Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch bền vững

Sáng 21-8, tiếp tục phiên họp thứ 36, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023, trong đó có lĩnh vực VHTTDL.

Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại phiên chất vấn, lĩnh vực VHTTDL nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã thẳng thắn trả lời câu hỏi của các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36, Quốc hội khóa XV

Phát huy giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch bền vững

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đặt câu hỏi về những khó khăn, giải pháp trong công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thống kê là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, giúp nắm thông tin để đánh giá, định hướng, từ đó hoạch định các chính sách nhằm phát triển các lĩnh vực. Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm lĩnh vực này. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTTDL đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Từ khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ đến nay, công tác thống kê cũng đã đi vào nề nếp, các số liệu được thống kê cũng chính xác hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác hoạch định chính sách, cũng như công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đặt câu hỏi về những khó khăn, giải pháp trong công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững

Căn cứ vào Luật Thống kê năm 2021 và Nghị định 94/2022 NĐ-CP của Chính phủ, giao trách nhiệm chính cho Tổng cục Thống kê, còn phụ trách thống kê chuyên ngành, đảm nhận một số công việc.  Trong đó có 6 nhóm lĩnh vực: về lượng khách quốc tế,  lượng khách nội địa,  chi tiêu của khách quốc tế,  chi tiêu của khách nội địa,  doanh thu dịch vụ ăn uống và doanh thu của lữ hành. Các số liệu này trong báo cáo định kỳ hằng tháng của Tổng cục Thống kê cung cấp cho các cơ quan đã đầy đủ số liệu. Bộ VHTTDL cùng với Bộ Kế hoạch đầu tư thống kê số lượng khách nội địa chính chính xác, nhằm dự báo tốt hơn về lĩnh vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, trong quá trình thực hiện còn có một số khó khăn, như: ngoài hệ thống cán bộ chuyên trách làm công tác này được quy định trong pháp luật, riêng về ngành Du lịch, hiện nay các Sở VHTTDL và Sở DL không có cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê. Hơn nữa, kinh phí để bố trí cho công tác điều tra, chọn mẫu, nghiên cứu, phân tích cũng chưa được quan tâm đúng mức. Công nghệ thông tin, hạ tầng phần mềm kết nối để đảm bảo tính liên thông và chia sẻ dữ liệu cũng còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, thứ nhất là Bộ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Công điện số 06 của Thủ tướng Chính phủ; lựa chọn các nhóm giải pháp mà tổ chức du lịch quốc tế đang khuyến cáo cho tất cả các quốc gia là nên ứng dụng tài khoản vệ tinh du lịch để đưa vào thống kê. 

Giải pháp thứ hai là tiếp tục phối hợp với Bộ Công an sử dụng dữ liệu trong Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ đó có cơ sở dữ liệu về quản lý khách du lịch để có số liệu chính xác hơn.

Thứ ba là phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê thêm về nhu cầu của du khách như: hàng hóa nông sản, mua sắm để tính toán thêm lượng chỉ tiêu về khách du lịch này...

Bộ trưởng cũng nêu dẫn chứng về một số địa phương đã làm tốt công tác thống kê trong lĩnh vực này như Hà Nội và TP.HCM và cho rằng những cách làm hay này cần được chia sẻ, nhân rộng để các địa phương triển khai được hiệu quả, chính xác, đầy đủ.

Đới với câu hỏi của đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) về mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng “du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch được thăng hoa”. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. “Theo thống kê, khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam đều dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa này. Vì vậy, chúng ta cần tập trung khai thác hết giá trị bản địa, giá trị văn hóa truyền thống, từ đó thu hút khách du lịch” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nhiều địa phương đã và đang làm tốt việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa bản địa. Bộ trưởng nhấn mạnh, đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Vì vậy cần phát huy giá trị văn hóa qua đó tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch, đó sẽ trở thành một trong những dòng sản phẩm chính nằm trong chiến lược phát triển du lịch.

Trả lời câu hỏi về các giải pháp nhằm làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch đêm của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ VHTTDL đã có đề án phát triển du lịch đêm trong đó khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch và đặc trưng của mỗi địa phương để đánh giá thị hiếu của du khách, qua đó phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Phấn đấu theo tinh thần của Nghị quyết 08 về phát triển du lịch là “mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao”.

Bộ trưởng cũng lấy ví dụ về những địa phương có cách làm hay, sáng tạo như TP.HCM phát triển du lịch đêm trên tuyến bố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp với các dịch vụ trên sông Sài Gòn, thu hút du khách. Đề án của Bộ VHTTDL đã có khung và các địa phương nên phát huy cách làm sáng tạo để có các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Đề cao vai trò chủ thể của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa

Trả lời phần chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Huân về công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, công nghiệp văn hóa là vấn đề Đảng ta hết sức quan tâm, đã được ghi vào các văn kiện, các Nghị quyết chuyên đề. Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã có Quyết định số 1755 năm 2016 về phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân chất vấn về phát triển công nghiệp văn hóa

Quá trình tổ chức thực hiện chiến lược để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã có đánh giá lại, từ đó nhận diện 12 loại hình công nghiệp văn hóa, gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh,  du lịch văn hóa. Với 12 nhóm ngành này, theo phân cấp quản lý, Bộ VHTTDL chỉ quản lý nhà nước ở 5 nhóm ngành, còn lại các ngành khác thì các bộ, ngành khác nhau đảm đương công việc. Khi đánh giá lại tổng quát, có thể thấy đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao, đóng góp vào 4,04% GDP.

Để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình hiện nay, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc, nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chỉ thị kết hợp với chiến lược công nghiệp văn hóa mới. Trong đó, về khuôn khổ pháp lý, sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, luật có liên qua...; xác định đề cao vai trò chủ thể của Nhà nước – cơ quan kiến tạo, hoạch định chính sách; doanh nghiệp – cơ quan tổ chức thực hiện và triển khai; nhà sáng tạo là đội ngũ văn nghệ sĩ, lực lượng lao động để sáng tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Từ đó, tập trung vừa làm, vừa triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Vừa qua, các Nghị quyết của Quốc hội, của Bộ Chính trị đã cho phép Hà Nội, TP.HCM triển khai, có chiến lược, đề án riêng cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng rất tích cực, có tác động lan tỏa, vừa phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa, vừa kiến tạo sự phát triển bền vững.

Huy động mọi nguồn lực để phát huy giá trị di tích, di sản

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về giải pháp thu hút nguồn lực để phát huy giá trị di tích, di sản. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong lĩnh vực phát huy giá trị di tích, di sản thông qua việc tôn tạo, bảo tồn thì Đảng và Nhà nước ta cũng đã có rất nhiều nghị quyết, Chính phủ cũng đưa ra mức chi cho văn hóa phải đạt 2% trong tổng mức chi. Để thực hiện việc này, trong giai đoạn đầu tư công 5 năm vừa qua, Chính phủ đã phân bổ được 1480 tỷ đồng cho 17 dự án ở 17 địa phương và do 17 địa phương làm chủ đầu tư để triển khai phục hồi, tôn tạo di tích. Trong khi số lượng di tích, di sản của chúng ta rất lớn, nên chưa  đảm bảo được. Cho nên, với vai trò quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đề xuất kiến tạo 3 nội dung như sau:

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về giải pháp thu hút nguồn lực để phát huy giá trị di tích, di sản

Thứ nhất là nguồn đầu tư công để tiếp tục hỗ trợ cho các di tích lịch sử cách mạng, các di tích và yêu cầu Nhà nước phải đầu tư.

Thứ hai là huy động nguồn lực xã hội, thông qua con đường tháo gỡ cơ chế, chính sách bằng luật pháp. Vì vậy, qua kiểm tra, nhận thấy có những bất cập cần thiết phải báo cáo Quốc hội để sửa luật, như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Những điểm nghẽn này nếu được khơi thông sẽ huy động được rất nhiều nguồn lực.

Trong đầu tư công, Bộ VHTTDL đã tính toán, trình Quốc hội, và kỳ họp tới đây Quốc hội sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Trong chương trình đó có hợp phần về di tích và di sản, ưu tiên xem xét để chống xuống cấp và phát huy tốt giá trị của di sản.

Thứ ba là sửa luật. Trong phạm vi của Bộ VHTTDL, Bộ đã đề xuất sửa Luật Di sản văn hóa, tới đây Quốc hội sẽ bấm nút thông qua. Điểm mới của Luật Di sản văn hóa lần này  được quan tâm, đó là đưa vấn đề xã hội hóa vào trong Luật Di sản văn hóa để các di tích, di sản phát huy được nguồn lực của xã hội chứ không phải chỉ có bó hẹp trong nguồn lực đầu tư công. Đồng thời, kết hợp với quỹ bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đã có rất nhiều địa phương thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện thí điểm các chính sách Quốc hội đã ban hành, như Luật Thủ đô; Nghị quyết 98 của Quốc hội về vấn đề Thành phố Hồ Chí Minh trong hợp tác công tư và một số địa phương khác có chính sách đặc thù.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hy vọng, với chính sách thí điểm có tính chất đặc thù, kết hợp với các giải pháp đồng bộ của Quốc hội sẽ thông qua như Chương trình mục tiêu quốc gia, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), những vấn đề về nguồn lực sẽ được tháo gỡ để di tích, di sản tiếp tục phát huy  giá trị.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;