Đa dạng hoạt động giáo dục góp phần nâng cao hiệu quả xã hội của Bảo tàng

“Vấn đề giáo dục, nhìn tổng thể, là truyền đạt văn hóa và các bảo tàng có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này” (1). Nói cách khác, tiền đề của các bảo tàng là phải đạt được mục đích giáo dục và phục vụ đông đảo công chúng. Bài viết đề cập đến hiệu quả các hoạt động giáo dục của bảo tàng qua thực tế triển lãm Sản xuất sáng tạo ở Bảo tàng TP.HCM.

 

     Bảo tàng với chức năng giáo dục

     Giáo dục là một trong những chức năng cơ bản của bảo tàng. Giáo dục bảo tàng là công tác tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ xã hội; triển khai các hoạt động dựa trên trưng bày bảo tàng, nhằm mục đích truyền thụ tri thức khoa học, đạo đức, cảm xúc, thẩm mỹ cho công chúng.

     Theo quan điểm của các nhà bảo tàng học Nga (2), công tác giáo dục của bảo tàng đã trải qua những bước đường dài mà mỗi đoạn đường lại mang những đặc điểm của thời kỳ lịch sử tương ứng. Công tác giáo dục bảo tàng ở Nga đã có những tên gọi khác nhau, như công tác giáo dục chính trị, công tác giáo dục chính trị quần chúng, công tác khoa học - giáo dục, hoạt động văn hóa - giáo dục. Hoạt động văn hóa - giáo dục là nhân tố, cấu phần quan trọng của giao tiếp bảo tàng và là một trong những định hướng hàng đầu của công tác bảo tàng. Sự phát triển của hoạt động văn hóa - giáo dục trước hết liên quan đến sự thay đổi vai trò xã hội của bảo tàng và việc nâng cao hiệu quả tác động qua lại giữa bảo tàng và xã hội. Bảo tàng trở thành trung tâm thực hành văn hóa và giáo dục cho toàn bộ công chúng. Điều này đòi hỏi phải đặc biệt chú ý nghiên cứu khách tham quan bảo tàng, nhằm mục đích đáp ứng một cách thích hợp nhu cầu của khách. Nhiều bảo tàng đã tiến hành các nghiên cứu xã hội học nhằm soạn thảo những chương trình dự án, trong đó quan tâm đến sự đa dạng về lứa tuổi, thể chế xã hội, khuynh hướng nghề nghiệp của khách tham quan. Nhiều công nghệ thông tin mới được áp dụng trong hoạt động văn hóa - giáo dục. Có nhiều mô hình được xác định bởi đặc điểm lãnh thổ, đặc điểm của bảo tàng, tiềm năng văn hóa của các vùng song mục tiêu chính của mọi mô hình vẫn là giáo dục văn hóa cho con người.

     Một số nhà bảo tàng học Tây Âu và Bắc Mỹ (3) khẳng định, tiền đề chỉ đạo của các bảo tàng là trách nhiệm giáo dục, phục vụ công chúng thuộc nhiều dạng đối tượng tham quan khác nhau. Các bảo tàng là công cụ thực hiện việc dân chủ hóa, nơi mang lại niềm tự hào cho cộng đồng và còn là trung tâm điểm để khởi đầu cho sự đổi thay mang tính tích cực. Với tư cách là một trung tâm giáo dục, các bảo tàng có trách nhiệm phục vụ công chúng và giới thiệu về một xã hội đa dạng mà bảo tàng tồn tại trong đó. Các bảo tàng là cơ quan lý tưởng cho việc điều tra nghiên cứu về xã hội và văn hóa. Bằng cách thiết lập những chương trình phù hợp, bảo tàng có thể tạo môi trường để công chúng có cơ hội học hỏi một cách thú vị và cảm nghiệm niềm vui được khám phá tri thức.

     Theo quan điểm của giới bảo tàng học Trung Quốc (4), giáo dục và phục vụ quần chúng là một trong những chức năng xã hội của bảo tàng. Chức năng này bao gồm rất nhiều mặt, chủ yếu là phục vụ việc nâng cao nhận thức tư tưởng và tri thức văn hóa cho đông đảo khách tham quan, phục vụ giáo dục ngoại khóa cho học sinh các cấp, cung cấp tri thức và nghiên cứu khoa học cho người trưởng thành, phục vụ tham quan du lịch và nghỉ ngơi văn hóa nói chung.

     Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL, ngày 31-12-2010, của Bộ VHTTDL quy định về tổ chức hoạt động của bảo tàng Việt Nam, trong đó có hoạt động giáo dục, bao gồm 4 đề mục: hướng dẫn tham quan; tổ chức chương trình giáo dục; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề; xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng. Chương trình giáo dục của bảo tàng phải phù hợp với nội dung hoạt động và đối tượng công chúng của bảo tàng, nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

     Hoạt động giáo dục tại triển lãm Sản xuất sáng tạo

     Về triển lãm Sản xuất sáng tạo

     Triển lãm Sản xuất sáng tạo là một trong những hoạt động nằm trong dự án Manufacturing Creativity do Đại học Sydney, Australia, phối hợp cùng Văn phòng UNESCO Hà Nội thực hiện trong năm 2018, kết thúc vào tháng 1 - 2019.

     Dự án hướng tới thúc đẩy những nhân tố duy trì sự sáng tạo bền vững, thông qua việc tạo điều kiện để các nghệ sĩ và nhà thiết kế có thể làm việc với đối tác sản xuất là một số nhà máy, công xưởng nội địa. Dự án đảm bảo chặt chẽ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, không chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục trong ngành công nghiệp sáng tạo (mở rộng cơ hội thực hành sáng tạo và trình bày ý tưởng), mà còn thúc đẩy đổi mới trong sản xuất, tạo cơ hội phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế, hòa nhập xã hội và bình đẳng giới. Dự án xây dựng phương pháp tiếp cận đô thị và môi trường bền vững thông qua việc tập trung vào nguyên vật liệu trong sản xuất và tiêu thụ, chú tâm giảm thiểu sự lãng phí một cách sáng tạo. Các hoạt động cộng tác được lên kế hoạch trong năm 2018, bao gồm sự tham gia của các nghệ sĩ/ nhà thiết kế và đơn vị sản xuất sản phẩm. Hoạt động của dự án tạo ra các sản phẩm mới là tác phẩm nghệ thuật thị giác đương đại. 8 nghệ sĩ và nhà thiết kế Việt Nam tham gia dự án. Họ lựa chọn các địa chỉ sản xuất phù hợp với ý tưởng của mình: Lê Giang (nghệ sĩ thị giác, Hà Nội) và Công ty Nhựa Hami, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; Richard Streitmatter -Tran (nghệ sĩ thị giác, TP.HCM) và Nhà máy sản xuất vật liệu tổng hợp, sợi carbon và sợi thủy tinh Triac, thuộc Khu Công nghiệp Cát Lái 2, TP.HCM; Ngô Thị Thu Trang và Khiết Giang (giảng viên Viện thiết kế Công nghiệp, Đại học Kiến trúc TP.HCM) và một xưởng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre đan ở Biên Hòa, Đồng Nai; Lương Thị Minh Hoa (giảng viên, Đại học Kiến trúc TP.HCM) và Công ty nhựa Fulin, Đồng Nai và PPJ Cotton, TP.HCM; Nguyễn Huy Biển (nhà thiết kế công nghiệp) và một công ty gỗ tấm nội thất, Hà Nội; Lại Diệu Hà (nghệ sĩ thị giác, Hà Nội) và công ty Fulin; Hà Đào (nhiếp ảnh gia, Hà Nội) và nhà máy gạo Nam Bình, Hà Nội.

     Triển lãm Sản xuất sáng tạo, trưng bày các tác phẩm của nhóm nghệ sĩ nói trên với sự tham gia đồng hành của Bảo tàng TP.HCM, được diễn ra tại Nhà Triển lãm thành phố, từ ngày 21 đến hết ngày 31-1-2019. Một số tác phẩm nổi bật trong triển lãm như: Cây lập thể (sử dụng nhựa đúc tái chế và một số vật liệu khác) của Lê Giang, các tác phẩm điêu khắc tượng trưng (bằng vật liệu nhẹ từ sợi thủy tinh và sợi carbon) của R. Streitmatter -Tran, bình gốm của Ngô Thị Thu Trang…

     Các hoạt động giáo dục của triển lãm

     Chương trình giáo dục tại triển lãm được TS Jane Gavan, Đại học Sydney, thiết kế và xây dựng nội dung chi tiết. Trong thời gian 10 ngày, dưới sự hướng dẫn của TS Jane Gavan, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, cán bộ Bảo tàng TP.HCM và đội ngũ tình nguyện viên đến từ Đại học Kiến trúc TP.HCM đã cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau thực hiện các hoạt động hướng đến công chúng, bao gồm hướng dẫn tham quan triển lãm, tổ chức tọa đàm Cách thức mở rộng thực hành, tiếp cận các vật liệu và quy trình mới ở Việt Nam (25-1-2019), chương trình giáo dục dành cho trẻ em (26-1-2019).

     Khách tham quan được trải nghiệm thông qua việc trực tiếp thưởng thức, tiếp xúc với các hiện vật/ tác phẩm có chất liệu, phong cách, đặc điểm riêng. Sự hấp dẫn của triển lãm chính là tính thực tế và sáng tạo. “Các tác phẩm của tôi trải dài trong các lĩnh vực video, nghệ thuật sắp đặt, âm thanh và điêu khắc mềm, với cảm hứng từ môi trường văn hóa và vật chất đa dạng. Tôi muốn khám phá mối quan hệ giữa con người và vật chất thông qua việc nghiên cứu các hiện tượng bình thường dễ bị bỏ qua và quan sát trực tiếp vật chất trong cuộc sống thường ngày. Mục tiêu của việc sáng tác này là khơi gợi nhận thức về cả vật chất hữu cơ và vô cơ, tác động đến người xem thông qua cảm giác ấn tượng và mê hoặc đối với không gian động và tĩnh” (5). Qua tham quan và tương tác với các tác phẩm trong trưng bày, công chúng đã có những kết nối sâu hơn về những vấn đề liên quan, như cơ hội sáng tạo trong sản xuất, các giải pháp bền vững đối với chất thải ở Việt Nam, cuộc sống của công nhân… “Với tất cả các loại gỗ thải công nghiệp mà tôi thấy, tôi đã tự hỏi làm thế nào để tận dụng tối đa vật liệu này. Điều đó đã dẫn tôi đến ý tưởng sử dụng chúng để thiết kế và tạo ra các sản phẩm mới hoặc tác phẩm sáng tạo. Thông qua quá trình lập thiết kế và kinh nghiệm làm việc trong nhà máy gỗ, tôi có thể sử dụng kỹ năng thiết kế sản phẩm và kinh nghiệm của mình để giúp người lao động hiểu được giá trị của những gì bị bỏ đi. Điều này cũng giúp họ biết thêm về tính kinh tế của vật liệu trong quá trình sản xuất. Tôi đã chỉ cho họ cách sử dụng các vật liệu thừa để tạo ra sản phẩm hữu ích. Điều này giúp hạn chế lượng vật liệu thải ra môi trường” (6). Triển lãm với tinh thần lấy con người làm trung tâm này cũng cung cấp một phương thức hoạt động mới cho những người thực hành sáng tạo, mở rộng cơ hội cải thiện kỹ năng nghề nghiệp cũng như tiếp cận các vật liệu và chất thải công nghiệp sạch.

     Bên cạnh đó, tọa đàm Cách thức mở rộng thực hành, tiếp cận các vật liệu và quy trình mới ở Việt Nam cũng góp phần nâng cao hiệu quả của triển lãm. Nhiều vấn đề thiết thực đã được đưa ra thảo luận trong tọa đàm, nổi bật là vấn đề kết nối các cơ quan, tổ chức liên quan trong ngành văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, công nghiệp sáng tạo và kinh doanh; các khả năng rút ngắn khoảng cách, tăng cường tiếp cận giữa nghệ sĩ và doanh nghiệp; bản sắc dân tộc trong thiết kế sản phẩm thủ công truyền thống; làm thế nào để kích thích sự đổi mới sáng tạo và khám phá tiềm năng của việc liên kết các nhóm trong xã hội.

     Ngoài ra, một chương trình giáo dục dành cho trẻ em từ 8 - 10 tuổi cũng được triển khai gắn với triển lãm. Chương trình gồm 4 nội dung: tham quan trưng bày, kết hợp trao đổi với nhóm nghệ sĩ; thực hành biến rác sạch thành nghệ thuật (rác sạch là những vật liệu bị lỗi hoặc dư thừa sau quá trình sản xuất trong nhà máy, như vụn mút xốp, vải, simili, cước rửa chén, đĩa nhựa, ly giấy, dây vụn các loại…); trưng bày sáng tác của các em; thảo luận và trình bày sở thích cá nhân. Đây là cơ hội để trẻ em tương tác với rác sạch, sáng tạo từ nhiều chất liệu khác nhau và khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ.

     Cải thiện hoạt động giáo dục tại bảo tàng

     Bảo tàng TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục gắn với trưng bày, như trong một số triển lãm về làng nghề truyền thống, nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật trình diễn… Các chương trình giáo dục này cũng có những hoạt động tương tự như hoạt động giáo dục trong khuôn khổ triển lãm Sản xuất sáng tạo. Tuy nhiên, theo bà Đoàn Thị Trang, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông và Quan hệ công chúng của bảo tàng, hoạt động giáo dục của Bảo tàng TP.HCM từ trước đến nay vẫn chủ yếu ở góc độ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đến khi hợp tác thực hiện triển lãm Sản xuất sáng tạo, các cán bộ và nhân viên liên quan của bảo tàng học hỏi được nhiều về việc hình thành ý tưởng, kích thích sự sáng tạo và các thông điệp cụ thể của từng chương trình. Bà Trang khẳng định: “Thông điệp về sáng tạo, bảo vệ môi trường của triển lãm này thực sự là một ví dụ để chúng tôi học hỏi cho việc tổ chức những hoạt động sau này” (7).

     Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến vai trò của các nhà nghiên cứu/ chủ thể văn hóa/ nghệ sĩ/ nhà thiết kế và tình nguyện viên. Việc triển khai đa dạng hoạt động giáo dục ở bảo tàng cần nhiều nguồn nhân lực, đặc biệt trong việc tổ chức các sự kiện tương tác với khách tham quan. Trong khi thực tế số lượng cán bộ giáo dục bảo tàng có hạn, đội ngũ tình nguyện viên là sinh viên từ nhiều trường đại học/ cao đẳng khác nhau sẽ giúp khắc phục điều này. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực trong hoạt động giáo dục của bảo tàng cũng là một khía cạnh mà Bảo tàng TP.HCM có thể học hỏi thông qua triển lãm Sản xuất sáng tạo.

     Giáo dục và phổ biến tri thức khoa học là mục tiêu hàng đầu của bảo tàng. Mặc dù là cơ chế học không chính thức nhưng chức năng giáo dục trong bảo tàng giữ vai trò quan trọng. Để đảm bảo các chức năng giáo dục được tích hợp trong đa dạng hoạt động của bảo tàng và mở rộng đối tượng khách tham quan, thiết nghĩ có một số vấn đề sau cần được các bảo tàng nên xem xét và sớm cải thiện:

     Thứ nhất, cán bộ bảo tàng cần nắm vững thông tin về hiện vật và các sưu tập hiện vật. Khách tham quan đến bảo tàng để học hỏi ý nghĩa, cách thức sản xuất, tính thẩm mỹ, cách sử dụng và ý nghĩa của các hiện vật trong môi trường văn hóa cụ thể.

     Thứ hai, đổi mới và đa dạng hóa cách thức tương tác giữa khách tham quan và trưng bày, trong đó nhấn mạnh khả năng kết nối giữa cuộc sống và những kinh nghiệm của khách tham quan với cuộc sống và nền văn hóa được giới thiệu trong trưng bày. Chẳng hạn, gửi lời mời khách miêu tả những điều họ cảm nhận được; so sánh những điều họ nhìn thấy trong bảo tàng với môi trường sống hay kinh nghiệm của bản thân họ; mối quan tâm của họ và khả năng thích ứng của họ trong một hoàn cảnh hay bối cảnh đặc biệt... Mục đích cuối cùng của việc tương tác này vẫn là khơi gợi người xem khám phá, tham gia và hiểu những vấn đề trong cuộc sống một cách sâu sắc hơn.

     Thứ ba, cải thiện hình thức và phương pháp nghiên cứu, điều tra xã hội học về khách tham quan để đưa ra những giải pháp thích hợp đáp ứng nhu cầu của họ, trong đó tập trung vào yếu tố: sự gần gũi hơn giữa bảo tàng và công chúng.

     Thứ tư, mở rộng phương thức kết hợp các chương trình và hoạt động giáo dục bảo tàng với những mong đợi và nhu cầu của các đối tượng khách tham quan khác nhau; tăng cường các hoạt động đáp ứng những mối quan tâm của đa dạng công chúng.

     Sứ mệnh của một bảo tàng là lưu truyền tri thức. Vấn đề thách thức là thu hút sự chú ý của công chúng, mời họ tham gia vào hành trình của mỗi bảo tàng. Trong công việc này, cán bộ giáo dục ở bảo tàng giữ vai trò như người dẫn đường của khách tham quan, đảm bảo cho khách có thể tiếp cận được các bộ sưu tập thông qua việc chuẩn bị và giới thiệu chương trình giáo dục một cách công phu và hấp dẫn. Bên cạnh đó, bảo tàng phải tìm cách gia tăng số lượng khách tham quan, mở rộng phạm vi đối tượng khách thăm thường xuyên với tinh thần chủ động hướng tới công chúng nhiều hơn nữa.

     Bảo tàng là nơi gặp gỡ tuyệt vời giữa những hiện vật và ý tưởng sáng tạo cho mọi người thuộc nhiều lứa tuổi, có những mối quan tâm khác nhau, có năng lực và hiểu biết khác nhau. Giáo dục bảo tàng củng cố sự gặp gỡ đó bằng cách xây dựng cầu nối giữa những kinh nghiệm và mong đợi của người xem với kinh nghiệm và ý tưởng nổi bật trong những sưu tập của bảo tàng. Như một nhà thiết kế trong triển lãm Sản xuất sáng tạo đã tâm sự: “Triển lãm này cho tôi những trải nghiệm mới trong sự nghiệp của mình, cũng như làm sâu sắc thêm kiến thức về các công nghệ mới để chia sẻ trong công tác sư phạm về để đào tạo các nhà thiết kế trẻ” (8).

____________

     1, 3. Gary Edson, David Dean (Lê Thị Thúy Hoàn dịch), Cẩm nang bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr.403, 410, 411, 412.

     2. Kaulen M.E, Sự nghiệp bảo tàng của nước Nga, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội, 2006, tr. 415

     4. Vương Hoằng Quân, Cơ sở bảo tàng học Trung Quốc, Cục Di sản Văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.459, 460.

     5. Trích phỏng vấn Lê Giang, tác giả của một số tác phẩm trong triển lãm.

     6. Trích phỏng vấn Nguyễn Huy Biển, tác giả của một số tác phẩm trong triển lãm.

     7. Trích phỏng vấn Đoàn Thị Trang, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông và Quan hệ công chúng, Bảo tàng TP.HCM.

     8. Trích phỏng vấn Lương Thị Minh Hoa, tác giả của một số tác phẩm trong triển lãm.

     

Tác giả: Phạm Lan Hương - Nguyễn Thị Thu Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

;