Những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực cùng với sự du nhập các luồng tư tưởng, lối sống sùng ngoại... đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành tư tưởng, tình cảm, đời sống văn hóa của một bộ phận xã hội, trong đó có cán bộ, chiến sĩ quân đội. Những nghiên cứu về quan niệm, cấu trúc, đặc trưng của đời sống văn hóa trong quân đội đã góp phần làm rõ hơn về mặt lý luận và thực tiễn hoạt động, tạo tiền đề nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay.
1. Vấn đề xây dựng đời sống văn hóa
Tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa là một chủ trương quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Đại hội lần thứ V (1982) của Đảng xác định: “Một nhiệm vụ của cách mạng tư tưởng và văn hóa là đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đảm bảo mỗi nhà máy, công trường, lâm trường, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, mỗi xã, hợp tác xã, phường, ấp, đều có đời sống văn hóa” (1). Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII khẳng định: “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 T.Ư khóa XI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là tạo ra những giá trị mới về văn hóa đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.
Hiện tại, có nhiều quan niệm về đời sống văn hóa. Tác giả Hoàng Vinh cho rằng, có 3 yếu tố tạo thành cấu trúc của đời sống văn hóa, đó là “sản phẩm văn hóa, thể chế văn hóa, các dạng hoạt động văn hóa và những con người văn hóa” (2). Theo tác giả Văn Đức Thanh, đời sống văn hóa là tổng hòa các hoạt động của đời sống bao hàm bốn khâu cơ bản: khám phá, sáng tạo văn hóa; trao đổi lao động trí tuệ, cung ứng sản phẩm và dịch vụ văn hóa; hưởng thụ, thẩm thấu văn hóa; tôn vinh, tỏa sáng văn hóa (3). Các tác giả Lê Quý Đức, Đinh Thị Vân Chi, Nguyễn Thị Phương Lan... đều cho rằng đời sống văn hóa là tổng thể các hoạt động văn hóa xuất phát từ nhu cầu tinh thần của con người và nhằm hoàn thiện mỗi cá nhân và tập thể hướng theo các giá trị chân, thiện, mỹ. Các hoạt động văn hóa bao gồm: hoạt động sáng tạo, lưu giữ, truyền bá và thưởng thức các sản phẩm văn hóa (4).
2. Quan niệm và cơ cấu của đời sống văn hóa trong quân đội
Đời sống văn hóa ở các đơn vị cơ sở quân đội là bộ phận cấu thành của văn hóa quân đội. “Muốn xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện thì phải xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, bồi dưỡng tình cảm cách mạng trong sáng, sâu sắc cho mọi cán bộ và chiến sĩ” (5). Theo nghĩa hẹp, có thể hiểu, đời sống văn hóa trong quân đội là tổng thể các hoạt động văn hóa xuất phát từ nhu cầu tinh thần của cán bộ, chiến sĩ bao gồm hoạt động sáng tạo, lưu giữ, truyền bá, thưởng thức các sản phẩm văn hóa và thực hành các hoạt động văn hóa cộng đồng, nhằm hoàn thiện mỗi cá nhân và tập thể theo các giá trị chân, thiện, mỹ, bồi dưỡng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Như vậy, cơ cấu đời sống văn hóa trong quân đội gồm tổng thể các hoạt động sau:
Hoạt động sáng tạo, biểu hiện văn hóa, gồm: các hoạt động sáng tác và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật mang tính nghiệp dư của cán bộ, chiến sĩ. Nếu duy trì thường xuyên, có chất lượng cao thì sẽ khai thác tiềm năng sáng tạo của bộ đội và giữ được không khí vui tươi, phấn khởi trong đơn vị.
Hoạt động lưu giữ, truyền bá văn hóa, gồm: lưu trữ sách báo, triển lãm, bảo tàng, tuyên truyền thông tin cổ động, quảng bá văn hóa, thư viện, chiếu phim, băng hình nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức phim của bộ đội với nội dung vô cùng phong phú. Hoạt động này đem lại nguồn tri thức vô tận của nhân loại, giúp cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị nâng cao trình độ, hiểu biết sâu sắc về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quân đội và đơn vị.
Hoạt động tiếp nhận, thưởng thức các sản phẩm văn hóa, gồm: thưởng thức giá trị văn hóa, nghệ thuật, tham quan, du lịch, vui chơi giải trí... Trong các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của quân đội, hiện nay nổi bật nhất là hoạt động ca, múa, nhạc và sân khấu.
Hoạt động thực hành các hoạt động văn hóa cộng đồng, gồm: tổ chức và tham gia lễ hội, xây dựng nếp sống văn hóa, giao lưu kết nghĩa quân dân, tình nguyện, các cuộc thi…
Việc xây dựng đời sống văn hóa ở đơn vị cơ sở quân đội phải tiến hành đồng bộ, toàn diện. Đồng thời, cần quan tâm những yếu tố quan trọng, để có những giải pháp thích hợp nhằm xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần hiện nay của bộ đội ở đơn vị cơ sở.
3. Đặc trưng của đời sống văn hóa trong quân đội
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu quan điểm về xây dựng đời sống mới: “Mỗi người, mỗi đoàn thể lại phải theo công việc, nghề nghiệp của mình, mà làm đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh” (6). Đời sống văn hóa trong quân đội vừa là một mặt của hoạt động quân sự, vừa là một bộ phận của đời sống văn hóa chung. Do đó, nó vừa mang các đặc tính của đời sống văn hóa xã hội, vừa mang những tính chất đặc thù quân sự, biểu hiện trong mỗi yếu tố cấu thành đời sống văn hóa trong quân đội.
Để xây dựng đời sống văn hóa ở đơn vị cơ sở quân đội, cần chú trọng những đặc trưng cơ bản của đời sống văn hóa trong quân đội sau đây:
Thứ nhất, đời sống văn hóa trong quân đội mang tính chính quy, thống nhất, kỷ luật cao, thể hiện cái đẹp của sự mạnh mẽ, thống nhất, nghiêm túc. Tính chính quy, thống nhất trong điều lệnh, điều lệ, chế độ, lễ tiết, tác phong sinh hoạt lịch sự, huấn luyện, nếp sinh hoạt ngăn nắp, gọn gàng, ứng xử thân thiện với đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới và với nhân dân phản ánh cái đẹp của văn hóa quân sự. Tính thống nhất thể hiện ở việc các đơn vị cơ sở nhất quán thực hiện các chế độ sinh hoạt văn hóa theo đúng định hướng, chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cơ quan chức năng từ trên xuống đơn vị cơ sở ở các quân binh chủng và các đơn vị tương đương như: quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần; quy chế hoạt động của các bảo tàng, hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ, Phòng Hồ Chí Minh… Các hoạt động văn hóa trong quân đội có tính kỷ luật cao thông qua việc bộ đội tự giác tham gia các hoạt động văn hóa một cách vui vẻ. Mặt khác, việc tiếp nhận các sản phẩm văn hóa không lành mạnh cũng được hạn chế nhiều so với bên ngoài.
Thứ hai, đời sống văn hóa trong quân đội mang tính phong phú, đa dạng, thể hiện ở sự kết hợp các sắc thái văn hóa vùng, miền, sắc tộc. Các đơn vị cơ sở quân đội đóng quân ở nhiều địa bàn trải dài từ Bắc đến Nam, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nên đời sống văn hóa của bộ đội cũng có sự giao lưu, hòa nhập với văn hóa địa phương.
Thứ ba, đời sống văn hóa trong quân đội thể hiện mối quan hệ giữa giá trị truyền thống và hiện đại, bảo tồn, kế thừa và phát triển văn hóa. Đời sống văn hóa trong quân đội luôn biểu hiện những giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đó thể hiện ở việc “quan tâm đến văn hóa thẩm mỹ, nghệ thuật, thể thao, xây dựng đời sống tinh thần cho bộ đội luôn luôn được đề cao, một mặt vừa trực tiếp đóng góp nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị vào kho tàng văn hóa dân gian, mặt khác, lịch sử văn hóa quân sự Việt Nam từ xưa đến nay vẫn là đề tài bất hủ có sức mạnh gợi cảm hứng sáng tạo rất cao” (7). Việc đáp ứng nhu cầu văn hóa để định hướng giá trị không chỉ dừng ở số lượng các buổi xem phim, đọc báo... mà phải tìm hiểu những bộ phim, tờ báo họ yêu thích, nhằm đưa ra định hướng phù hợp. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong trong việc quản lý hoạt động văn hóa ở đơn vị, địa phương. Do đó, cần phải phát huy vai trò làm chủ của người lính đối với đời sống văn hóa của chính mình. Đồng thời, từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, ban hành nhiều chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển đời sống văn hóa của quân đội, hoàn thiện luật nghĩa vụ, luật sĩ quan, hệ thống điều lệnh, điều lệ, xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, tiến hành công tác thi đua một cách thường xuyên, đều đặn, góp phần ngày càng nâng cao đời sống văn hóa quân nhân về mọi mặt.
Thứ tư, đời sống văn hóa quân đội được tạo nên bởi sự kết hợp yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Đời sống văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia trong quá trình tồn tại và phát triển luôn có sự tác động giữa những yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, những yếu tố ngoại sinh mang ý nghĩa tích cực sẽ thúc đẩy đời sống văn hóa của các cộng đồng, quốc gia trong đó có quân đội và khu vực phát triển phong phú, đa dạng hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong những năm gần đây, với xu hướng hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa, quân đội nhân dân Việt Nam đã có sự mở rộng hợp tác với các nước trên thế giới như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan… cả về phạm vi, hình thức và nội dung hoạt động.
Thứ năm, đời sống văn hóa quân đội mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Các đơn vị quân đội kể từ khi hình thành, xây dựng và phát triển với các lực lượng tham gia, chức năng, nhiệm vụ, địa bàn đóng quân khác nhau. Do đó, đời sống văn hóa trong quân đội rất rộng cả về không gian và thời gian. Là kết quả của một quá trình hình thành lâu dài, đời sống văn hóa trong quân đội luôn chịu sự tác động của những yếu tố theo chiều dọc của thời gian và chiều ngang của không gian. Những thành tố của đời sống văn hóa luôn tồn tại như một chỉnh thể trong không gian và thời gian xác định.
Trong những năm qua, đời sống văn hóa ở cơ sở quân đội giữ vị trí, vai trò quan trọng, chi phối tư tưởng, tình cảm, định hướng nhận thức, hành động của cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp tác động tới kết quả xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Việc xây dựng đời sống văn hóa trong quân đội đã làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi phương diện của đời sống quân nhân, thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của bộ đội, góp phần bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
________________
1, 2. Hoàng Vinh, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta hiện nay, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr. 257, 266.
3, 7. Văn Đức Thanh (Tổng chủ biên), Văn hóa quân sự Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.91.
4, 6. Đinh Thị Vân Chi (Chủ biên), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015.
5. Học viện Chính trị Quân sự, Những nguyên lý cơ bản của mỹ học Mác-Lênin, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.185.
Tác giả: Lưu Thị Phương Thảo
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019