Chiều 5-6, tiếp tục phiên họp kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực VHTTDL. Thẳng thắn và trách nhiệm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trả lời hàng loạt câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội và đề ra nhiều giải pháp thiết thực đối với lĩnh vực VHTTDL.
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về lĩnh vực VHTTDL
Các nội dung chất vấn tập trung vào các nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, và nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngành VHTTDL đã có chuyển biến mạnh mẽ
Phát biểu trước Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Bộ VHTTDL ý thức một cách đầy đủ rằng, việc chất vấn không chỉ là thể hiện, đề cao vai trò giám sát của Quốc hội mà còn biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với vấn đề VHTTDL của nước nhà. Đây cũng là dịp để Bộ VHTTDL được báo cáo với Quốc hội về những kết quả sau 2/3 thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.
Nhìn lại một cách khái quát, sau thời gian tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là sau thành công của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, tiếp đến là sự kiện tổ chức kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, các hội thảo khoa học cấp quốc gia về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, đến các nhiệm vụ và sự quan tâm của Quốc hội khi giao cho Bộ VHTTDL xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để khẩn trương trình Chính phủ ban hành Chiến lược về phát triển thể thao trong thời kỳ mới theo Kết luận số 70 của Bộ Chính trị- “Điều đó khẳng định đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về lĩnh vực VHTTDL, cả về nhận thức đến hành động quyết liệt trong vấn đề tổ chức thực hiện” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Điều đó cũng thể hiện rõ trong Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại kỳ họp Quốc hội lần này, đã đánh giá khái quát về những kết quả VHTTDL trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại phiên chất vấn
Ngoài những nhận định mà Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội thì ở góc độ tiếp cận theo điều tra dư luận xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thu thập và xử lý thông tin đã có tín hiệu khá vui mừng, khi hỏi về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hay chưa?. Kết quả đã được tăng 32%: từ 43% năm 2019 lên 75% năm 2024, cho thấy đã có sự chuyển biến khá tích cực về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tiếp cận, chuyển đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về lĩnh vực này thì ngành VHTTDL cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Toàn ngành cũng ý thức một cách đầy đủ là phải nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, quyết tâm hơn nữa và quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó và phải xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng, nhiệm vụ của ngành VHTTDL; giữa mục tiêu về phía trước và hướng tới cần phải tổ chức thực hiện với nguồn lực cân đối hiện nay trong điều kiện còn hạn hẹp; đặt vấn đề phát huy nguồn lực chất lượng cao của lĩnh vực VHTTDL trong bối cảnh phải tinh giảm, cắt gọn biên chế và tổ chức bộ máy cần phải được tin gọn.Chính vì vậy mà cũng có những khó khăn cần phải được chia sẻ, tháo gỡ.
ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) chất vấn về giải pháp để duy trì và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống
Bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống: tập trung, đào tạo nghệ thuật đỉnh cao và có chính sách cho nghệ nhân
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) về giải pháp để duy trì và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đây là vấn đề mà Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Làm gì để loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ để truyền dạy cho con cháu mai sau và phát triển, đồng thời vẫn giữ cho được văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề không đơn giản trong khi chúng ta đang tinh gọn lại bộ máy, các đoàn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương đang có nguy cơ trở thành loại hình nghệ thuật tổng hợp. Các loại hình đoàn nghệ thuật ở trung ương đang tiếp tục giữ gìn và đào tạo, trong bối cảnh khó khăn khi các nhà hát đang được giao cho cơ chế tự chủ và tự chủ một phần để đảm bảo được các điều kiện hoạt động từ sáng tác đến nghệ thuật biểu diễn và đào tạo.
Chính vì vậy, tuyển sinh đào tạo từ các ngành nghề truyền thống chưa có sức hút và gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện về tập luyện, sinh hoạt chưa đáp ứng được với nhu cầu cuộc sống, do đó các bộ môn nghệ thuật như Tuồng, Chèo, Cải lương... gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng.
Đưa ra giải pháp để phát triển lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tập trung để đào tạo đối với các em có năng khiếu và tiếp tục phát triển các loại hình nghệ thuật này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao; tiếp tục tham mưu để các cơ quan chức năng ban hành chính sách, và không nên thực hiện việc tự chủ đối với các nhà hát nghệ thuật truyền thống để các loại hình này được phát triển.
Theo Bộ trưởng, ở cấp trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao. Còn về phía địa phương, thì tùy theo khả năng, điều kiện của mình, khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung và có chính sách cho nghệ nhân. Bởi vì, nghệ nhân ở các địa bàn chính là những người "giữ hồn", "giữ lửa"… Các loại hình này khi được lan tỏa trong từng cộng đồng, dân cư, cũng là cách để chúng ta lưu giữ, bảo tồn giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống.
“Gắn với đó phải tập trung kết nối với du lịch, du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa để phát triển. Với việc liên kết này để tạo ra hiệu ứng lan tỏa và thông qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa, sẽ góp phần bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sẽ rà soát, đề xuất các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn về vấn đề giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên thi đấu thể thao sau khi giải nghệ
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn về vấn đề giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên thi đấu thể thao sau khi giải nghệ, đặc biệt là những vận động viên gặp chấn thương. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao. Chính vì vậy Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã tập trung về lãnh đạo công tác thể thao, sau đó Chính phủ đã có các chiến lược, đề án để tổ chức thực hiện.
Từ các quan điểm lớn nêu trên, Chính phủ đã ban hành 8 chính sách, trong đó có 7 chính sách ở cấp Trung ương và 1 chính sách ở địa phương để giúp đỡ, hỗ trợ cho các vận động viên, trong đó có vận động viên thể thao thành tích cao. Các chính sách về đào tạo, ưu tiên giải quyết việc làm, chính sách về tiền thưởng trong thi đấu đã được triển khai và đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc. Qua đó đã góp phần động viên, khích lệ đội ngũ các vận động viên, thể thao thành tích cao đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề đại biểu đã nêu vẫn còn nhiều khó khăn như: Do trình độ đào tạo và nghề nghiệp của các vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian; nghề nghiệp được chuyển đổi, cũng có thể chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên, từng loại hình mà vận động viên đã được rèn luyện và thi đấu.
“Vì vậy, giải pháp về mặt lâu dài chúng ta cũng thấy được, không phải tất cả các vận động viên đều có thể trở về làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý. Mà cũng phải nhận thức và tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để có thể giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau” – Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tập trung đánh giá tổng thể về các chính sách thời gian qua, sau đó sẽ rà soát và đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên để có thể tập trung yên tâm thi đấu, và sau đó được phát triển ngành, nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình. Trong đó có chính sách về tiền lương, chính sách về phụ cấp đặc thù và nhất là những chính sách mới được đề cập trong Kết luận 70, đó là nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu.
ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp chuyển đổi số trong ngành Du lịch
Về lĩnh vực Du lịch, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) chất vấn Bộ trưởng về các giải pháp về chuyển đổi số để ngành Du lịch phát triển thật sự hiệu quả và bền vững trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định: Trong nền kinh tế số như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập, thì ngành Du lịch lại càng phải chuyển đổi. Bộ trưởng cũng cho biết, “để thực hiện chuyển đổi số, trong thời gian qua ngành Du lịch đã đề xuất và đã được Chính phủ, Quốc hội giao thực hiện một dự án về chuyển đổi số trong du lịch từ nguồn vốn phục hồi. Nguồn vốn cấp chỉ trong 2 năm, nên dự án đang làm nhưng phải dừng lại. Bộ VHTTDL đã báo cáo với Chính phủ cho phép lồng ghép việc thực hiện chuyển đổi số vào trong nguồn vốn đầu tư công để có thể triển khai thực hiện để tránh lãng phí từ nguồn vốn ban đầu được đầu tư từ Chương trình phục hồi kinh tế trong du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đang phối hợp với Bộ Công an và đã có nhiều phiên làm việc với bộ phận Đề án 06 trong vấn đề dữ liệu để tích hợp, kết nối và qua đó có thể nhận diện, đánh giá, phân tích; đồng thời, nâng cấp các trang web hiện có của ngành và kết nối các cơ sở dữ liệu để triển khai thực hiện…
Phát triển du lịch đêm: Bộ VHTTDL sẽ cùng đồng hành cùng với các địa phương
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) chất vấn về phát triển du lịch đêm
Xung quanh vấn đề phát triển du lịch đêm được đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đề cập và chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngày 27/7/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL xây dựng và thí điểm ban hành một số sản phẩm du lịch đêm. Theo đó, Bộ VHTTDL đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm.
Nhìn lại từ khi ban hành đề án cũng như sự nỗ lực của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế du lịch thường xuyên có khách quốc tế, đã nhận được những tín hiệu bước đầu khá tích cực. Bộ trưởng đưa ra dẫn chứng: như ở Hà Nội đã phát huy các giá trị di tích, di sản để trở thành sản phẩm du lịch, điển hình nhất đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám, trở thành sản phẩm tinh hoa văn hóa của Thủ đô; Ở Ninh Bình thì có sản phẩm đêm Cố đô Hoa Lư; ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh có sản phẩm Sắc màu đêm Sài Gòn và nhiều địa phương khác cũng đều tìm được một số sản phẩm.
“Các sản phẩm này tập trung vào các loại hình văn hóa, phố đi bộ thưởng ngoạn các nghệ thuật đường phố được biểu diễn hay thưởng thức ẩm thực, vì vậy đã thu hút và đáp ứng được một phần nhu cầu của khách” – Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, để sản phẩm du lịch đa dạng và đặc sắc là vấn đề khó, một ngành khó làm được, bởi vì du lịch là ngành mũi nhọn trong sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Để giải bài toán căn cơ này Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ cùng đồng hành cùng với địa phương và gợi mở một số nhóm sản phẩm du lịch dựa trên văn hóa để thiết kế, tạo sự trải nghiệm cho du khách. Để kinh tế đêm đi vào hoạt động, cần phát triển các loại hình ẩm thực mà du khách có thể tham gia thưởng thức, thưởng ngoạn; cần xem xét về nhu cầu mở thêm các cửa hiệu mua sắm…
Thiết chế văn hóa ở khu vực vùng đồng bào dân tộc, miền núi: Phải huy động nhiều nguồn lực
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chất vấn về các giải pháp đột phá nhằm thu hút nguồn đầu tư đối với các thiết chế văn hóa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chất vấn về các giải pháp đột phá nhằm thu hút nguồn đầu tư đối với các thiết chế văn hóa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Vừa qua tại Quảng Ninh, chúng tôi đã cùng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức thành công Hội thảo văn hóa 2024 “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”. Qua đó, phân định về thiết chế cấp quốc gia, thiết chế cấp tỉnh, thiết chế cấp huyện và các loại hình thiết chế… từ đó rà soát để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện, nhất là phát huy hiệu quả của đầu tư công từ các chương trình. Bởi vì thiết chế văn hóa ở cơ sở là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa, nếu không có thiết chế văn hóa sẽ rất khó khăn…
Theo Bộ trưởng, đối với thiết chế văn hóa ở khu vực các đồng bào dân tộc, sẽ sử dụng được đa mục tiêu, đa chức năng. Đó là nơi để sinh hoạt văn hóa của nhân dân, cũng là nơi họp chi bộ, nơi hội họp của thôn, bản, cũng là nơi để thanh niên đến đó vui chơi, ca hát, là các câu lạc…; đã có nhiều nơi sử dụng thiết chế văn hóa có hiệu quả. Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, các cấp ủy địa phương, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo và tập trung thêm nguồn lực để phát triển thiết chế văn hóa. Ngoài nguồn lực nhà nước, cần huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng, trong đó có nguồn lực từ nhân dân đóng góp, với việc huy động đó sẽ phát huy được việc sử dụng thiết chế văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) với câu hỏi làm cách nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội
Với câu hỏi làm cách nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), Bộ trưởng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn quan tâm đến di tích và di sản. Coi di tích, di sản là báu vật của thiên nhiên ban tặng mà ngàn đời cha ông ta vun đắp, xây dựng, kiến tạo, trách nhiệm của chúng ta là phải bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đó.
Chính vì vậy Luật Di sản văn hóa cũng đã được Quốc hội ban hành sớm và trong kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). “Quan điểm chung là chúng ta phải bảo tồn, phát huy các giá trị di sản này và biến các giá trị di sản thành tài sản như nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Tuy nhiên, không có nghĩa là làm bằng mọi giá” – Bộ trưởng nhấn mạnh
Theo Bộ trưởng, khi di tích, di sản được công nhận, thì chính quyền địa phương, nơi được giao trách nhiệm quản lý di tích, di sản đều có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản đó.
Đưa ra các giải pháp có tính chất căn cơ, bài bản, Bộ trưởng cho biết, đó là phải tôn trọng các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận, và thực hiện nghiêm những điều này.
Thứ hai, khi di sản, di tích được công nhận, tôn vinh thì phải biết khai thác nó, biến nó thành tài sản. Vậy thì yêu cầu đòi hỏi là phải xây dựng được các sản phẩm du lịch gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa nhằm thu hút du khác. Với cách làm này, rất nhiều địa phương đã triển khai sáng tạo và có hiệu quả.
Bộ trưởng lấy ví dụ, gần đây nhất là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Phú Thọ, đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Cùng với đó là rất nhiều sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa đã được phát huy như liên hoan Đờn ca tài tử; liên hoan tiếng hát Làng Sen tại quê Bác vẫn chú trọng gắn với điệu Ví, Giặm, đó cũng là những di sản phi vật thể…
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội