Đảng bộ Hải Dương lãnh đạo phát triển công nghiệp giai đoạn 2010 đến 2020

Công nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là khâu đột phá trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, quyết định đến sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã tập trung mọi nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các yếu tố thuận lợi từ cơ chế, chính sách đến đào tạo nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh. Quá trình này bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong giai đoạn hiện nay.

Hải Dương là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, có lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực chất lượng cao; có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với định hướng phát triển trở thành tỉnh công nghiệp, Hải Dương đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho phát triển công nghiệp như quy hoạch, phát triển 18 khu công nghiệp với diện tích quy hoạch là 1.271,123 ha đã đi vào hoạt động. Sau hơn 20 năm tái lập, tỉnh đã có một cơ cấu phát triển công nghiệp tương đối đầy đủ với hầu hết các ngành công nghiệp. Công nghiệp phát triển đem lại giá trị kinh tế cao; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại chỗ cũng như thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại... Qua đó, trực tiếp góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công nghiệp Hải Dương còn bộc lộ nhiều hạn chế như: phát triển còn thiếu tính bền vững, tốc độ tăng trưởng không ổn định, chậm đổi mới công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp chưa hiệu quả. Công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp những năm qua của Đảng bộ tỉnh Hải Dương, đã để lại những bài học quý báu cho quá trình này đó là:

Một là, quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp

Quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp để xây dựng chiến lược phát triển cho Hải Dương thể hiện ở việc giải quyết mối quan hệ chung, riêng, vừa phát huy tính năng động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh vừa bảo đảm công nghiệp tỉnh phát triển ổn định, vững chắc, đúng định hướng, khai thác hết tiềm năng lợi thế của tỉnh trong phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp được hoạch định trên cơ sở thực tiễn của đất nước, có giá trị chỉ đạo trên phạm vi cả nước. Nhưng mỗi địa phương lại có những đặc điểm riêng, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể khác nhau. Do vậy, quá trình này đòi hỏi Đảng bộ tỉnh phải quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp, nhưng đồng thời phải rất năng động, linh hoạt và sáng tạo, không thể rập khuôn máy móc.

Quan điểm phát triển công nghiệp của Đảng được thể hiện qua các kỳ Đại hội với tư tưởng chung là: chuẩn bị tốt tiền đề, tiến tới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với bước đi, hình thức và cách làm phù hợp, xây dựng nền kinh tế công nghiệp độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội là tiêu chuẩn cơ bản để xác định phương án phát triển, lựa chọn những dự án đầu tư và công nghệ phù hợp; kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh trong quá trình phát triển.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của tỉnh, luôn phát huy tính năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, bảo đảm công nghiệp tỉnh phát triển ổn định, vững chắc, đúng định hướng, khai thác hết tiềm năng lợi thế của tỉnh trong phát triển công nghiệp. Từ năm 2010 đến 2020, Đảng bộ tỉnh luôn bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh, kịp thời điều chỉnh chủ trương và đưa ra sự chỉ đạo đúng đắn, hiệu quả: từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XV (2010), lần thứ XVI (2015) và kết luận số 14 (7-2002) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện chương trình phát triển công nghiệp đến năm 2020… Do đó, từ chỗ công nghiệp chiếm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh từ 12,7% (2010) lên 50,4% (2020). Công nghiệp đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm với sự đa dạng về ngành nghề và đã hình thành một số ngành mũi nhọn, các khu công nghiệp tập trung đi vào hoạt động.

Tính chủ động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong vận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghiệp còn được thể hiện ở việc đề ra các chủ trương giải pháp chỉ đạo trên nhiều mặt như giải quyết vấn đề phát triển công nghiệp đạt năng suất cao, chính sách thu hút đầu tư, mở rộng thị trường. Tỉnh Hải Dương luôn nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư như: Đẩy mạnh công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển khu đô thị, dịch vụ, du lịch; giải quyết kịp thời kiến nghị và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Hai là, xây dựng cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng tạo điều kiện để phát triển công nghiệp

Trong giai đoạn (2010-2020), để thúc đẩy các ngành công nghiệp của tỉnh phát triển, Đảng bộ Hải Dương đã quán triệt, vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu từ vào phát triển công nghiệp. Trong đó, coi trọng chủ trương: “Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư hấp dẫn theo hướng: Nhất quán cơ chế, chính sách; vận dụng và thực hiện ưu đãi tối đa theo quy định của Chính phủ; giải phóng mặt bằng nhanh; thủ tục hành chính thông thoáng, hỗ trợ đào tạo công nhân kỹ thuật là người địa phương, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư” (1).

Để thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều Quyết định, Kế hoạch, Hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các nội dung về: cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; ban hành chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về nguồn vốn, đào tạo nhân lực… Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan đơn vị, thực hiện cải cách thể chế, thủ tục hành chính, thực hiện chế độ một cửa, tạo sự thông thoáng về thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục xúc tiến, cấp phép đầu tư… tạo nên sự thuận tiện, thông thoáng và hài lòng cho các nhà đầu tư vào tỉnh. Cùng với đó, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết và đến với Hải Dương, tỉnh luôn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và danh mục các dự án thu hút đầu tư trên phương tiện thông tin đại chúng và internet. Tỉnh đã thành lập cổng thông tin điện tử có địa chỉ haiduong.gov.vn để giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin về các khu công nghiệp, chính sách khuyến khích, ưu đãi, để các nhà đầu tư thuận lợi trong tìm hiểu và quyết định đầu tư.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, kết quả sau 10 năm (2010-2020) nền công nghiệp tỉnh Hải Dương đã thu hút được một số lượng khá lớn dự án đầu tư, cụ thể: Giai đoạn 2010-2015 đã thu hút được 32 dự án với số vốn trên 11.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2020 tỉnh đã thu hút và triển khai 23 dự án với số vốn đầu tư trên 13.200 tỷ đồng.

Ba là, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh

Phát triển công nghiệp toàn diện là phát triển ở cả công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ; công nghiệp sản xuất, công nghiệp chế biến; công nghiệp truyền thống, công nghiệp hiện đại, công nghiệp quốc doanh, công nghiệp ngoài quốc doanh... phát triển tất cả các ngành công nghiệp trên địa bàn của tỉnh. Chỉ có phát triển toàn diện mới đảm bảo cho nền công nghiệp của tỉnh phát triển hài hòa, thúc đẩy lẫn nhau, thông qua đó khai thác hết khả năng của mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, phát huy lợi thế của tỉnh để phát triển ngành công nghiệp có thế mạnh, như lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất vật liệu xây dựng.

Phát triển công nghiệp toàn diện, song phải có sự tập trung đầu tư cho các ngành có thế mạnh. Đây là đòi hỏi tất yếu, chỉ có như vậy mới khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp của tỉnh, tạo sức bật, sự bứt phá trong phát triển công nghiệp ở Hải Dương như: ưu tiên phát triển những sản phẩm cơ khí có chất lượng cao, công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy, công nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Từ năm 2010 đến 2020, Đảng bộ Hải Dương đã có sự chỉ đạo phát triển công nghiệp một cách toàn diện, khai thác tốt khả năng các ngành, nghề công nghiệp truyền thống, sản xuất hàng tiêu dùng, các ngành công nghiệp cơ khí... Những năm qua, ngoài sự phát triển mạnh các ngành như: sản xuất các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại, chế biến rau quả, may mặc, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, tỉnh đã sản xuất được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, nhiều sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời trong quá trình đó Đảng bộ và UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn như: cơ khí, lắp ráp ô tô, xe máy, các sản phẩm hỗ trợ, vật liệu xây dựng, dệt may, da giày.

Bốn là, coi trọng phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp

Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp của tỉnh luôn là vấn đề được Đảng bộ tỉnh quan tâm phát triển. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã chủ trương đẩy mạnh việc dạy nghề tập trung vào các hoạt động chính là: tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề; tăng cường cơ sở vật chất, phát triển chương trình, giáo trình; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; hỗ trợ lao động nông thôn học nghề; giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề nhất là đào tạo tay nghề cho lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực để mở rộng quy mô, mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề.

Trong giai đoạn tiếp theo, với mục tiêu đề ra phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ năng lực tiếp cận với trình độ khoa học tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Theo đó, Đảng bộ tỉnh chủ trương mở rộng hợp tác đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề với các cơ sở có trang thiết bị hiện đại trong và ngoài tỉnh. Liên kết, kêu gọi đầu tư các cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây mới, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; đầu tư trang thiết bị hiện đại cho dạy nghề. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ đào tạo theo địa chỉ.

Cùng với phát triển nguồn nhân lực thì vấn đề bảo vệ môi trường cũng luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm giải quyết trong thời gian qua. Đây được xác định là một trong những nội dung cơ bản để phát triển công nghiệp bền vững và luôn được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đã chỉ đạo các khu công nghiệp khi quy hoạch luôn phải phù hợp với đặc điểm môi trường cụ thể, phải có phương án bảo vệ môi trường với đủ các hệ thống thoát nước, thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn, nguy hại, đảm bảo diện tích cây xanh, khoảng cách an toàn tới khu dân cư, có đầy đủ các công trình phòng chống ô nhiễm, sự cố môi trường.

_______________

1. Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương, Nghị quyết số 31/2012/NQ-HĐND, ngày 6-7-2012, về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hải Dương, 2012

Tài liệu tham khảo 1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 14-12-2019, về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2020, Hải Dương, 2019.

2. Cục Thống kê Hải Dương, Niên giám thống kê năm 2018, Hải Dương, 2019.

3. Đảng bộ tỉnh Hải Dương, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, Hải Dương, 2020.

Tác giả: Vũ Xuân Phú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;