Để chuẩn bị cho phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ngày 28-5, Bộ VHTTDL đã có báo cáo về một số nội dung liên quan gửi Quốc hội, trong đó nêu rõ kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc, bất cập, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Công tác tuyển chọn, đào tạo đối với vận động viên thể thao và giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao
Về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao; giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, Báo cáo cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ, vận động viên đội tuyển quốc gia có nhiều đổi mới… Nhìn chung, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao trong thời gian qua đã từng bước đáp ứng yêu cầu đặt ra, góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương đã đạt được tại các kỳ đại hội thể thao; Việt Nam đã giành được các huy chương vàng tại Olympic và Paralympic, luôn nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu các kỳ SEA Games, 2 lần liên tiếp dẫn đầu bảng tổng sắp tại SEA Games 31, 32. Các môn thể thao Olympic như Điền kinh, Thể dục, Bơi lội, Bóng đá, Bắn súng, Cử tạ, Đua thuyền, Đấu kiếm được đầu tư và đã giành được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trong thời gian qua còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao, tuy có tăng hằng năm, song, còn thấp so với nhu cầu; chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển quốc gia; Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; Tổ chức và hoạt động của một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia chưa thích nghi được với xu thế quốc tế, thiếu tính chủ động vì chưa có khả năng tự chủ về tài chính, do đó sự đóng góp vào công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao chưa tương xứng với kỳ vọng; chưa thu hút và phát huy được tiềm năng to lớn của các nguồn lực xã hội tham gia công tác phát hiện năng khiếu, tuyển chọn đào tạo và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ.
Về nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó xác định tập trung đầu tư cho các môn, nội dung trọng điểm tham dự các kỳ ASIAD (ASIAD 20 năm 2026 tại Nhật, ASIAD 21 năm 2030 tại Qatar, ASIAD 22 năm 2034 tại Ả Rập Xê Út) và Olympic (Olympic năm 2024 tại Pháp, Olympic năm 2028 tại Mỹ, Olympic năm 2032 tại Úc) và các kỳ SEA Games. Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm trong giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu, lộ trình, đối tượng, phương thức và giải pháp đầu tư cho từng nhóm môn và nội dung thể thao trọng điểm, ứng với từng kỳ Olympic và ASIAD. Đồng thời xác định địa bàn đào tạo để có hướng phân cấp, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan trong công tác đào tạo lực lượng vận động viên trọng điểm.
Tập trung phân nhóm, đầu tư trọng điểm cho các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, Olympic... Củng cố và phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố với quy mô phù hợp; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao, đặc biệt là hệ thống các giải thể thao trẻ.
Thu hút nguồn lực xã hội hóa và đẩy nhanh quá trình phát triển thể thao chuyên nghiệp nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo vận động viên. Khuyến khích phát triển câu lạc bộ thể thao hoạt động theo phương thức tự quản, có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc và phát huy vai trò nêu gương của họ đối với lớp vận động viên kế cận và với thanh, thiếu niên nói chung.
Về chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các vận động viên thể thao; Quán triệt, hướng dẫn tổ chức có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ đối với các vận động viên cho các cơ quản quản lý ở địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các tổ chức quản lý thể dục, thể thao triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 36/2019/NĐCP, đảm bảo chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù của vận động viên thể thao thành tích cao; Rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các danh hiệu vinh dự nghề nghiệp cho vận động viên gương mẫu, có nhiều cống hiến xuất sắc và đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp thể dục, thể thao.
Đối với vấn đề việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, Bộ VHTTDL tiếp tục tập trung rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho vận động viên để sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao sẽ đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn vào vị trí việc làm phù hợp. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động thể thao chuyên nghiệp cho các vận động viên để đáp ứng yêu cầu về năng lực, chuyên môn làm việc trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao, các tổ chức thể thao ngoài công lập.
Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho nghệ sĩ sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao
Báo cáo cho biết, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án 1341, 1437 nhằm phát hiện, đào tạo học sinh, sinh viên (HSSV) phát triển tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật có trình độ chuyên môn sâu, có đức, có tài, có khả năng sáng trở thành lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước…
Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ không quy định cho đối tượng là các sinh viên đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn hóa nghệ thuật, do đó khó khăn trong việc tuyển dụng tài năng lĩnh lực văn hóa nghệ thuật, chưa tạo sự công bằng giữa tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật với tài năng trong các lĩnh vực khác.
Về công tác tuyển dụng theo Đề án 1437 chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, mới chỉ thực hiện được 3 đợt tuyển sinh trong các năm 2018, 2020 và 2023 do sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19…; Công tác tuyển chọn tài năng theo Đề án 1341 cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn tuyển. Hằng năm, Bộ VHTTDL đều gửi Thông báo tuyển ứng viên tới các địa phương, các cơ sở đào tạo nghệ thuật trên toàn quốc nhưng không nhận được hồ sơ dự tuyển, chỉ có hồ sơ từ các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ.
Về nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Bộ VHTTDL đề nghị bổ sung đối tượng là các trường hợp được giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn hóa nghệ thuật khi sửa đổi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Đối với đề án 1341: Chỉ đạo các cơ sở đào tạo chuẩn bị đội ngũ giảng viên, giáo viên có chất lượng, đồng thời mời chuyên gia, giảng viên, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nước tham gia đào tạo, hướng dẫn chuyên môn các lớp tài năng. Phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật địa phương chú trọng công tác phát hiện, tuyển chọn học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội để cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức các Hội thi tài năng học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật, công diễn các tiết mục biểu diễn xuất sắc, động viên, khích lệ các tài năng nghệ thuật tiếp tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao kỹ năng, trình độ biểu diễn.
Đối với đề án 1437: Tiếp tục triển khai các đợt tuyển sinh đầu vào. Trong đó, tập trung: Chuẩn bị nguồn tuyển ứng viên, mở rộng ngành, nghề đào tạo. Đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo chuẩn bị nguồn tuyển để tổ chức đào tạo các ngành mà Việt Nam chưa đào tạo được. Xúc tiến triển khai đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Tăng cường truyền thông về Đề án. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lưu học sinh. Mở rộng hợp tác với các đối tác có năng lực, uy tín về đào tạo nghệ thuật tại nước ngoài, thống nhất tạo cơ chế đào tạo phù hợp với ứng viên Việt Nam (thiết kế khóa học bổ trợ tiếng bản địa (trừ tiếng Anh) trước khi bắt đầu học chuyên môn).
Xiếc là loại hình nghệ thuật đặc thù, lao động nặng nhọc, nguy hiểm- Ảnh: Tuấn Minh
Về cơ chế, chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao, hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là về chế độ tiền lương, được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06; diễn viên hạng III từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98… Người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25), hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 1 sẽ là 1,86; trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại đối với người diễn viên.
Về chế độ bồi dưỡng, mức tiền bồi dưỡng không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống, vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, với đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo hết sức công phu, lâu dài (từ 7 năm đến 12 năm, một số bộ môn từ 15-16 năm), tuổi đào tạo nghề thường từ 10 tuổi trở lên và phải có năng khiếu, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 năm đến 20 năm, khi đến độ tuổi từ 35 tuổi đến 40 tuổi (đối với nữ) và từ 40 tuổi đến 45 tuổi (đối với nam), khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn như xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet...
Những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm... Mặt khác, trên thực tế diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thường mong muốn giải quyết chế độ để được nghỉ hưu sớm.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ VHTTDL đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng Bảo hiểm xã hội.
Trong đó, xây dựng Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, có quy định về chính sách tuyển dụng đối với người học các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật sau khi tốt nghiệp, có tài năng, năng khiếu phù hợp với vị trí việc làm. Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn…; Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn có chất lượng được tổ chức trong thời gian qua - Ảnh: Tuấn Minh
Triển khai kích cầu, phục hồi du lịch năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm
Sau tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng. Bộ VHTTDL đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Bộ VHTTDL đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chủ trì 3 Hội nghị toàn quốc về du lịch (trong năm 2022, 2023); trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15-8-2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-2-2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới…
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỉ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Tính đến hết tháng 4-2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt (tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023), tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 40,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 273 nghìn tỉ đồng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch đang còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15-8-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, trong đó sẽ tham mưu phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch trong chỉ đạo điều phối hoạt động, thúc đẩy phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy liên kết vùng để phát triển du lịch nhanh, bền vững; Tiếp tục tổ chức tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc; Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai Kế hoạch tổng thể điều tra du lịch;
Xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam; Phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng để thu hút và giữ chân du khách; xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp; Đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.
Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; Nghiên cứu, đề xuất với các đơn vị liên quan ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm của Việt Nam; Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch; Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thường xuyên.
Du lịch đường sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng phát triển - Ảnh: Nguyên Trường
Về phát triển sản phẩm du lịch đêm
Thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, theo đó tập trung xây dựng Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm, xác định khu vực, địa bàn cụ thể để định hướng phát triển tập trung mô hình sản phẩm du lịch đêm; Xây dựng mô hình phát triển, loại hình sản phẩm du lịch đêm đảm bảo khai thác tối đa được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa của địa phương.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm, rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm; tổ chức đội ngũ an ninh, trật tự nhằm hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho du khách.
Tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm, phát triển các mô hình sản phẩm du lịch đêm theo các hình thức: tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; ban hành các quy chế, quy định, quy tắc ứng xử đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, an toàn, tuân thủ quy định pháp luật...
Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhân lực du lịch; chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ, các kỹ năng quản lý, giao tiếp, ngoại ngữ… cho các đối tượng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch đêm.
Thu hút nguồn lực đầu tư, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các sản phẩm, các chương trình trình diễn nghệ thuật sáng tạo, ẩm thực truyền thống, đặc sản vùng miền, các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế…
Xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá về sản phẩm du lịch đêm...
Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho hoạt động VHTTDL vùng đồng bào thiểu số và miền núi
Về giải pháp đối với vấn đề chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho hoạt động VHTTDL vùng đồng bào thiểu số và miền núi trong thời gian tới, Bộ VHTTDL đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực văn hóa trong quá trình rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa; Đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao mang tính đặc thù; sửa đổi, bổ sung pháp luật về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện quy định về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
Trình diễn hát Then, đàn Tính - Ảnh: Tuấn Minh
Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045. Đề nghị các địa phương tiếp tục tích hợp quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của tỉnh, bố trí quỹ đất cho các thiết chế này ở các vị trí phù hợp; ưu tiên quỹ đất phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao, hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc; Xây dựng, lựa chọn và phổ biến các mô hình tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao hiệu quả, phù hợp với vùng miền, địa phương, dân tộc, đối tượng. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn từ Trung ương đến cơ sở.
P.V