Bước đầu tìm hiểu sự thích ứng lối sống của người dân tái định cư ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Tái định cư (TĐC) là một thách thức đối với mỗi người dân ở vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh khi bị di dời. Trước các tác nhân, những thay đổi, sự xuất hiện các hiện tượng văn hóa mới như một lẽ thường tình bắt buộc con người phải thích nghi, thay đổi để ổn định cuộc sống. Con người muốn tìm một cuộc sống tốt nhất cho mình, ổn định tâm lý an cư lạc nghiệp. Trên cơ sở là sự bắt buộc chuyển đổi thì con người chuẩn bị sẵn sàng tâm lý khi chuyển tới không gian sinh tồn mới. Lối sống tại địa bàn TĐC là một thành tố trong tổng thể các thành tố văn hóa của người dân nơi đây để tạo ra một chỉnh thể xã hội thống nhất, hài hòa.

Thích ứng về điều kiện sinh hoạt

Sự thay đổi về nơi ở đã dẫn đến thay đổi về điều kiện sinh hoạt. Thực tế cho thấy, trong môi trường cư trú mới sau gần 10 năm chuyển nơi ở thì người dân đã thay đổi về nhận thức, tư duy, sáng tạo để ổn định cuộc sống.

Theo khảo sát của tác giả trong quá trình đi điền dã năm 2018, các hộ gia đình chuyển cư lên địa bàn TĐC ở Kỳ Anh được cấp đất ở. Mọi người dân ở đây đều cho rằng cuộc giao đất ở TĐC cho người dân được diễn ra minh bạch, công khai, thỏa mãn với họ.

Trước đây, khi còn sống tại địa bàn cũ tại làng ven biển, các hộ gia đình chủ yếu sống trong căn nhà cấp 4, lợp prô xi măng. Trong đó, vợ chồng, con cái chung nhau một không gian sống khá chật hẹp để sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, học tập. Việc này nảy sinh nhiều bất tiện nhưng vì điều kiện khó khăn, kinh tế không đủ để xây dựng nhà mới. Đến nay, có tiền hỗ trợ của đền bù TĐC, đất đai đã được nhà nước cấp nên người dân xây dựng nhà trên đất nền, có sở hữu riêng, xây dựng theo thiết kế tùy ý của chủ nhà. Họ xây dựng nhà theo kiểu vừa truyền thống, vừa hiện đại để phù hợp với xu thế của thời đại.

Tất cả nhà ở của cư dân TĐC xây dựng bằng bê tông, trên trần lợp mái chống nóng, có cổng, sân, tường rào xây quanh, mái che trước sân, vườn trồng cây, vì vậy 80% các hộ dân nơi đây đều có một bộ bàn ghế tiếp khách ở ngoài sân để ngồi uống nước nói chuyện, hàng xóm tới thăm nhau. Nhà ở được phân chia theo từng phòng riêng, thuận lợi cho sinh hoạt hằng ngày, bao gồm các phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, phòng học của con cái. Các phòng ở đều thoáng mát, có cửa sổ, ánh sáng...

Các gia đình trong khu dân cư TĐC đều trang bị khá đầy đủ tiện nghi. Hiện nay, các đồ dùng này được xem là nhu cầu thiết yếu trong mỗi gia đình. Trong nhà được bài trí đẹp, xen lẫn giữa phòng khách là bộ bàn ghế salon, tủ ly trang trí đặt ti vi, bộ dàn âm thanh; tường nhà treo tranh, ảnh, bằng khen, giấy khen. Ngoài ra, ở phía sau nhà bếp, hệ thống vòi nước rửa, nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp được khép kín. Nếu như trước đây, khi chưa di dời TĐC, mỗi lần mưa gió sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt thì giờ đây đã thuận tiện hơn hẳn. Với người dân nơi đây, mặc dù nhà cửa kiên cố, có phòng ăn, nấu bếp ga nhưng nhà nào cũng có chòi nhỏ ở phía sau, chất đầy củi, lá cây khô, rơm rạ, mùn cưa, trấu..., do muốn tiết kiệm tiềm ga, tiền điện và cũng vì thói quen sử dụng nguồn vật liệu tự nhiên để đun nấu.

Thích ứng trong quan hệ cộng đồng mới

Sự biến động dân cư đã dẫn đến sự thích ứng trong quan hệ cộng đồng mới. Đây cũng là yếu tố tác động mạnh tới sự thay đổi lối sống của cư dân nơi đây. Chính những biến động về dân cư đã dẫn đến những biến đổi về quan hệ cộng đồng, buộc người dân phải điều chỉnh ứng xử. Từ nhóm cư dân ven biển sống quần cư thành làng xã, được hình thành, xây dựng, tồn tại bao đời thì giờ họ lại xây dựng các mối quan hệ láng giềng mới trong bối cảnh khu công nghiệp và đô thị.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy, đất TĐC được phân theo lô, bốc thăm ngẫu nhiên nên họ hàng, anh em ruột thịt không được cộng cư trong cùng không gian tại vùng đất cũ. Các mối quan hệ cộng đồng bị thay đổi buộc con người phải có những lựa chọn mới, những ứng xử mới để cân bằng trong cuộc sống. Trước khi chuyển tới khu TĐC, gia đình, anh em cùng huyết thống sinh sống trên một mảnh đất hương hỏa của tổ tiên để lại, mỗi lần có việc tang ma, giỗ tết, cưới hỏi có anh em ruột thịt lo lắng, đảm nhiệm công việc. Hiện nay, tại địa bàn TĐC, khi gia đình có việc phải nhờ vả hàng xóm. Người dân cũng thích ứng dần với việc chôn cất người chết trong nghĩa trang chung của địa phương chứ không theo dòng họ như trước nữa.

 Người dân TĐC đề cao tính cộng đồng, tình đoàn kết tại nơi ở mới. Họ tạo ra các niềm vui để hòa nhập cùng tập thể. Sau những giờ làm việc, cuối ngày các chị em cùng tập hợp chia đội đánh bóng chuyền, một số cụ già đánh cầu lông... Các hộ gia đình tập hợp lại với nhau, giúp đỡ nhau khi có công việc, vui chơi, tổ chức ăn uống vào các ngày lễ. Sau ăn uống, họ có nhu cầu giải trí như đánh cờ, hát karaoke. Đây là cách để mọi người thể hiện, chia sẻ tình cảm giữa gia đình, bạn bè, làng xóm. Tình đoàn kết trở thành một phần không thể thiếu, vô cùng quan trọng trong cộng đồng.

Sự thích ứng về một số lối sống mới

Cùng với những biến đổi khác trong quan hệ cộng đồng thì người dân tìm kiếm các mối quan hệ mới với những bộ phận dân cư cùng TĐC hoặc là dân cư tại địa bàn sở tại. Sự xuất hiện của một số lối sống mới của người dân TĐC phụ thuộc vào lứa tuổi, tôn giáo, giới tính, sở thích, nghề nghiệp…

Trước hết, có thể kể đến một số loại hình dịch vụ làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, trang điểm, làm móng), quán cà phê, nhà hàng quán ăn, quán karaoke, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng may đo quần áo…, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Ngoài ra, các gia đình còn tổ chức hát karaoke tại nhà riêng, là hình thức giải trí được nhiều người dân lựa chọn. Đối với một số hộ gia đình, khi có tiền đền bù, kinh tế khá lên, họ đầu tư cho con cái xe máy đắt tiền, điện thoại tốt. Đặc biệt nữa là những người trẻ tuổi, có tiền, sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ làm đẹp mới nổi, Người dân vùng này cũng trở nên kỹ lưỡng hơn trong lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, đa số ưa chuộng, tin dùng đối với các loại sản phẩm nhập ngoại như: sữa bột, dầu gội, dầu xả, sữa tắm, bánh kẹo…

Về trang phục, đặc biệt là các trang phục để mặc trong các dịp đi lễ nhà thờ, đi ăn cỗ, đi chợ, đi chơi... đang có nhiều thay đổi. Mọi người đã có suy nghĩ khi đi ra ngoài là quần áo phải rất chỉn chu, không thể xuề xòa, đi lễ nhà thờ là phải mặc áo dài, đi đám cưới đám hỏi là mặc váy, đi chơi mặc váy ngắn, quần soóc. Nhu cầu làm đẹp khi ra ngoài khiến cho người dân chú ý tới thời trang hơn. Nhiều người khẳng định, nếu điều kiện cho phép, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua sắm hàng hiệu. Để đáp ứng với nhu cầu của khách thì chủ hiệu may phải tìm hiểu các mẫu thời trang qua nhiều kênh thông tin khác nhau như mạng internet, qua các bộ phim truyền hình đang chiếu rộng rãi trên tivi.

Sự thích ứng về ăn uống, tiêu dùng

Về bữa ăn, tiêu dùng, mua sắm của người dân, chúng tôi nhận thấy xu hướng chi tiêu đang có những thay đổi cơ bản. Tại chợ, nguồn thực phẩm cũng khá phong phú. Chợ ở khu TĐC Kỳ Phương họp buổi sáng, người dân nơi đây có thể dễ dàng lựa chọn các loại thực phẩm khác nhau cho bữa cơm gia đình, tuy nhiên cá biển là mặt hàng chủ đạo được người dân lựa chọn đem vào bữa cơm hằng ngày. Đây là nét văn hóa truyền thống không hề bị mai một, bởi họ sinh ra, lớn lên với biển, vị mặn mòi của biển đã ngấm vào máu thịt của cư dân nơi đây. Người dân không phải mua thức ăn dự trữ vì thức ăn tươi ngon ngày nào cũng có bán ở chợ.

Người dân đã hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ quà ăn sáng, đặc biệt là trẻ em. Có rất nhiều loại quà sáng khác nhau được bày bán trong chợ, những người mua có thể thay đổi món tùy theo sở thích. Có một sự thay đổi lớn, nếu cơ cấu bữa ăn, số lượng bữa ăn của cư dân ven biển trước TĐC một ngày chỉ ăn 2 bữa, thì nay bữa ăn đã chia ra làm 3 bữa rõ ràng.

Thói quen tiêu dùng của người dân tại khu TĐC đã có thay đổi lớn, tuy nhiên thói quen tự cung tự cấp đối với nguồn thực phẩm mọi người trong khu vẫn duy trì, nếu như trước đây là cá, hải sản khi đi biển về thì giờ đây họ trồng nhiều rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhìn nhận khách quan về chất lượng cuộc sống, tiêu dùng, ăn uống, chúng tôi nhận thấy đã thay đổi theo lối tư duy hiện đại, tuy nhiên để thích nghi với cuộc sống tại không gian sinh tồn mới thì đó là một thử thách của người dân TĐC.

Trên đây là một số khía cạnh tiêu biểu về sự thích ứng lối sống của cư dân TĐC từ khi chuyển lên địa bàn mới. Từ thực hành tới thích ứng với lối sống mới được con người sáng tạo theo nhu cầu của cá nhân, gia đình, xã hội theo chủ thể tự quyết. Nói cách khác, những thực hành mới trong lối sống đã được chuyển hóa cho hợp lý trong điều kiện sống của người dân, khi lối sống thay đổi, văn hóa hiện đại hình thành, những giá trị mới nảy sinh, đã diễn ra hiện tượng giao thoa giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, theo đó các giá trị văn hóa truyền thống có thể được bảo tồn, xâm nhập, hòa hợp, tích hợp với văn hóa hiện đại.

Tác giả: Nguyễn Mai Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019

;