Hà Nội là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất cả nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Hà Nội không những tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành Giáo dục Thủ đô mà còn là cơ sở để tạo nên bản sắc văn hóa, cốt cách thanh lịch của người Tràng An. Có được thành tựu như ngày nay, ngành giáo dục Hà Nội nói chung, giáo dục phổ thông ở Hà Nội nói riêng luôn được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố qua các thời kỳ. Trong đó, giai đoạn từ 1965 đến 1968 phản ánh sâu sắc bối cảnh lịch sử miền Bắc chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến.
1. Những yếu tố tác động đến sự phát triển giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội (1965 - 1968)
Năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, đồng thời mở rộng chiến tranh, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện to lớn của miền Bắc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của đồng bào miền Nam. Đế quốc Mỹ tập trung ném bom tàn phá các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó đã phá hoại nền giáo dục miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
Lúc này, nền kinh tế miền Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Hà Nội, các cơ sở vật chất được củng cố, xây dựng trước đó bị phá hủy. Riêng cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục bị tàn phá nặng nề. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã tiến hành Hội nghị lần thứ 11 (ngày 25-3-1965), đề ra nhiệm vụ cho cả hai miền: miền Nam là tiền tuyến lớn; miền Bắc là hậu phương lớn và trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Vì vậy, phải xây dựng nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến, chuyển hướng các ngành trong đó có cả giáo dục từ thời bình sang thời chiến. Đến ngày 1-1-1968, Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom phá hoại, ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
2. Chủ trương của Đảng bộ thành phố Hà Nội về phát triển giáo dục phổ thông từ năm 1965 đến năm 1968
Những năm đầu của chiến tranh phá hoại, Đảng ta đã lãnh đạo thực hiện chuyển hướng, giữ vững sự nghiệp giáo dục phổ thông. Tại Hội nghị lần thứ 11 (ngày 25-3-1965), Trung ương Đảng nhấn mạnh: “...cách mạng xã hội chủ nghĩa về mặt tư tưởng, giáo dục là vấn đề chủ yếu. Ngành giáo dục không chỉ làm công việc truyền thụ kiến thức văn hóa mà còn bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người lao động làm chủ nước nhà, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa…” (1). Nhiệm vụ cụ thể của nhà trường phổ thông là phải đáp ứng từng bước yêu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ và từng địa bàn. Giáo dục phải trở thành một mặt trận quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Chỉ thị chuyển hướng số 88/TTg ngày 5-8-1965 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “...nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước là thiêng liêng,… công tác giáo dục phải chuyển hướng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị nói trên theo chức năng của mình và phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, cần ra sức phấn đấu để giữ vững, phát triển sự nghiệp giáo dục cả về quy mô, chất lượng” (2). Để chuyển hướng ngành giáo dục phù hợp với tình hình chung của miền Bắc lúc bấy giờ, Phủ Thủ tướng đã có Thông tư số 43/1967 về tăng cường lãnh đạo giáo dục phổ thông trong tình hình chống Mỹ cứu nước. Theo đó, tiếp tục giải quyết yêu cầu của con em nhân dân, đảm bảo cung cấp đủ học sinh tốt nghiệp cấp II, III cho sự nghiệp đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề; giữ vững và nâng cao dần chất lượng giáo dục.
Một lớp học ngoài trời ở miền Bắc năm 1966 - Ảnh tư liệu minh họa
Bám sát chủ trương của Đảng ta về phát triển giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng, những năm đầu của chiến tranh phá hoại, Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo thực hiện chuyển hướng, giữ vững sự nghiệp giáo dục phổ thông.
Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết số 61 NQ/ĐBHN, ngày 28-5-1965 về sơ tán học sinh mẫu giáo, vỡ lòng và học sinh các cấp ở nội thành và thị trấn Gia Lâm. Nghị quyết nêu rõ: “Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, trên cơ sở tiếp tục làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận rõ tình hình và âm mưu địch mà vận động nhân dân, cán bộ cho con em đi sơ tán ra khỏi thành phố” (3).
Để thực hiện chủ trương trên, một số nhiệm vụ cụ thể đã được đề ra như: Đề nghị với Trung ương cho sơ tán những cơ quan, trường học không cần thiết ở Hà Nội; những cơ quan, xí nghiệp nào còn ở nội thành thì cũng phải tích cực tổ chức cho các cháu sơ tán ra khỏi nội thành; đối với học sinh cấp 3, phương hướng giải quyết cũng như với học sinh cấp 1, 2; đối với học sinh không có điều kiện tiếp tục học tập, cần nghiên cứu mở thí điểm một số trường vừa làm vừa học; nâng cao chất lượng dạy và học trong quá trình chuyển hướng.
3. Đảng bộ thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện phát triển giáo dục phổ thông trong những năm 1965 - 1968
Chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông
Bối cảnh miền Bắc có sự thay đổi căn bản, chuyển từ thời bình sang thời chiến, đòi hỏi động viên nhiều nhân lực. Do vậy, ngành giáo dục có nhiều cố gắng mới về cải tiến công tác giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Lĩnh vực giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội trong giai đoạn này luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy thành phố.
Thực hiện Chỉ thị 102/CT-TW ngày 3-7-1965 của Ban Bí thư về việc “Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng và chính trị đối với cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh”, Đảng bộ thành phố đã chỉ thị cho Ty Giáo dục tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, học sinh nhận thức rõ tình hình và nhiệm vụ mới. Các nhà trường đã chú ý giáo dục đạo đức, lao động, kiến thức cho học sinh, triển khai phong trào “Áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, trong sản xuất”.
Chỉ đạo phát triển về quy mô và tăng cường đội ngũ giáo viên
Việc phát triển theo quy mô lớn các trường phổ thông trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất được xác định: mỗi xã có một trường cấp I, hoặc xã có một trường cấp II, mỗi huyện có một trường cấp III. Theo đó, phương hướng mới trong phát triển hình thức trường lớp là song song với những trường phổ thông, nghiên cứu mở những trường vừa học văn hóa phổ thông vừa học kỹ thuật sản xuất, học nghề, đồng thời tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tăng cả về số lượng và chất lượng.
Chỉ đạo công tác dạy và học
Đảng bộ thành phố Hà Nội chỉ đạo công tác dạy và học giai đoạn 1965 - 1968 phải gắn liền với chống Mỹ cứu nước, nhà trường là cầu nối thực hiện nhiệm vụ với giáo viên và học sinh. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của nhà trường phải được thể hiện trong việc cải tiến dạy và học phù hợp với thời chiến. Nâng cao chất lượng, cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập là những yếu tố cơ bản mà Bộ Chính trị đã đề cập đến tại Chỉ thị số 169/CT. Quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Khoa giáo Trung ương đã ban hành Thông tư về việc thực hiện Chỉ thị 169, chỉ đạo cụ thể hơn về vấn đề dạy và học, tăng cường giáo dục chính trị, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần xả thân vì Tổ quốc.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cho Sở Giáo dục phát động phong trào ở các trường phổ thông.
Chỉ đạo công tác phòng không, sơ tán
Do bối cảnh lúc bấy giờ toàn miền Bắc phải chịu cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các địa phương phải xây dựng kế hoạch hợp đồng tác chiến, kế hoạch canh gác, đặc biệt ở những vùng trọng điểm. Việc sơ tán các cơ quan, kho tàng, xí nghiệp được tiến hành khẩn trương, nhằm sớm ổn định để đi vào sản xuất.
Ngành giáo dục chuyển hướng công tác nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh, tổ chức phòng không thật chu đáo. Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng bộ, toàn thành phố Hà Nội đã nhanh chóng chuyển tất cả các hoạt động từ thời bình sang thời chiến, Ty Giáo dục đã yêu cầu các trường phải hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng tránh, đào hầm hố và giao thông hào, bảo đảm an toàn tính mạng.
Các nhà trường đã phối hợp với cơ quan quân sự địa phương quy định giờ lên lớp cho từng khối lớp, có lớp học đêm, có lớp học từ khi còn mờ sáng... Đồng thời, tranh thủ được sự giúp đỡ của Nhà nước, của nhân dân để đảm bảo đầy đủ trường lớp, bàn ghế, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, giấy bút, ánh sáng cho việc giảng dạy và học tập ngay trong thời chiến. Đặc biệt là học sinh sơ tán vẫn được hưởng những quyền lợi như cấp học bổng, miễn giảm học phí.
Như vậy, theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Hà Nội luôn vận mình phát triển về mọi mặt, trong đó, giáo dục phổ thông của Hà Nội giai đoạn từ 1965 - 1968 vẫn là điểm sáng trong nền giáo dục chung của nước nhà cho dù điều kiện hết sức khó khăn. Chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, vị trí là Thủ đô của cả nước đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội trong bất cứ giai đoạn nào cũng cần có sự cố gắng, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của thời đại.
______________
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945 -1995), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995, tr.215.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Từ Bộ Quốc gia Giáo dục đến Bộ Giáo dục - Đào tạo, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995, tr.116.
3. Đảng Lao động Việt Nam, Ban chấp hành thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 61 NQ/ĐBHN của Thường vụ Thành ủy (ngày 28-05-1965), V/v sơ tán học sinh mẫu giáo, vỡ lòng và học sinh các cấp ở nội thành và thị trấn Gia Lâm, Hồ sơ 3265, Phòng BGD giai đoạn 1945-1980, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội, tr.15 - 19.
Tác giả: Lê Thị Tám
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019