang chính giữa. Điều này làm cho không gian bên trong tu viện tràn ngập ánh sáng và thoáng mát khi mở các cửa bên.

Trần của tu viện được thiết kế vòm nhọn, là một khối thống nhất với hệ thống không gian rộng, dùng khung chịu lực, tách biệt rõ rệt giữa những phần chính tính từ đổ mái xuống, tạo thành vòm mái hình múi có sóng cuộn. Hai hàng cột được bố trí song song tạo sự phân chia ba phần, phần rộng ở chính giữa, hai phần biên nhỏ hơn. Giữa các cột nhìn về phía tường là các ô cửa. Các cột và vòm nhọn liên kết thành hệ thống, chia sẻ tải trọng trần. Các đường nét, họa tiết bên trong nhà thờ đơn giản, nhẹ nhàng nhưng sang trọng, sắc sảo.

Nét độc đáo của nhà thờ này là không sử dụng sắt thép, xi măng để làm trần mà làm bằng vật liệu địa phương với vôi và tre. Mái kèo bằng gỗ căm xe. Gạch xây tường của địa phương thời đó, còn gạch lót nền được mang từ Pháp sang. Tường được xây dày và trát xi măng, không chỉ để chống đỡ các cuốn mà còn làm mát không gian bên trong vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, mặc dù nhà thờ không có máy điều hòa nhiệt độ.

Ở phần cuối là tượng thánh Francisco, phía dưới tượng là một bàn thờ. Phía trước bàn thờ và tượng là các dãy bàn ghế dành cho khoảng 300 tín đồ làm lễ. Ngoài ra, trên gác lửng ở liền sau mặt đứng nhà thờ là nơi dành cho giáo dân hát thánh ca… Nhà thờ chính nối với các công trình khác bằng hệ thống hành lang có mái che lợp ngói, cột xây bằng gạch (không trát xi măng) mang đậm phong cách Việt Nam.

Phía sau nhà thờ là khu nhà tĩnh tâm, được xây dựng tách biệt với đầy đủ công năng gồm nhà vệ sinh, nhà bếp… Tu viện Francisco có vẻ trầm mặc, cổ kính. Hiện nay, nơi đây rất yên tĩnh và bất kỳ ai cũng có thể đến để thưởng ngoạn cảnh quan trong một không gian yên tĩnh và không khí trong lành.

Tiểu Chủng viện Cù lao Giêng

Trước năm 1946, tại Cù lao Giêng không chỉ có Tiểu Chủng viện mà còn có Đại Chủng viện cùng tọa lạc trên một khuôn viên, dưới quyền cai quản của Giáo phận Tây Đàng Trong. Tuy nhiên, năm 1946, do chiến tranh, cơ sở tôn giáo này đã gần như bị cháy rụi, chỉ còn lại ngôi nhà nguyện và nhà hưu dưỡng của các linh mục. Do vậy, trong năm đó, Tiểu Chủng viện Cù lao Giêng được chuyển sang Phnom Penh (Campuchia), còn các Đại Chủng thì được gởi đến Đại Chủng viện Sài Gòn.

Như vậy, kiến trúc Pháp trong đời sống dân sinh nói chung, trong tôn giáo nói riêng, đã thực sự ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng xã hội An Giang. Nhà thờ Cù lao Giêng, tiểu Chủng viện, tu viện Francisco, tu viện dòng Chúa Quan phòng... tất cả tạo nên một quần thể kiến trúc Thiên Chúa giáo không những bề thế về vị trí, diện tích mà còn độc đáo về nghệ thuật kiến trúc.

_____________

1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, thời Gia Long (1802 - 1820).

2. Theo Lịch sử An Giang, Nxb Tổng hợp An Giang, 1988.

3. Tu viện Francisco Cù lao Giêng (còn gọi là nhà thờ Thánh Tông) được thành lập ngày 29 - 2 - 1957, trên cơ sở Chủng viện giáo phận Nam Vang (1872 - 1946) qua văn kiện được ký kết giữa Đức cố Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và Cha Pacifique Nguyễn Bình An, bề trên chi tỉnh dòng Francisco.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : VÕ VĂN THẮNG - NGUYỄN THỊ NGỌC THƠ

;