CHẤT LIỆU ĐIÊU KHẮC QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VỀ ĐỀ TÀI THIẾU NHI

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 vẫn thu hút được đông đảo đối tượng họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia ở các tỉnh thành trong cả nước. Có nhiều đề tài được phản ánh trung thực và được thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình đa dạng, trong đó có hình ảnh thiếu nhi, góp phần tạo nên sự thành công cho triển lãm. Bài viết này đề cập đến những tác phẩm điêu khắc sáng tác về thiếu nhi và nhìn từ góc độ chất liệu, phần nào cho thấy vị trí của chủ đề này trong dòng chảy chung của mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, có không quá 10 tác phẩm điêu khắc sáng tác về đề tài thiếu nhi. Song được thấy xuất hiện ở các chất liệu và cách thể hiện khác nhau, nhưng tập trung vẫn là những chất liệu truyền thống như: gỗ, đá, kim loại... Được các nghệ sĩ thể hiện theo phong cách hiện thực cùng các chất liệu truyền thống, những tác phẩm điêu khắc về thiếu nhi vẫn trở nên gần gũi với công chúng.

Có thể thấy, chất liệu gỗ mang nhiều lợi thế của mỹ cảm truyền thống dân tộc. Do khả năng tạo khối của chất liệu này thường mộc mạc, tình cảm, gỗ chỉ phù hợp với thể loại tượng tròn bày trong nội thất bởi chất liệu gỗ không phù hợp với nắng mưa của thời tiết. Ở nhiều triển lãm gần đây, nhất là vào những năm đầu của TK XXI đã xuất hiện một số tác phẩm theo xu hướng hiện đại, báo hiệu sự bắt kịp với xu hướng của thế giới, nhưng vẫn bảo đảm được tính dân tộc qua chất liệu này. Các tác phẩm Vú mẹ của Tạ Quang Bạo, Tây Bắc của Vũ Văn Hợp, Trăm năm trồng người của Đinh Rú, Niềm vui của bà của Huỳnh Đang Viên, Mẫu tử của Nguyễn Minh Thùy... được thể hiện với lối tạo hình đơn giản, súc tích, các khối trên cơ thể nhân vật được chú ý. Tác phẩm Vú mẹ gợi vẻ đẹp chân thực, căng đầy, tròn trịa tạo sự rung động về bề mặt của khối trên chất liệu gỗ. Có lẽ đây là tác phẩm mang đề tài thiếu nhi được tác giả lược bỏ những yếu tố trang trí để tập trung tới cái đẹp tinh giản, nhẹ nhàng mà gợi cảm.

 Nhìn chung, các tác phẩm sáng tác về thiếu nhi qua chất liệu gỗ chủ yếu vẫn là những tượng tròn, hoặc kiểu dáng có thể phóng thành tượng đài nhưng có kích thước nhỏ. Hầu hết, các nhà điêu khắc biết lấy yếu tố biểu cảm trên tác phẩm bằng màu sắc nâu vàng của gỗ hoặc những vân gỗ tự nhiên cũng góp phần làm tăng tính trang trí của tác phẩm khi để mộc, không sơn.   Chất liệu gỗ trong điêu khắc có tiếng nói riêng, nhưng không thể tách khỏi yếu tố hình khối, đường nét, là những yếu tố quan trọng trong điêu khắc.

Riêng chất liệu kim loại, ở Việt Nam, từ đầu những năm 90 TK XX, mới có nhiều nhà điêu khắc sử dụng. Nếu như chất liệu gỗ chỉ phù hợp với tác phẩm tượng tròn nhỏ, bày trong nhà thì kim loại lại mang tính ứng dụng rộng hơn, bền chắc nên được sử dụng với những tác phẩm có kích thước lớn, bày đặt ở không gian ngoài trời. Tuy xuất hiện muộn nhưng chất liệu này nhanh chóng góp thêm vào sự phát triển đa dạng, phong phú về ngôn ngữ và hình thức biểu hiện của điêu khắc hiện đại Việt Nam. Việc sử dụng chất liệu kim loại sáng tác về hình tượng thiếu nhi, được xem như là dấu mốc của các triển lãm mỹ thuật toàn quốc mang tính định kỳ. Các tác phẩm về hình tượng thiếu nhi hoàn toàn với chất liệu kim loại hoặc kim loại kết hợp với nhiều chất liệu khác để tạo nên tác phẩm như Trăng quê (gò nhôm) của Nguyễn Xuân Tiên, Phiên chợ chiều (đồng mạ) của Phạm Thái Bình, Lời ru (tổng hợp) của Nguyễn Văn Chước, Khoảng trời mơ ước của Hoàng Thùy Linh… Chất liệu kim loại phù hợp với những mảng đề tài và khuynh hướng hiện đại, khối trong chất liệu kim loại đã giúp cho các nghệ sĩ trẻ dễ thể hiện thành công những ý tưởng sáng tác của mình một cách táo bạo.

Trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, chúng ta như thấy có sự thay đổi và phát triển đa dạng trong việc sử dụng chất liệu khi sáng tác điêu khắc. Tác phẩm Trăng quê của Nguyễn Xuân Tiên có lối tạo hình hai nhân vật ngồi đăng đối trên đầu trâu thổi sáo, nét ngây thơ hồn nhiên không chỉ được thể hiện trên khuôn mặt tròn đầy trong sáng của nhân vật mà còn gợi tính trữ tình, lãng mạn trong tác phẩm. Tư thế ngồi tựa lưng vào nhau của hai em thiếu nhi, chân duỗi thẳng cho người xem cảm giác ít trọng lượng khi hai em thiếu nhi bồng bềnh trên biểu tượng trâu gắn bó mật thiết với kỷ niệm về ký ức đồng quê. Bằng cách xây dựng hình tượng nghệ thuật không gian ba chiều trên phù điêu nhôm, tác giả đã không ngần ngại khi khai thác câu chuyện tưởng rất đỗi thân quen nhưng thật sâu sắc với ký ức tuổi thơ của nhiều người. Tác giả đã khéo léo sử dụng nét khắc, vạch tạo độ thô nhám để yếu tố trang trí được nhấn mạnh, tạo ra sự hài hòa trên tổng thể tác phẩm như nét mặt, tóc của hai em thiếu nhi, biểu tượng nét của hình mây, hình trăng cũng như các chi tiết ở hình xoáy âm dương, sừng trâu... Thành công của tác phẩm chính là ngôn ngữ biểu đạt chất liệu nhôm kết hợp với khả năng xử lý kỹ thuật thuần thục của tác giả. Tính hiện thực được kết hợp với yếu tố trang trí làm tăng thêm vẻ đẹp riêng cho tác phẩm. Trong khi các nghệ sĩ trẻ đi tìm những mảng khối kỷ hà, tự do trong ngôn ngữ, tạo cảm giác về trọng lượng thì nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên lại thể hiện tác phẩm Trăng quê như một ký ức về đời sống hiện thực, thông qua hình tượng thiếu nhi tác giả cho thấy tính triết lý về những giá trị của cuộc sống nhân sinh.

Chất liệu gốm sành, đất nung cũng được các nhà điêu khắc ưa thích bởi bởi đặc tính giản dị, mộc mạc mà gần gũi với cuộc sống thường nhật của nó. Hơn nữa, để hoàn thiện tác phẩm, phải trải qua một quá trình nung với lửa, tạo ra những kết quả rất bất ngờ về vẻ ngoài. Bản thân chất liệu đất nung đã mang tiếng nói riêng, vì vậy những chủ đề mà nhà điêu khắc thể hiện phù hợp với ngôn ngữ và chất liệu nó sẽ tạo ra hiệu quả cao cho việc làm nên vẻ đẹp của tác phẩm. Tuy nhiên, có lẽ do đặc thù của đề tài về thiếu nhi với những giới hạn nhất định trong nguyên tắc tạo hình, nên vẫn chưa có nhiều tác phẩm sáng tác trên chất liệu này ở Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015.

Đá được xem là chất liệu điêu khắc truyền thống của Việt Nam đứng sau chất liệu gỗ, nhiều nhà điêu khắc đã thể hiện thành công chất liệu đá cho các tác phẩm của mình. Khác với chất liệu khác, đá là một trong những chất liệu phù hợp với việc làm tượng trong nhà và cả ngoài trời bởi sự bền chắc khả năng có được các kết cấu khối lớn. Chất liệu đá mang tính bền vững, cứng rắn, yêu cầu nghệ sĩ phải có kỹ thuật chế tác điêu luyện. Những tác phẩm điêu khắc đá ngoài trời mang hình tượng thiếu nhi ít xuất hiện hơn những đề tài khác. Riêng trong Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, sáng tác đáng lưu ý về đề tài thiếu nhi có Lòng mẹ của Vũ Văn Sang.

Trong triển lãm này, một số sáng tác điêu khắc với chất liệu tổng hợp về đề tài thiếu nhi cũng đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Có thể kể đến Lời ru của tác giả Nguyễn Văn Chước, đạt giải Khuyến khích. Tác phẩm diễn tả hình ảnh ba bà cháu ngồi trên chiếc võng khuôn mặt bà đã nhiều nếp nhăn, một tay quạt cho em bé đang nằm ngủ một tay ôm em bé ngồi dựa vào đùi bà, sự mô tả khối khá hiện thực, uyển chuyển. Tác giả Hoàng Thùy Linh với tác phẩm Khoảng trời mơ ước chất liệu composite, lại là hình ảnh hai em bé đang ngửa mặt lên trời với vòng tròn lớn tay trái của người chị vừa đỡ em nhỏ ngồi trên vòng tròn vừa như đang hòa cùng sự bao la của đất trời. Tất cả các tác phẩm nêu trên đều thể hiện thành công ngôn ngữ chung của nghệ thuật điêu khắc, đó là cách tả khối, không gian phù hợp với nội dung tác phẩm.

Có thể nói, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 cho thấy so với hội họa, các tác phẩm điêu khắc sáng tác về đề tài thiếu nhi còn hạn chế về số lượng. Thực tế, đội ngũ sáng tác điêu khắc luôn ít hơn đội ngũ sáng tác các loại hình hội họa, đồ họa. Bên cạnh đó, đề tài về thiếu nhi tưởng chừng đơn giản nhưng lại có những quy ước nhất định trong ngôn ngữ biểu đạt, không dễ dàng tự do thể nghiệm như với những đề tài chung chung về cuộc sống hoặc đời sống nội tâm con người. Chính vì thế, nếu nghệ sĩ không giỏi kỹ thuật xử lý chất liệu và vững vàng về ngôn ngữ tạo hình, tâm huyết với đề tài thể hiện, sẽ rất dễ sa vào lối mòn nệ thực.

Có thể nói, trong hoàn cảnh văn hóa xã hội Việt Nam, sáng tác nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, về hình tượng thiếu nhi như là thông điệp gắn kết mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội. Riêng trong lĩnh vực điêu khắc, ngày càng có nhiều chất liệu mới được thể nghiệm, nghiên cứu, sáng tác. Đó cũng là điều tất yếu bởi xã hội càng phát triển, càng tạo điều kiện cho những thể nghiệm sáng tác đi đến nhiều hứa hẹn. Thực chất, mỗi chất liệu chứa đựng một vẻ đẹp đặc thù riêng và nó cũng đòi hỏi những kỹ thuật xử lý riêng. Sự phong phú đa dạng về chất liệu đã tạo ra sự phong phú cho hình thức thể hiện. Cuộc sống kinh tế đất nước đổi thay, từng đặt ra nhiều vấn đề, nhiều yêu cầu đối với nghệ thuật và từng tác giả điêu khắc đã phần nào nắm bắt được nhu cầu đời sống xã hội, nhiều nghệ sĩ đã biết lựa chọn và khai thác được chất liệu phù hợp. Xây dựng hình tượng thiếu nhi thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình nhằm kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục chính trị, khoa học, đạo đức và thẩm mỹ trong giai đoạn độ tuổi thiếu nhi, hình thành văn hóa thẩm mỹ của mỗi cá nhân và rộng ra là của toàn xã hội.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : DƯƠNG THANH NGỌC

;