Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế từ góc nhìn sinh viên Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Với mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng, thực học và thực hành đẳng cấp quốc tế, đồng thời là nơi cung cấp nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế cho đất nước và khu vực, trong những năm qua, ngành Quản trị khách sạn tại Viện Đào tạo Quốc tế (NIIE) của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành không chỉ chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề tốt, mà còn xác định hướng đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế tại Viện NIIE của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, bài viết đề cập đến những khó khăn - trở ngại và những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế tại Viện NIIE của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của bài viết cũng góp phần giúp Viện NIIE xem xét cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Du lịch trình độ quốc tế và gắn kết hơn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp du lịch trong nước, khu vực và quốc tế.

Chương trình đào tạo ngành Quản trị khách sạn tại Viện NIIE của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được tổ chức giảng dạy theo phương châm học đi đôi với hành, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn đào tạo với cung ứng nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi ra trường cũng như giúp người học đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh ngày càng khắt khe của thị trường lao động du lịch trình độ quốc tế. Theo thống kê, bình quân mỗi năm 95% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay từ 6 tháng đến 1 năm, hầu hết sinh viên được đánh giá cao về khả năng sáng tạo và tác phong công nghiệp du lịch.

1. Đặt vấn đề

Có thể nói, cho đến nay chưa có khái niệm thống nhất về nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Từ điển kinh tế thị trường: Nhân lực chất lượng cao là những người trong điều kiện xã hội nhất định, có tri thức chuyên môn nhất định, có năng lực và kỹ năng cao, với tính lao động sáng tạo của bản thân trong điều kiện thực tiễn hoạt động xã hội, có khả năng góp phần cống hiến nào đó đối với sự phát triển của xã hội, của nhân loại. Theo cách hiểu khái quát, nhiều người cho rằng, nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có bằng cấp và trình độ chuyên môn đào tạo. Theo cách hiểu hẹp, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học; đội ngũ lãnh đạo, quản lý và hoạch định chính sách, đội ngũ nhân lực về khoa học - công nghệ; đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường cao đẳng và đại học; nghệ nhân, người giỏi tay nghề có khả năng làm được những công việc mà ít người làm được trong ngành dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng… Như vậy có thể hiểu, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là một bộ phận đặc biệt của nguồn nhân lực du lịch, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kỹ năng lao động giỏi, có đạo đức, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành Du lịch và sự phát triển chung của xã hội.

Viện NIIE là đơn vị tiên phong của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong công tác quốc tế hóa giáo dục đại học. Được thành lập vào năm 2008, Viện NIIE có bề dày kinh nghiệm trong hợp tác với các trường đại học uy tín tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến mang đến cho sinh viên chất lượng giáo dục hàng đầu với mức học phí ưu đãi. Viện NIIE còn là đơn vị giáo dục đầu tiên tại Việt Nam được công nhận kiểm định của tổ chức ASIC (Anh quốc). Tại Viện NIIE, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao được thực hiện thông qua các chương trình đào tạo cử nhân chuẩn quốc tế, được Viện xây dựng dựa trên chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Chương trình được giảng dạy song ngữ, giáo trình nước ngoài và cấp bằng cử nhân Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ưu điểm của chương trình là: học phí ưu đãi với nhiều học bổng hấp dẫn; mô hình lớp học nhỏ, phương pháp học tập tích cực; 6 cấp độ tiếng Anh tăng cường, hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là liên thông với các trường đại học uy tín trên thế giới như: Chương trình 1+3, 2+2 tại Angelo State University (Mỹ), Chương trình 3+1 tại Centria University (Phần Lan)… Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Viện NIIE. Chính vì vậy, nghiên cứu này tập trung vào việc xem xét tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế từ góc độ khách hàng (sinh viên) tại Viện NIIE. Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như yêu cầu năng lực cần đạt được của nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế tại Viện NIIE.

Nội dung bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp thăm dò (exploratory mixed methods design) được tiến hành thông qua 2 giai đoạn:

Nghiên cứu sơ bộ (định tính): Được thực hiện thông qua kỹ thuật phỏng vấn sâu. Mục đích của phỏng vấn sâu với chuyên gia, người làm công tác giảng dạy và đào tạo nhằm tìm ra những khó khăn - trở ngại trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế, cũng như tìm hiểu thực trạng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, từ đó xây dựng các tiêu chí giúp đánh giá những khó khăn - trở ngại trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế tại Viện NIIE. Từ kết quả phỏng vấn sâu sẽ có 5 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến khó khăn - trở ngại trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế tại Viện NIIE bao gồm: nhóm cơ sở vật chất; nhóm chương trình đào tạo; nhóm kỹ năng mềm; nhóm đội ngũ giảng viên; nhóm liên kết, hợp tác quốc tế.

Nghiên cứu chính thức (định lượng): Được thực hiện thông qua việc gửi bảng câu hỏi khảo sát cho sinh viên Viện NIIE. Mục đích của nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định các tiêu chí và các giả thuyết nghiên cứu. Dữ liệu thu thập từ bảng hỏi được nhập liệu để có thể phân tích lần lượt từng bước thông qua phần mềm SPSS nhằm kiểm tra độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s alpha qua kiểm tra tập giá trị theo thang đo Likert.

2. Kết quả khảo sát

Về giới tính: Có 38 sinh viên nam chiếm 43,2% tỷ lệ sinh viên trả lời phỏng vấn, 50 sinh viên nữ chiếm 56,8% sinh viên trả lời phỏng vấn.

Đối tượng phỏng vấn: Có 21 sinh viên trả lời phỏng vấn là sinh viên năm thứ hai chiếm 23,9%, 67 sinh viên năm thứ ba, chiếm 76,1% sinh viên trả lời phỏng vấn.

Sinh viên biết đến trường đào tạo ngành Du lịch trình độ quốc tế: Có 56 sinh viên trả lời phỏng vấn biết các trường có đào tạo ngành Du lịch trình độ quốc tế chiếm 63,6%; 18 sinh viên trả lời các trường không đào tạo ngành Du lịch trình độ quốc tế, chiếm 20,5%; 14 sinh viên trả lời không biết, chiếm 15,9%.

Những khó khăn - trở ngại trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch của Viện NIIE: Đa số sinh viên cho rằng những khó khăn là kỹ năng nghề chưa cao chiếm 72,7%, chưa đủ năng lực về ngoại ngữ chiếm 88,6%, thiếu trải nghiệm thực tế 77,3%...

Biểu đồ: Khó khăn - trở ngại về đào tạo nhân lực du lịch của Viện NIIE

Đánh giá vai trò đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Đa số sinh viên cho rằng đào tạo nguồn nhân lực du lịch để: phục vụ thiết thực nhu cầu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của xã hội chiếm 68,2%; phục vụ thiết thực cho công tác học tập, nghiên cứu của sinh viên du lịch chiếm 62,5%; phục vụ yêu cầu và xu hướng phát triển tất yếu của sinh viên ngành Du lịch chiếm 52,3%; nâng cao vị thế của trường 46,6%...

Biểu đồ: Vai trò đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế

Yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Đa số sinh viên cho rằng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần: giảng dạy bằng tiếng Anh (61,4%); có giảng viên quốc tế (69,3%); có cơ sở vật chất hiện đại (80,7%)…

Biểu đồ: Yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế

3. Các tiêu chí đánh giá và thảo luận giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế từ góc nhìn sinh viên Viện NIIE

Ngày nay, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế nói riêng phải thay đổi nhằm phù hợp với những xu hướng thay đổi chung của toàn cầu như viễn thông hóa, công nghệ số, chuyển đổi số, dịch bệnh, nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhu cầu du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội…

Nội dung 23 tiêu chí đánh giá về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế của Viện NIIE được xây dựng có chỉ số Cronbach’s Alpha đạt 0,942 là rất cao (quy định từ 0,700 đến 1.000); chứng tỏ tập hợp biến này có liên kết tốt nhằm phản ánh về những yếu tố để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế tại Viện NIIE. Điểm đánh giá từng tiêu chí cũng đạt kết quả cao và đồng đều. Tiêu chí được đánh giá cao nhất là đánh giá về kỹ năng quản lý hiệu quả công việc có điểm trung bình là 4,47; còn tiêu chí đánh giá thấp nhất là đánh giá giỏi lý thuyết có điểm trung bình là 3,76.

Tuy nhiên, độ lệnh chuẩn của các tiêu chí cao: thấp nhất là 2 tiêu chí, đánh giá về kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa cùng có độ lệch chuẩn bằng 0,635; và cao nhất là tiêu chí đánh giá về đào tạo toàn phần ở nước ngoài có độ lệch chuẩn bằng 1,036. Thường độ lệnh chuẩn dưới 0,500 là có độ đồng đều cao, điều này cho thấy các tiêu chí xây dựng bảng hỏi khảo sát là phù hợp, nhưng việc đánh giá còn nhiều ý kiến khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy, kết quả đánh giá các tiêu chí về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế của Viện NIIE cũng khá tương đồng với nghiên cứu của Bùi Thanh Thủy với 5 tiêu chí đánh giá về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao như: Khả năng thích ứng nhanh nhất với môi trường lao động, nhu cầu thị trường và tiến bộ khoa học công nghệ mới, với năng lực chuyên môn và trình độ thành thạo nghiệp vụ cao; Có ý chí vượt khó, bền bỉ trong công việc, có năng lực kiềm chế bản thân; Có đạo đức nghề nghiệp thể hiện qua tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm, tinh thần dân chủ, hợp tác và ý thức về tập thể, vì cộng đồng cao; Có kỹ năng làm việc nhóm, làm việc trong môi trường đa văn hóa, có khả năng thay đổi, thích ứng nhanh, hội nhập cao, có sáng kiến đột phá, sáng tạo trong công việc; Có năng lực thực tế tạo nên kết quả cao và vượt trội trong công việc, có năng lực cạnh tranh, đóng góp thực sự hữu ích cho ngành và xã hội.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế, lãnh đạo Viện NIIE cần xem xét thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, cập nhật và tổ chức kiểm định chương trình đào tạo: Đảm bảo chương trình đào tạo luôn phản ánh các xu hướng mới và cơ cấu ngành Du lịch. Điều này bao gồm việc thêm các môn học về quản lý, tiếng nước ngoài, công nghệ thông tin và kỹ năng mềm cần thiết cho ngành Du lịch.

Thứ hai, duy trì và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp du lịch: Thiết lập các đối tác với các doanh nghiệp du lịch để đảm bảo chương trình học phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành. Hợp tác này có thể bao gồm việc cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên, giảng dạy bởi các chuyên gia ngành và đảm bảo rằng nội dung chương trình học liên quan đến các dự án và nghiên cứu của các doanh nghiệp.

Thứ ba, đào tạo giảng viên chất lượng: Đảm bảo rằng các giảng viên được đào tạo thường xuyên và cập nhật kiến thức để có thể dạy các chương trình đào tạo du lịch theo một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.

Thứ tư, tạo điều kiện học tập tốt: Cung cấp cơ sở vật chất và hệ thống học tập hiện đại để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên. Điều này bao gồm cả thư viện, phòng thí nghiệm, phòng máy tính và các phòng học hiện đại.

Thứ năm, khuyến khích nghiên cứu và phát triển: Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực du lịch để đảm bảo rằng ngành luôn tiến bộ và cập nhật kiến thức mới. Hỗ trợ giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển.

Thứ sáu, đảm bảo chuẩn mực và đánh giá chất lượng: Thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng và tiêu chuẩn cho các chương trình đào tạo du lịch và theo dõi chất lượng để đảm bảo rằng chương trình đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và định hướng của ngành Du lịch.

Qua đánh giá sự kỳ vọng về công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế cho thấy 23 yếu tố trên là phù hợp, không cần bổ sung hay loại bỏ tiêu chí nào; chỉ cần thực hiện việc phát triển và sử dụng hiệu quả để phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế. Bên cạnh đó, các giải pháp đề xuất sẽ góp phần giúp cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế và có đóng góp vào sự phát triển bền vững của công tác đào tạo ngành Du lịch trình độ quốc tế tại Viện NIIE.

4. Kết luận

Nhìn chung, từ góc nhìn sinh viên, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế tại Viện NIIE còn gặp những khó khăn - trở ngại trong nâng cao chất lượng. Những khó khăn này đến từ các yếu tố chủ quan và khách quan như: kỹ năng nghề chưa cao, chưa đủ năng lực về ngoại ngữ, thiếu trải nghiệm thực tế, thiếu kỹ năng theo chuẩn quốc tế, thiếu hiểu biết cần thiết về văn hóa, phong tục, tập quán trong nước và quốc tế…

Qua kết quả nghiên cứu, lãnh đạo Viện NIIE có thể xem xét thực hiện các giải pháp đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng khuyến khích và hỗ trợ sinh viên nâng cao kiến thức và kỹ năng liên quan đến tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế. Đặc biệt là những kỹ năng mang tính nền tảng như ngoại ngữ, tính kỷ luật, tính trải nghiệm thực tế và hiểu biết cần thiết về văn hóa, phong tục, tập quán trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, mỗi sinh viên Viện NIIE, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cần chủ động xác định những khó khăn và kế hoạch khắc phục, vượt qua khó khăn của bản thân trong nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp du lịch trong nước và khu vực.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Hsu, Cheng-Yu (Chủ biên), Measuring sustainable tourism attitude scale (SUS-TAS) in an Eastern island context (Đo lường thang đo thái độ du lịch bền vững (SUS-TAS) trong bối cảnh đảo phía Đông), Tourism Management Perspectives, 2020, 33: 100617.

2. Burbano, Diana (Chủ biên), “Rethink and reset” tourism in the Galapagos Islands: Stakeholders’ views on the sustainability of tourism development (“Suy nghĩ lại và thiết lập lại” du lịch ở Quần đảo Galapagos: Quan điểm của các bên liên quan về tính bền vững của phát triển du lịch), Annals of Tourism Research Empirical Insights, 2022, 3.2: 100057.

3. Vũ Hiếu Minh, Ngô Vũ Minh, Strategy development from triangulated viewpoints for a fast growing destination toward sustainable tourism development - A case of Phu Quoc Islands in Vietnam (Phát triển chiến lược từ quan điểm tam giác vì một điểm đến tăng trưởng nhanh hướng tới phát triển du lịch bền vững - Trường hợp quần đảo Phú Quốc ở Việt Nam), Journal of Tourism and Services, 2019, 10.18: 117-140.

4. Parmawati, Rita (Chủ biên), Development and sustainable tourism strategies in Red Islands Beach, Banyuwangi Regency (Chiến lược phát triển và du lịch bền vững tại Bãi biển Quần đảo Đỏ, Banyuwangi Regency), Journal of Indonesian Tourism and Development Studies, 2020, 8.3: 174-180.

5. Duedahl, Eva, Co-designing emergent opportunities for sustainable development on the verges of inertia, sustaining tourism and re-imagining tourism (Đồng thiết kế các cơ hội mới nổi để phát triển bền vững trên bờ vực trì trệ, duy trì du lịch và tái hình dung du lịch), Tourism Recreation Research, 2021, 46.4: 441-456.

6. Grilli, Gaetano (Chủ biên), Prospective tourist preferences for sustainable tourism development in Small Island Developing States (Sở thích du lịch tiềm năng để phát triển du lịch bền vững ở các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ), Tourism Management, 2021, 82: 104178.

7. Partelow (Chủ biên), Social networks, collective action and the evolution of governance for sustainable tourism on the Gili Islands, Indonesia (Mạng xã hội, hành động tập thể và sự phát triển của quản trị du lịch bền vững trên Quần đảo Gili, Indonesia), Marine Policy, 2020, 112.

8. Hsu, Cheng-Yu (Chủ biên), Residents’ attitudes toward support for island sustainable tourism (Thái độ của người dân đối với việc hỗ trợ du lịch bền vững trên đảo), Sustainability, 2019, 11.18: 5051.

TS NGUYỄN PHƯỚC HIỀN -  TS NGUYỄN TUẤN ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;