Sáng ngày 5-11-2023, tại Thành phố Lai Châu đã diễn ra Tọa đàm “Đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu” do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, nhằm đánh giá sản phẩm, khả năng khai thác, phát triển và kết nối sản phẩm du lịch Lai Châu với các địa phương.
Tham dự và chủ trì Tọa đàm có: Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy; Trưởng Phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Đạo Dũng; Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu Trần Quang Kháng. Bên cạnh đó, còn có đại diện lãnh đạo một số huyện; đoàn Famtrip, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tiêu biểu.
Toàn cảnh Tọa đàm
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Lai Châu năm 2023, đã diễn ra chương trình Famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành, từ thực tế khảo sát các điểm du lịch, đại diện các cơ quan quản lý, công ty lữ hành cùng thảo luận, chia sẻ những ý kiến, từ đó có những giải pháp khả thi, nhằm khai thác, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng của tỉnh Lai Châu.
Lai Châu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Lai Châu là mảnh đất ở ven khu vực Tây Bắc, với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại (đèo Ô Quy Hồ), những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á như: đỉnh Pu Si Lung 3.083m, đỉnh Pu Ta Leng 3.049m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử 3.046m… với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phong phú trong biển mây bồng bềnh; có nhiều điểm du lịch nổi tiếng: khu du lịch Cầu kính rồng mây, khu du lịch Cổng trời, khu hang động Pusamcap, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hóa bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (đạt giải bản du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023).
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải phát biểu chào mừng
Bên cạnh đó, Lai Châu còn là nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia đá cổ khắc ghi bài thơ trấn giữ biên cương của Vua Lê Thái Tổ; bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 20 dân tộc cùng sinh sống; là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa và Điện Biên Phủ; con người nơi đây hiền hòa, thân thiện và hiếu khách.
Hiện nay, Lai Châu đang triển khai thi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu và chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; Tỉnh có 1 cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn.
Trong phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, ông Tống Thanh Hải – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: “Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình tour và các hoạt động du lịch tại địa phương. Tôi tin tưởng và khẳng định mảnh đất Lai Châu sẽ luôn dành những tình cảm thân thiện, chào đón sự trở lại của quý vị trong thời gian sớm nhất, để chúng tôi tiếp tục giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên - văn hóa - con người Lai Châu đến các bạn”.
Ông Phạm Văn Thủy- Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu đề dẫn tọa đàm
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết: “Thời gian qua, nhận thức rõ về tiềm năng, dư địa phát triển du lịch của địa phương, cơ quan quản lý đã chủ động triển khai nhiều hoạt động và huy động sức mạnh liên kết phối hợp giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá, du lịch Lai Châu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp ngày càng nhiều để phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác”.
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, du lịch Lai Châu còn một số tồn tại. Đó là việc khai thác các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, chưa bao hàm nhiều giá trị gia tăng và tính chuyên nghiệp nên hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng” - Ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch
Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Lai Châu muốn tập trung phát triển du lịch cần chú ý đến những vấn đề về giao thông, cơ chế chính sách, sự quan tâm, động viên của lãnh đạo để thu hút các nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thời gian này, tỉnh cần tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch trải nghiệm, du lịch chợ biên (kết hợp với các tỉnh biên giới nước bạn). Bên cạnh đó, tỉnh nên thuê chuyên gia, nhà tư vấn có tầm cỡ, để có những chiến lược về khách hàng, sản phẩm và các giải pháp từng giai đoạn sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Lai Châu.
Ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam chia sẻ: Việc đánh giá thương hiệu điểm đến du lịch Lai Châu chưa rõ nét. Tất cả các chuỗi cung ứng du lịch của Lai Châu chưa được khớp, từ hệ thống giao thông, khách sạn, nhà hàng, nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường du lịch. Hy vọng, sau tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành của Lai Châu nên ngồi với đoàn khảo sát Famtrip lần này, để bàn với nhau xem tạo ra sản phẩm nào thu hút từng đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường như thế nào, từ đó có thể đưa ra những sản phẩm du lịch hợp lý hơn, khai thác hiệu quả hơn để du lịch Lai Châu bứt phá trong thời gian tới.
Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm
TS Trần Thị Ngân Giang - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Đại Việt nhấn mạnh đến xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng của từng địa phương. Mỗi người dân đều được tham gia vào hoạt động du lịch, từ đó họ nhận ra được những giá trị về nhà ở, tiếng nói, chữ viết, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực, phong tục tập quán, tạo nên sự bền vững khép kín, đem lại giá trị sinh kế cho cộng đồng.
TS Trần Thị Ngân Giang ấn tượng với tiềm năng du lịch của tỉnh Lai Châu
Tại tọa đàm, những ý kiến, đề xuất của đại diện các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp lữ hành sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Lai Châu có định hướng rõ ràng hơn trong xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với từng đối tượng du khách và xu hướng phát triển của du lịch trong thời gian tới.
Bài, ảnh: VÂN ANH