BIẾN ĐỔI GIÁ TRỊ VĂN HÓA LÀNG, XÃ TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA

Biến đổi giá trị văn hóa trong quá trình đô thị hóa là một đề tài đã và đang được khá nhiều người quan tâm nghiên cứu. Đặc biệt hiện nay, trong giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn diễn ra mạnh mẽ thì biến đổi văn hóa lại càng phức tạp. Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh là một đô thị nhỏ, có truyền thống văn hiến lâu đời và có nền kinh tế thủ công nghiệp, thương mại phát triển từ rất sớm nên đã sớm chịu sự tác động của quy luật đó. Thời gian gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa ở đây cũng diễn ra ngày càng mạnh mẽ và phức tạp, do vậy thị xã Từ Sơn có nhiều biến đổi cả về diện mạo vật chất cũng như đời sống văn hóa; có cả những biến đổi tích cực cũng như tiêu cực.

Thị xã Từ Sơn là vùng còn lưu giữ khá nhiều giá trị văn hóa truyền thống với hệ thống di tích lịch sử, lễ hội phong phú, truyền thống khoa bảng, tín ngưỡng, phong tục tập quán,... nhưng cũng là nơi diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nhất của tỉnh Bắc Ninh. Năm 2008, sau khi lên phố, các giá trị văn hóa truyền thống ở thị xã Từ Sơn bắt đầu có những rạn nứt, dần dần bị thay thế bởi những giá trị văn hóa mới.

Tinh thần cộng đồng làng xã

Tinh thần cố kết cộng đồng là một truyền thống của người Việt bất kể đô thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược. Biểu hiện của nó chính là tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Khởi nguyên của truyền thống này chính là sự nương tựa vào nhau của các thành viên trong cùng một cộng đồng để chống ngoại xâm, đắp đê trị thủy, chống lại hạn hán, dịch bệnh. Con người muốn tồn tại thì các thành viên trong cộng đồng cần cố kết nhau lại thành một khối bền vững. Tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc được biểu hiện thông qua nhiều chiều cạnh khác nhau.

Loại hình cộng đồng xuất hiện sớm trong lịch sử là cộng đồng huyết thống của công xã thị tộc, tiếp đó là cộng đồng gia đình dòng họ bảo tồn lâu dài cho tới tận ngày nay và giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa của cộng đồng lớn. Sau đó, những gia đình cùng huyết thống tập hợp nhau lại trở thành dòng họ - một cộng đồng phổ biến ở các làng Việt Nam. Người trong họ thường sống quy tụ trong một địa bàn cư trú nhất định, có nhà thờ họ, có gia phả, tộc phả, điều lệ quy định về ma chay hiếu hỉ, thờ cúng tổ tiên. Làng Việt được hình thành từ nhiều cơ sở khác nhau nhưng trong mỗi làng luôn tồn tại tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ, giúp đỡ nhau trước khó khăn, hoạn nạn. Tinh thần cố kết cộng đồng đã liên kết các thành viên lại với nhau trong các tổ chức mang tính cộng đồng làng xã như giáp, phường nghề, hội... Các tổ chức này tồn tại độc lập nhưng vẫn có tính tương trợ rất cao.

Theo nghiên cứu của chúng tôi ở hai phường (Đình Bảng, Đông Ngàn) và xã Phù Chẩn thì đa phần người dân vẫn sinh hoạt theo lối sinh hoạt của cộng đồng làng xã truyền thống, vẫn là mối quan hệ họ hàng, làng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Khi chúng tôi phỏng vấn về việc người dân có tham gia vào tổ chức nào ở trong làng/ khu phố không? Hơn 90% trả lời là có tham gia vào hội liên gia và chưa đến 10% người dân không tham gia, chủ yếu rơi vào trường hợp những người ở trọ tại làng hoặc mới từ nơi khác đến sinh sống (1). Hội liên gia là một tổ chức ở làng xóm rất phổ biến ở các làng thuộc thị xã Từ Sơn. Hội tập hợp những người trong cùng một xóm hoặc một tổ dân phố, những người trong tổ sẽ giúp đỡ nhau khi gia đình một ai đó có việc (hiếu, hỉ,...); hoặc cùng nhau làm các việc chung của làng/phố. Đây là một tổ chức thể hiện khá rõ tính cộng đồng làng xã trong thời điểm hiện nay, nó không khác nhiều so với các tổ chức truyền thống trước kia của nông thôn Việt Nam.

Trước đây tinh thần cố kết cộng đồng được phát huy mạnh mẽ nhất trong chiến tranh, trong quá trình đắp đê trị thuỷ, cải tạo thiên nhiên thì ngày nay, truyền thống đó vẫn được duy trì trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng, khi lối sống và văn minh đô thị xuất hiện thì tính cộng đồng làng xã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu, dấu hiệu của chủ nghĩa vị kỷ cá nhân bắt đầu lên ngôi. Đối với một số làng vẫn sống trong địa vực làng xã truyền thống như Phù Chẩn, Phù Khê thì tính cộng đồng vẫn được bảo tồn nhưng đối với các xã (bây giờ là phường) như Phù Lưu, Đình Bảng, Xuân Thụ quy mô làng truyền thống được mở rộng, ngoài làng có nhiều khu phố mới, những người sinh sống ở các khu phố này thường có cuộc sống biệt lập, tôn trọng cá nhân, nhà nào biết nhà đó, ít quan hệ theo kiểu hàng xóm láng giềng.

Không chỉ biểu hiện trong phạm vi lớn là làng, tính cộng đồng làng xã còn thể hiện rõ trong mối quan hệ gia đình gia tộc. Trong mỗi làng có nhiều dòng họ nhưng dòng họ nào cũng có nhà thờ họ riêng, nhiều họ lớn có gia phả, tộc phả, điều lệ, quy ước để duy trì truyền thống tổ tiên. Hàng năm, mỗi họ đều tổ chức ngày giỗ họ, ngày đó mọi người trong họ đặc biệt là nam giới phải có mặt để làm lễ trước anh linh tiên tổ, ôn lại truyền thống xưa với mục đích duy trì văn hóa tốt đẹp của dòng họ, giáo dục con cháu truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Qua khảo sát sơ bộ tại một số làng trong thị xã chúng tôi nhận thấy về cơ bản tính cộng đồng làng xã vẫn còn tồn tại và vẫn phát huy giá trị của mình thể hiện ở các phong trào chung. Có thể nói, dù quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ nhưng các xã/phường ở thị xã Từ Sơn vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị cộng đồng vốn có, chưa bị biến đổi và mai một quá nhiều theo thời cuộc.

Đạo đức, lối sống

Có thể nói đạo đức và lối sống chính là diện mạo cơ bản của mỗi nền văn hóa. Mỗi nền văn hóa được hình thành đều dựa trên một chuẩn mực đạo đức nhất định và có một lối sống, lối ứng xử phù hợp với truyền thống đạo đức đó. Đạo đức đóng vai trò nền tảng trong mọi mối quan hệ xã hội mà bản chất của nó chính là hành vi giao tiếp, là tình cảm tốt đẹp được chia sẻ giữa người này và người kia, là bản chất, tính cách đặc trưng nhân phẩm của mỗi con người. Lối sống là tổng thể các hoạt động sống của con người trên các phương diện như lao động; giao tiếp; quan hệ gia đình và nhân cách. Các giá trị đạo đức và lối sống được hình thành và biến đổi phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và sự giáo dục của mỗi cộng đồng. Trong bối cảnh mới, không chỉ ở các đô thị mà cả vùng nông thôn cũng có nhiều biến đổi mạnh về hành vi, đạo đức và lối sống.

Năm 2008, quá trình đô thị hóa ở Từ Sơn diễn ra ngày một mạnh mẽ, bộ mặt đô thị thay đổi, nghề nghiệp có nhiều biến động theo đó là biến đổi trong lối sống, giáo dục và đạo đức,... Ở đây, chúng tôi tập trung vào một số biến đổi mang tính nổi bật sau.

Thứ nhất, các giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì. Thị xã Từ Sơn trước được biết đến là huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (TK XIX) là một vùng đất văn hiến, người Đông Ngàn nổi tiếng với truyền thống khoa cử, nên nếp sống văn hóa, truyền thống hiếu học ở các làng xã luôn được coi trọng. Ở cổng làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn) bây giờ vẫn còn 2 câu đối Dĩ nhân tâm vi bản/Đạt tri thức do văn như lời nhắc nhở con cháu phải chăm chỉ rèn đức, luyện tài vươn lên trong cuộc sống. Khu phố Phù Lưu vẫn còn ngôi văn chỉ - nơi thờ tiên thánh, tiên hiền những người thi cử đỗ đạt. Nó vừa thể hiện tính tôn sư, trọng đạo, uống nước nhớ nguồn vừa thể hiện tinh thần hiếu học, khuyến học. Tiếp nối truyền thống, nhiều thế hệ người Phù Lưu đã thành đạt trên các lĩnh vực như văn học nghệ thuật, sử học, kinh tế, chính trị... Năm 1995, Ban khuyến học thôn được thành lập, năm 2000 đổi thành Chi hội Khuyến học Phù Lưu với nòng cốt là lực lượng cựu giáo chức, có 136 hội viên, 19 dòng họ khuyến học và 180 gia đình hiếu học. Hàng năm tổ chức hội nghị bình chọn, khen thưởng các gia đình có con học giỏi, đỗ đại học và hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, phong trào khuyến học, khuyến tài ở Phù Lưu ngày càng phát triển có chiều sâu. Theo thống kê, khu phố Phù Lưu hiện nay có 5 GS, 4 PGS, 28 TS, hơn 100 thạc sĩ và hàng nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ. Tiêu biểu là gia đình ông Thừa Am có 4 người con: 3 TS, 1 đại tá (2). Đây là những con số biết nói thể hiện và tiếp nối truyền thống hiếu học, lối sống đạo đức của người Đông Ngàn xưa nay.

Thứ hai, là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã làm thay đổi cả thói quen cũng như lối sống của con người theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Sự phát triển của điện thoại và internet giúp cuộc sống tiện ích hơn, nhưng bên cạnh đó, cũng có những mặt trái nhất định khi con người quá phụ thuộc vào nó. Khi chúng tôi quan sát 10 cửa hàng internet có chương trình game online trên địa bàn thị xã Từ Sơn đã rút ra một số nhận định: vị trí các cửa hàng đều gần trường học; đối tượng chơi chủ yếu là học sinh; thời gian chơi có thể là bất cứ giờ nào, cao điểm là sau giờ học; các chương trình game mang tính bạo lực và có sự tương tác cao đối với người chơi. Qua ví dụ này có thể thấy những trò chơi online đã làm cho một bộ phận giới trẻ, chủ yếu là học sinh không chú ý tới nhiệm vụ và công việc chính của mình mà mất thời gian quá nhiều vào thế giới ảo. Vấn đề này hiện nay được xem là vấn nạn học đường. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận xem nhẹ truyền thống hiếu học của cha ông, các chuẩn mực đạo đức cũ đã biến mất và thay vào đó là các giá trị ảo.

Thứ ba, là sự hình thành và phát triển nhanh của các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã một mặt đã giải quyết được vấn đề việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu nhập và mức sống của người dân được cải thiện đáng kể nhưng cũng kéo theo rất nhiều tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng tới lối sống, hành vi đạo đức của con người, đặc biệt là thanh niên. Tệ nghiện ma túy đang xâm nhập vào các làng quê và làm biến đổi nhân phẩm của giới trẻ. Theo thống kê của công an xã Phù Chẩn, sau năm 2009, khi khu công nghiệp VSIP được xây dựng tại xã, các gia đình bán đất nên có nhiều tiền cùng với việc rất nhiều người từ nơi khác di cư đến đây để làm việc, đời sống dân cư trở nên phức tạp hơn, lối sống hưởng thụ và các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm do vậy cũng dễ dàng xâm nhập nhất là vào lớp trẻ (3).

Những biến đổi này đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong mỗi đường làng ngõ xóm. Mỗi cá nhân trong cộng đồng cần có thêm những hành động tích cực để xây dựng lối sống chuẩn mực phù hợp với đạo đức và truyền thống của dân tộc ngàn đời nay.

Tín ngưỡng

Sự biến đổi của các giá trị văn hóa trên khía cạnh tín ngưỡng diễn ra theo xu hướng thích nghi với các yêu cầu của quá trình đô thị hóa. Chủ yếu diễn ra trên hai xu hướng tích cực: xây dựng các cơ sở tín ngưỡng mới; giá trị tâm linh được coi trọng biểu hiện ở việc thờ phụng trong gia đình và các cơ sở tín ngưỡng tâm linh trong cộng đồng. Tuy nhiên, gần đây hoạt động tín ngưỡng cũng mang nhiều màu sắc khác biệt và có xu hướng biến đổi theo chiều phản giá trị, phản văn hóa như các hoạt động mê tín dị đoan, đồng cốt.

Trong điều tra thực địa, khi chúng tôi phỏng vấn 30 phụ nữ trong độ tuổi từ 50-70 về tần suất đi lễ chùa thì gần 100% câu trả lời là thường xuyên đi lễ chùa vào các ngày rằm, mùng một. Trong khi đó 10 cụ ông được hỏi có nói chỉ đến đình vào ngày mùng 1 và ngày rằm, không đi chùa. Những người ở độ tuổi 20 - 40 thì chỉ có 40% thường xuyên đi chùa, đền vào ngày rằm, mùng một; trên 30% thỉnh thoảng, ngày mùng một hoặc ngày rằm nào rảnh, hoặc vào thứ 7, chủ nhật mới đi. Và hơn 20% trả lời là hầu như không bao giờ đi. Đối với các cụ già 60 tuổi trở lên, khi tham gia vào hội người cao tuổi và đã được ra đình, ra chùa, tỷ lệ đi lễ ngày rằm, mùng một gần như 100%, trừ khi bận hay ốm (4). Còn đối với những người trẻ hơn, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công việc, thời gian, gia đình, nên tỷ lệ đi lễ thường xuyên không cao và tập trung vào những người trung tuổi.

Tế lễ là một hoạt động tín ngưỡng tốt đẹp thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực đó thì còn tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực, làm biến đổi các chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống như hiện tượng mê tín dị đoan, hầu đồng, hầu bóng diễn ra khá nhiều. Khi chúng tôi hỏi các tiểu thương buôn bán tại chợ Giàu, thị xã Từ Sơn về việc tham gia vào hoạt động hầu đồng, hầu bóng thì 34/50 người trả lời là có. Nhưng do thị xã Từ Sơn kiểm soát khá chặt hoạt động này nên các hoạt động không diễn ra tại các cơ sở tín ngưỡng địa phương mà chủ yếu ở các phủ đệ nhỏ và các cơ sở tín ngưỡng bên ngoài như Lạng Sơn, Nam Định, Hòa Bình, Lào Cai... Ở đây, chúng tôi chưa đi sâu vào phân tích bản chất tích cực hay tiêu cực của hiện tượng hầu đồng mà chủ yếu chỉ đưa ra như một hiện tượng tín ngưỡng cần được điều chỉnh cho phù hợp với các giá trị văn hóa chuẩn mực.

Một trong những biểu hiện của đời sống tín ngưỡng làng xã chính là hội làng, vừa mang tính nghi lễ thông qua hình thức tế tự, cúng giỗ, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn vừa mang yếu tố giải trí. Lễ hội ở các làng xã của thị xã Từ Sơn dù đã bị quá trình đô thị hóa tác động mạnh nhưng các hoạt động tế lễ, văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống vẫn được duy trì. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động, lễ hội dần mất đi tính nguyên bản, nhiều lễ hội bị thương mại hóa trở thành nơi kinh doanh buôn bán, khi đến lễ hội không tìm thấy được bản sắc xưa mà chỉ thấy la liệt hàng quán cùng các tệ nạn xã hội. Qua khảo sát một số lễ hội ở thị xã Từ Sơn hiện nay, có thể thấy, lễ hội được phát triển theo một số xu hướng sau: thương mại hóa lễ hội; lãng phí trong tổ chức lễ hội; chính quyền can thiệp quá nhiều trong tổ chức lễ hội. Trong cuộc sống xô bồ đôi khi con người cần có khoảng thời gian lắng lại để trở về với khởi nguyên của mình và lễ hội chính là nơi chốn ấy. Nhưng hoạt động lễ hội hiện nay diễn ra vô cùng phức tạp và đang bị biến tướng nghiêm trọng. Việc gìn giữ các giá trị truyền thống của lễ hội cho chúng ta và thế hệ tương lai chính là một phần quan trọng trong xu hướng phát triển bền vững văn hóa hiện nay.

Nhìn chung, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh ở thị xã Từ Sơn đã mang lại những thay đổi đáng kể cho diện mạo nông thôn nhưng cũng có không ít giá trị biến đổi theo hướng phản văn hóa, trái với phong tục tập quán và đạo đức truyền thống. Nguyên nhân dẫn tới những biến đổi đó có nhiều nhưng tập trung chủ yếu trên một số phương diện. Thứ nhất, sự phát triển của kinh tế thị trường đã giúp cho người dân có cuộc sống khá giả hơn. Từ đó các nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng, giải trí, đầu tư cho tri thức cũng tăng theo. Thứ hai, sự xuất hiện ồ ạt của các khu công nghiệp lớn ở thị xã Từ Sơn đã làm cho mảnh đất này xuất hiện nhiều luồng di dân mới, dân cư từ nhiều vùng khác nhau đến các làng sinh sống, làm việc, buôn bán,... khiến cho kết cấu dân cư có nhiều thay đổi, đồng thời du nhập thêm nhiều lối sống mới, các tệ nạn mới xuất hiện. Thứ ba, nhận thức của mỗi cá nhân về các chuẩn mực văn hóa. Vì thế, rất cần thiết tăng cường công tác quản lý văn hóa, đưa ra những giải pháp hợp lý để hạn chế tối đa các yếu tố phản giá trị, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở địa bàn Từ Sơn cũng như trên cả nước.

_______________

1, 4. Theo điều tra của tác giả tại địa phương.

2. Theo Báo cáo Tổng kết của phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

3. Theo thống kê của Công an xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ HUỆ

;