Ninh Bình, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của 3 triều đại: Đinh, tiền Lê, Lý, là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam từ TK X. Ninh Bình là vùng quê có vốn ca nhạc cổ truyền nằm trong những sinh hoạt ca nhạc cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây quy tụ nhiều thể loại ca hát - diễn xướng dân gian cùng với nhiều lễ hội cổ truyền mang đậm sắc thái văn hóa cư dân lúa nước đồng bằng Bắc Bộ. Tiêu biểu là các loại hình nghệ thuật biểu diễn: chèo, múa rối nước, hát ru, cò lả, hát xẩm, hát văn, ca trù, đối đáp giao duyên... Những năm gần đây, hoạt động biểu diễn nghệ thuật (BDNT) tại tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ninh Bình là cái nôi của nghệ thuật chèo từ thời vua Đinh. Hiện nay, Nhà hát Chèo Ninh Bình là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, chịu sự quản lý trực tiếp của Sở VHTT. Thành lập từ năm 1959, trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, có những bước đi vững chắc, khẳng định vị trí của một đơn vị nghệ thuật đối với sự phát triển, đi lên của tỉnh, Nhà hát Chèo Ninh Bình đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật tỉnh nhà, để lại trong lòng công chúng yêu nghệ thuật sân khấu Ninh Bình và cả nước những dấu ấn, tình cảm đáng quý. Nhà hát chú trọng khôi phục các vở chèo truyền thống mẫu mực, gìn giữ và phát huy nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo của quê hương và dân tộc qua việc nghiên cứu, sưu tầm, dàn dựng các chương trình múa hát dân gian, các tiết mục hát văn, hát xẩm… Các nghệ sĩ diễn viên luôn không ngừng học hỏi, cố gắng tập luyện để khẳng định tài năng trong các kỳ liên hoan, hội diễn và biểu diễn phục vụ nhân dân.
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn của tỉnh, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài và các tỉnh bạn đến biểu diễn tại Ninh Bình cũng rất sôi động. Từ năm 2013-2017, có 126 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tỉnh ngoài tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hầu hết các đơn vị tổ chức biểu diễn với mục đích kinh doanh, bán vé thu tiền. Một số ít các đơn vị tổ chức biểu diễn phục vụ hội chợ và các sự kiện quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp thương mại. Ngoài các hoạt động tổ chức BDNT nhằm mục đích thương mại, nhiều hoạt động với các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nước đã biểu diễn tại Ninh Bình với mục đích phục vụ các sự kiện, nhiệm vụ chính trị lớn của tỉnh và đất nước. Nhìn chung, các chương trình nghệ thuật này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Song song với các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, phong trào BDNT quần chúng của Ninh Bình cũng được quan tâm và phát triển tốt. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 1.112 đội văn nghệ, câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng của các xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố và 297 đội văn nghệ, câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh với sự tham gia của các hạt nhân văn nghệ địa phương là các diễn viên, nhạc công không chuyên. Nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ đã tự trang bị thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang phục và nhạc cụ. Các địa phương đã quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa văn nghệ, huy động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, đơn vị và cá nhân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Hàng năm, các đội văn nghệ, câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng đều xây dựng những chương trình mới để biểu diễn phục vụ, giao lưu tại địa phương, tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh.
Trong những năm qua, hoạt động BDNT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng đi vào nền nếp, thúc đẩy các loại hình nghệ thuật phát triển, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, góp phần giáo dục, định hướng về thẩm mỹ, phong cách, đạo đức, lối sống đến người xem, nhất là giới trẻ.
Là một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động BDNT. Sở VHTT Ninh Bình đã thực hiện tốt quy trình, thủ tục cấp giấy phép, tiếp nhận hồ sơ tổ chức BDNT, trình diễn thời trang theo đúng quy định hiện hành, không gây phiền hà cho đơn vị đến xin cấp phép. Trong quá trình tổ chức BDNT, hầu hết các cơ quan, đơn vị nghệ thuật đều thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không để xảy ra những sai phạm lớn.
Trong những năm qua, Ninh Bình đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động BDNT, đặc biệt, trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Năm 2005, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 122/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển Đoàn Nghệ thuật Ninh Bình (nay là Nhà hát Chèo Ninh Bình). Tại quyết định này, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với Nhà hát Chèo - đơn vị tổ chức BDNT chuyên nghiệp duy nhất của tỉnh như: chi phí quản lý hành chính, tiền lương, xây dựng tiết mục, bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn, quy định chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm... Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm”. Để thực hiện đề án, tỉnh đã mời các nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú ở Trung ương và địa phương sưu tầm các làn điệu, các bài hát xẩm cổ truyền, biên soạn chương trình và trực tiếp truyền dạy nghệ thuật hát xẩm cho các diễn viên, nhạc công Nhà hát chèo Ninh Bình, các diễn viên quần chúng ở xã Yên Phong, các xã lân cận thuộc huyện Yên Mô. Sau khi được truyền nghề, các học viên đã dàn dựng, biểu diễn chương trình hát xẩm, thực hiện việc ghi hình, thu tiếng nhằm giới thiệu, quảng bá sâu rộng nghệ thuật hát xẩm tới công chúng. Song song với việc tổ chức các hoạt động, Ninh Bình luôn quan tâm coi trọng công tác đào tạo cán bộ làm văn hóa. Đến nay, công tác đào tạo đã mang lại kết quả bước đầu. Số cán bộ nghiệp vụ và quản lý cấp tỉnh phần lớn đều được đào tạo cơ bản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Lực lượng cán bộ tại tỉnh và cấp huyện cũng như cơ sở được phân bổ tương đối đồng đều, không có sự chênh lệch quá lớn về số lượng cũng như chất lượng. Mặt mạnh của nguồn nhân lực ngành văn hóa tỉnh Ninh Bình là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trình độ chuyên môn đại học có tỷ lệ cao. Nhìn chung, cán bộ được bố trí đúng nghề nghiệp chuyên môn. Tuổi đời còn khá trẻ, có 2/3 tổng số cán bộ biên chế trong độ tuổi từ 30-45.
Sở VHTT luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tổ chức biễn diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh các hoạt động tổ chức BDNT đi vào nề nếp và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật. Hoạt động BDNT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực. Các sai phạm thường xảy ra trong những năm trước như: tổ chức hoạt động BDNT không có giấy phép, hoặc có giấy phép nhưng thực hiện không đúng với nội dung giấy phép và quảng cáo không đúng với nội dung, thời gian chương trình, biểu diễn; mạo danh, sử dụng không đúng tên, nghệ danh của ca sĩ; sử dụng thiết bị thu âm trước để thể hiện thay cho biểu diễn thật; sử dụng những bài hát chưa được phép phổ biến, người biểu diễn tự ý thêm bớt lời ca, sử dụng động tác biểu diễn, trang phục phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc… đã giảm đáng kể. Phòng VHTT các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động BDNT tại địa phương và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên địa bàn.
Nhìn chung, bên cạnh những mặt mạnh, nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có hoạt động BDNT còn tồn tại một số mặt hạn chế nhất định như: số cán bộ được đào tạo cơ bản, bồi dưỡng và đào tạo nâng cao qua các năm đã tăng, nhưng vẫn thấp so với yêu cầu, nhiều cán bộ đã lớn tuổi, đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị kỹ. Một số tồn tại hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như: quảng cáo không đúng sự thật, tổ chức biểu diễn không đúng nội dung trong giấy phép, một số đoàn nghệ thuật đến các cơ quan, đơn vị, trường học nài ép, vận động nhân dân mua vé xem biểu diễn gây bức xúc trong dư luận. Kinh phí nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa hiện nay còn rất hạn chế, trang thiết bị đều trong tình trạng lạc hậu, chắp vá, thiếu thốn và hiệu quả sử dụng không cao. Hệ thống các nhà nhà văn hóa, trung tâm văn hóa đều chật hẹp, trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hầu như không đáp ứng được yêu cầu BDNT chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các Sở VHTT chưa chặt chẽ trong quá trình cấp giấy phép và tiếp nhận hồ sơ tổ chức BDNT, dẫn đến tình trạng tổ chức, doanh nghiệp núp dưới danh nghĩa từ thiện và giả mạo giấy phép để vào địa phương tổ chức BDNT nhằm trục lợi.
Từ những thực trạng trên, trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh: cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, Đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của hoạt động BDNT, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, sự tham gia xây dựng hoạt động nghệ thuật truyền thống của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cần đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ làm công tác văn hóa. Các đoàn nghệ thuật cần xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc phục vụ nhân dân và khách du lịch; xây dựng, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị nghệ thuật địa phương một cách thống nhất, khoa học, xem trọng việc cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật, tạo hành lang pháp lý để công tác quản lý hoạt động nghệ thuật được tiến hành đồng bộ. Cần hoàn thiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa trong đó có hoạt động BDNT nhằm thu hút sự đầu tư của các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế cho các hoạt động sáng tạo, phổ biến sản phẩm văn hóa. Mặt khác, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án bảo tồn nghệ thuật truyền thống đã được trung ương và tỉnh phê duyệt. Phát huy hiệu quả công tác sưu tầm và nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi, truyền dạy và quảng bá, có cơ chế chính sách cho đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để thu hút các nghệ sĩ, diễn viên tài năng, xây dựng những tác phẩm nghệ thuật sân khấu đỉnh cao ở mỗi loại hình nghệ thuật, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chất lượng cao phục vụ có hiệu quả công tác chính trị của tỉnh cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức và hoạt động nghệ thuật của nhân dân. Có như vậy, nghệ thuật sân khấu truyền thống chuyên nghiệp và phong trào nghệ thuật quần chúng mới đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khán giả, là cơ sở để nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát triển đúng hướng trong xu thế mở cửa, hội nhập hiện nay.
Tác giả : Lê Thị Hoài Thanh
Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018