C.Mác, nhà tư tưởng thiên tài của nhân loại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động toàn thế giới. Thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của C.Mác đã vượt lên trên tất cả những hệ thống lý luận đã có bởi bản chất khoa học, cách mạng, giá trị trường tồn cùng lịch sử nhân loại. Trước sự xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khẳng định khả năng nhận thức, trình độ chinh phục tự nhiên của con người rất lớn, đồng thời cũng tạo ra những thách đố mới cho các lý luận đã có, trong đó có tư tưởng của C.Mác. Nhân kỷ niệm lần thứ 200, ngày sinh, một lần nữa khai thác, làm rõ, khẳng định những giá trị bền vững tư tưởng của C.Mác trước những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rất cần thiết.
C.Mác sinh ra, trưởng thành trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, gắn với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng như giai cấp tư sản bước lên vũ đài thống trị thế giới và với những thành tựu của khoa học tự nhiên cuối TK XIX. Với thiên tài và đức tính hy sinh, lao động quên mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại, C.Mác đã cùng với người bạn vĩ đại, Ph.Ăng ghen sáng tạo ra một học thuyết thật sự cách mạng, khoa học. Tư tưởng của C.Mác thể hiện rõ thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng, phản ánh đúng bản chất, quy luật chung nhất của cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Tư tưởng ấy đã cho phép C.Mác khắc phục được cuộc khủng hoảng thế giới quan trước những bước tiến của khoa học tự nhiên đương thời, mở đường cho các loại khoa học phát triển. Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu rực rỡ, phát hiện ra nhiều đặc trưng, thuộc tính mới lạ cả về vĩ mô và vi mô như một điều khó tưởng. Tuy nhiên, với tính chất mở của phép biện chứng duy vật thì tư tưởng của C.Mác vẫn mở ra chân trời bao la cho các khoa học phát triển. Cùng với nó là tư tưởng về tính vô hạn của không gian vật chất, tính vô cùng tận của nhận thức con người làm cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có phát triển đến đâu, với những thành tựu gì cũng không thể vận động hết tầm định hướng trong tư tưởng của C.Mác. Đánh giá về giá trị của phép biện chứng duy vật, Ph.Ăng ghen chỉ rõ: “Có lẽ hầu như chỉ có Mác và tôi là những người đã tự đề ra cho mình nhiệm vụ cứu phép biện chứng tự giác” (thoát khỏi sự phá hoại của chủ nghĩa duy tâm, kể cả chủ nghĩa Hêghen) “để đưa nó vào trong quan điểm duy vật về tự nhiên” (1).
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu kỳ diệu không chỉ trong khám phá, mà còn cải tạo thế giới của con người. Vai trò của trí tuệ, tri thức khoa học không ngừng nâng cao. Cuộc cạnh tranh trong phát triển giữa các quốc gia chủ yếu ở trình độ tư duy, trình độ dân trí của dân tộc hơn cao hay thấp. Khoa học từng bước “trở thành” lực lượng sản xuất, có sức mạnh như sức mạnh vật chất. Mặc dù vậy, nhưng vẫn không đưa tư tưởng của C.Mác vào tính lạc hậu hay bị phủ định, cần thay thế. Tư tưởng về “sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp…” (2) càng cho thấy một dự báo xa, sớm và thật sự khoa học của C.Mác mà ngày nay càng rõ về tính hiện thực. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là đã chứng minh và hiện thực hóa tri thức, khoa học, trí tuệ có sức mạnh vật chất trong cải tạo thế giới. Quá trình thực hóa ấy đã đưa năng suất lao động lên cao chưa từng thấy và càng làm sâu sắc hơn, đúng đắn hơn dự báo của C.Mác. Tư duy của C.Mác thể hiện rõ vượt tầm thời đại.
Trước những bước tiến của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng xuất hiện nhiều lý thuyết về phát triển. Trong đó nổi bật nhất là lý thuyết của A.Vintoppler về sự thay thế các nền văn minh. Lý thuyết ấy cũng có những cống hiến nhất định, nhưng xét trên tổng thể thì chưa thể là khoa học. Xem xét phát triển của lịch sử không thể đơn tuyến như theo lý thuyết của A.Vintoppler. Vì thế, không thể vượt qua được tư tưởng của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội. Lý luận hình thái kinh tế xã hội thể hiện một phương pháp có tính tổng hợp cao nhất về sự phát triển xã hội, do tác động biện chứng của tất các yếu tố cấu thành xã hội, đồng thời tuân theo tính trình lịch sử tự nhiên. Lý luận hình thái kinh tế xã hội cho thấy tất cả các hiện tượng xã hội tưởng như là hỗn loạn ngẫu nhiên theo, nhưng vẫn theo một trật tự hợp lôgic, tính quy luật khách quan. Nó cho phép xem xét toàn bộ lịch sử với các giai đoạn, các nấc thang, các trình độ tiếp nối nhau, hợp quy luật. Qua lý luận hình thái kinh tế - xã hội cho phép xác định rõ trình độ, đặc điểm một giai đoạn một trong chuỗi phát triển từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của toàn bộ lịch sử nhân loại. Lý luận hình thái kinh tế xã hội đã chứng minh trong lịch sử không có lý thuyết nào phản ánh quy luật phát triển xã hội ở trình độ khái quát cao và khoa học hơn C.Mác.
C.Mác còn vận dụng lý luận hình thái kinh tế xã hội vào giải phẫu chủ nghĩa tư bản, phát hiện ra quy luật hình thành, phát triển và diệt vong tất yếu của nó từ cuối TK XIX. Qua phân tích, giải phẫu chủ nghĩa tư bản, C.Mác đã phơi bầy toàn bộ bản chất bóc lột tinh vi, chính trị phản động và sự suy đồi về đạo đức, lối sống, văn hóa, đặc biệt là sự tha hóa con người trong xã hội tư bản. C.Mác luận chứng có sức thuyết phục về đại công nghiệp và giai cấp vô sản là vũ khí cũng như người sử dụng vũ khí ấy để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản cho ra đời chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của đại công nghiệp và giai cấp vô sản làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với với quan hệ sản xuất trong xã hội tư bản có đặc điểm riêng và ở trình độ cao nhất trong xã hội hiện đại. C.Mác chỉ rõ: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại...” (3); “giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội” (4). Nhờ đó, mà C.Mác có cơ sở khẳng định sự ra đời cũng như sự diệt vong của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa là tất yếu như nhau.
Tư tưởng ấy của C.Mác càng được rõ trong thời đại phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng 4.0 được vận dụng vào quá trình sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển với tốc độ ngày càng gia tăng, càng thúc đẩy mâu thuẫn với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa lên cao. Sự tồn tại của mâu thuẫn này là cơ sở cho khẳng định sự thay thế chủ nghĩa tư bản là không tránh khỏi. Mặc dù hiện nay, chủ nghĩa tư bản có những thích nghi, điều chỉnh, nhưng với bản chất bóc lột thì cũng có giới hạn. Tính giới hạn ấy sẽ đẫn đến sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội và chứng minh tính khoa học, cách mạng, giá trị bền vững tư tưởng của C.Mác trong lý luận hình thái kinh tế xã hội.
Tư tưởng của C.Mác về học thuyết giá trị thặng dư được đánh giá là một trong hai phát kiến vĩ đại nhất của nhân loại bên cạnh lý luận chủ nghĩa duy vật lịch sử. Qua lý luận về giá trị thặng dư, C.Mác đã bóc trần bản chất bóc lột tinh vi và tàn bạo chưa từng có trong lịch sử của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân. Sự bóc lột ấy là một trong những nhân tố quyết định những bất ổn trong lòng xã hội tư bản, biểu hiện ở khủng hoảng theo chu kỳ và ở sự lớn mạnh giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng. Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giai cấp công nhân có nhiều biến đổi, đặc biệt về cơ cấu giai cấp. Nhưng dù thế nào, họ vẫn là người bị bóc lột về kinh tế, bị áp bức về chính trị, bị nô dịch về văn hóa. Trong xã hội tư bản, văn minh càng cao, khoa học càng phát triển thì văn hóa, đạo đức, lối sống, bạo lực, bất ổn càng lớn. Nó như một mâu thuẫn vốn có mà chính bản thân giai cấp tư sản không thể khắc phục. Nhận xét về mâu thuẫn ấy, Federico Mayor, nguyên Tổng thư ký UNESCO nhận xét: “Chưa bao giờ như ngày nay, sự căng thẳng về khoa học và lương tâm, giữa kỹ thuật và đạo đức lên tới cực điểm đã trở thành mối đe dọa toàn thế giới” (5). Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giai cấp công nhân vẫn là lực lượng quyết định số phận của chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng của C.Mác về “những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản” (6) vẫn còn nguyên giá trị hiện nay.
C.Mác là nhà tư tưởng có công lao lớn nhất trong lịch sử, bởi ông đã giải đáp được những thách đố lớn nhất của nhân loại, không chỉ trong thời đại của mình, mà còn vượt thời đại đến xuất hiện cuộc cách mang công nghiệp 4.0. V.I. Lênin đánh giá: “Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã nêu ra” (7). Trước những bước phát triển mới của thời đại ngày nay, không chỉ những người cộng sản chân chính, mà còn cả những nhà khoa học có lương tri cũng phải thừa nhận tầm vóc lớn lao của C.Mác. Jack Derrida thừa nhận rằng: “Tất cả mọi người trên toàn trái đất này, dù họ muốn, họ biết hay là không, đều là những người kế thừa của Mác và chủ nghĩa Mác với một mức độ nhất định”; và “luôn luôn sẽ là một sai lầm, nếu không đọc đi đọc lại và tranh luận những tác phẩm của Mác... Đó sẽ càng ngày càng là một sai lầm, một sự thiếu trách nhiệm về mặt lý luận, triết học và chính trị... Sẽ không có tương lai khi không có trách nhiệm đó. Không có nếu không có C.Mác, không có tương lai mà lại không có Mác. Nếu không có ký ức về Mác và không có di sản của Mác” (8).
Sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay không thể không có tư tưởng, sự định hướng của C.Mác. Vấn đề làm rõ những nội dung cơ bản, giá trị bền vững tư tưởng của C.Mác là lương tâm, là trí tuệ, là tình cảm cũng như trách nhiệm đối với một thiên tài xuất chúng đã hiến dâng toàn bộ tâm lực, trí lực cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, nhân loại, con người thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Một mặt, tiếp tục nghiên cứu, phát triển tư tưởng, củng cố niềm tin và vận dụng sáng tạo vào từng điều kiện cụ thể để đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên là biểu hiện cụ thể nhất sự tôn vinh C.Mác. Quán triệt quan điểm của V.I.Lênin về: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản” (9) để củng cố niềm tin, ý chí bảo vệ tư tưởng của C.Mác hiện nay. Mặt khác, đấu tranh, phê phán những quan điểm của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận giá trị tư tưởng của C.Mác một cách thiết thực và hiệu quả. C.Mác - nhà tư tưởng vượt thời đại - nhà tư tưởng không chỉ của TK XIX, của TK XX, mà còn là nhà tư tưởng vĩ đại của TKXXI.
______________
1. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 26, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.63.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 46, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.372.
3, 4, 6. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.603, 601, 610.
5. Tạp chí Người Đưa tin UNESCO, số tháng 5-1998.
7, 9. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.49, 50.
8. Jack Derrida, Những bóng ma của Mác, Nxb Chính trị Quốc gia và Tổng cục II Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 1994, tr.149.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018
Tác giả : TRỊNH ANH TUẤN