Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ tại TP.HCM

Ngày 6-9, tại trụ sở Cơ quan Đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại TP.HCM, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ tại TP.HCM.

Toàn cảnh chương trình làm việc

Tham dự họp có: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Đức Trung; Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong; Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt; Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì chương trình

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2024 là năm “bản lề” để chúng ta tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch theo tinh thần các nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Bộ. Đến thời điểm này với những nỗ lực chung của toàn ngành, sự cố gắng của các đơn vị trong Bộ, tổng thể chung về văn hóa, thể thao, du lịch nước nhà đã có bước phát triển. Báo cáo gần đây của Chính phủ trình Quốc hội, báo cáo của Trung ương đang chuẩn bị để thông qua tại Kỳ họp lần thứ 10 sắp diễn ra đều khẳng định: Văn hóa chưa bao giờ có sự phát triển như ngày hôm nay, thể thao quần chúng được phát triển một cách mạnh mẽ, du lịch trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Điều đó cho thấy sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Nhân dân với toàn ngành.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác chung của toàn ngành, Lãnh đạo Bộ VHTTDL và đoàn công tác trực tiếp làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ ở phía Nam, tập trung nội dung vào tình hình thực hiện nhiệm vụ của các trường, trung tâm đào tạo và huấn luyện trong 8 tháng đầu năm; trong đó nêu bật điểm mới, điểm tâm đắc của đơn vị; đồng thời đánh giá những khó khăn vướng mắc, điểm nghẽn vượt thẩm quyền giải quyết, đưa ra những đề xuất, kiến nghị và giải pháp cho Bộ trong thời gian tới.

TS Phạm Huy Quang- Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh TP.HCM phát biểu

Qua báo cáo của các Hiệu trưởng, Giám đốc cho thấy, hầu hết cơ sở đào tạo đều thuận lợi trong công tác tuyển sinh năm học 2024-2025, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và dự thi năng khiếu tăng cao, chỉ tiêu tuyển sinh đạt và vượt kế hoạch hơn 100% đề ra. Như Trường Đại học Văn hóa TP.HCM lần đầu tiên có hơn 27.000 thí sinh đăng ký tuyển sinh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ hơn 1.000 sinh viên. Căn cứ vào khảo sát nhu cầu và tình hình thực tế từ tuyển sinh, Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM đã khởi động lại trường Phổ thông Năng khiếu Thể thao, thành lập Trung tâm Giáo dục quốc phòng... Những điều này chứng tỏ, chất lượng và thương hiệu của các trường đào tạo ngành văn hóa, thể thao ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM phát biểu

Một điểm sáng nổi bật là công tác hợp tác quốc tế ở các trường đã và đang gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. TS Hoàng Ngọc Long - Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho biết, năm nay Nhạc viện đã đón 16 đoàn từ Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc, Hungary, Nhật Bản, Ba Lan, Đức, Trung Quốc, Mỹ, Áo, Nga… đến giao lưu, trao đổi học thuật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, biểu diễn. Nhạc viện vừa tổ chức thành công Liên hoan Guitar quốc tế 2024, thu hút 120 thí sinh và giáo sư, nghệ sĩ đến từ nhiều nước ở Mỹ La tinh, Nhật, Đông Âu… bằng nguồn ngân sách từ huy động xã hội hóa. TS Võ Quốc Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, trường đã đón tiếp và làm việc với 8 đoàn là các trường đại học và các tổ chức quốc tế, ký kết 4 biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo với các đối tác Hàn Quốc; đồng thời cử ba đoàn công tác sang làm việc tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp.

TS Võ Quốc Thắng- Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM phát biểu

Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn và công tác giảng dạy, đào tạo cũng được các trường rất quan tâm. PGS, TS Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM báo cáo rằng, trường đã triển khai các nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, cấp trường và các chương trình, dự án liên quan. Đặc biệt, trường đã hoàn thành một dự án cấp quốc gia: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (tỉnh An Giang) trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trường cũng triển khai đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.

Bên cạnh thuận lợi, một khó khăn chung mà nhiều đơn vị đào tạo đang gặp phải là tình trạng đội ngũ cán bộ, viên chức và đội ngũ giảng viên còn thiếu, chưa được chuẩn hóa trình độ; còn khuyết các vị trí quản lý phòng, khoa, Ban giám hiệu, thậm chí cả Hội đồng trường...

PGS, TS Lâm Nhân – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM phát biểu

Ngoài ra, một số quy định hiện hành còn bất cập, dẫn đến những hạn chế, khó khăn cho các đơn vị đào tạo trong tuyển sinh, chuẩn hóa đội ngũ. PGS, TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM cho biết, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, quy định trường chỉ được tuyển sinh ngành sư phạm khi có đơn đặt hàng của các địa phương hoặc cơ quan chủ quản giao nhiệm vụ. Vì vậy, năm 2024, trường phải dừng tuyển sinh ngành Sư phạm Mỹ thuật do không có đặt hàng từ các địa phương. Ông Nguyễn Văn Minh rất mong Bộ VHTTDL và Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vấn đề này. Trên thực tế nhu cầu về nguồn nhân lực mỹ thuật và sư phạm mỹ thuật tại các địa phương rất lớn, nhưng với quy định hiện hành gây nhiều khó khăn cho công tác tuyển sinh, đào tạo.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP.HCM Phạm Thanh Tú phát biểu

Thêm một khó khăn chung nữa là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác và đào tạo của nhiều đơn vị đang trong tình trạng xuống cấp, chưa đồng bộ… ảnh hưởng đến công tác đào tạo, huấn luyện, biểu diễn, thực hành. Ví như Nhạc viện TP.HCM  đang thiếu nhạc cụ, phải sửa chữa và tận dụng nhạc cụ cũ để sử dụng. Còn Phòng hòa nhạc - nơi tổ chức thường xuyên các chương trình giao lưu và biểu diễn quốc tế- xây dựng trên 30 năm đến nay đã xuống cấp, rất cần kinh phí để sửa chữa… Theo ông Phạm Thanh Tú- Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP.HCM, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Ông Tú cũng trình bày về việc năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 152/2018/NĐ-CP về việc một số chế độ tiền lương đối với HLV và VĐV trong thời gian tập trung tập huấn thi đấu, đến nay đã 6 năm chưa được điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của HLV, VĐV…

TS Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo phát biểu

Sau khi nghe Hiệu trưởng, Giám đốc các đơn vị trình bày, Lãnh đạo các cục, vụ và  Văn phòng Bộ VHTTDL đã ghi nhận những điểm nổi bật, điểm sáng trong công tác đào tạo, tuyển sinh, hợp tác và giao lưu quốc tế của các trường; những khó khăn trong tuyển dụng và quy hoạch đội ngũ cán bộ, giảng viên; cơ sở vật chất xuống cấp; đồng thời giải đáp thắc mắc, kiến nghị, đề xuất, của  các đơn vị xung quanh quy định hiện hành về công tác tuyển sinh, đào tạo, kiểm định chất lượng nhà trường, kiện toàn đội ngũ, chế độ chính sách cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án của các trường, quản lý tài sản công, quản lý tài chính và tạo nguồn thu của các đơn vị... nhằm hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện.

Ông Lê Hồng Phong - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính phát biểu

Phát biểu kết luận chương trình làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vượt qua khó khăn, điều kiện về khoảng cách địa lý, các cơ sở đào tạo và các đơn vị của Bộ ở phía Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ; bám sát chức năng, nhiệm vụ đã được giao, tạo nên những điểm sáng về tuyển sinh, qua đó cho thấy ngày càng nhiều người yêu văn hóa hơn, đến học văn hóa và thực hành văn hóa tốt hơn, tạo ra nguồn nhân lực văn hóa tốt hơn cho xã hội. Ghi nhận kết quả đạt được, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục duy trì và phát huy.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, trong cơ sở đào tạo dù chưa đồng đều nhưng bước đầu đã tập trung nghiên cứu khoa học, có những đề tài khoa học ứng dụng có sức lan tỏa và vận dụng vào thực tế cuộc sống. Các đơn vị cũng chủ động trong hợp tác quốc tế và đạt được nhiều “điểm sáng” về mỹ thuật, thể thao, âm nhạc; bắt đầu xây dựng thương hiệu cho các hợp tác này và đi vào thực chất hơn.

“Tăng tốc để về đích”, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chú trọng hơn trong công tác nhân sự, kịp thời giải quyết những bất cập và từng bước có những điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống tổ chức trong đơn vị… Bộ trưởng đề nghị: “Các đơn vị xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, giảng viên. Chú ý công tác xây dựng Đảng, bởi suy cho cùng bản chất của xây dựng Đảng chính là xây dựng con người. Bên cạnh đó, chủ động rà soát nâng cao công tác giáo dục, chất lượng giáo dục; triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, hoàn thành công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục; tăng cường quản trị, quản lý đúng cơ sở vật chất và ngân sách”.

Bài, ảnh: XUÂN HƯỚNG

;