1. Đặc điểm cơ bản của ảnh hưởng văn hóa phương Tây tới sinh viên Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa
Trong điều kiện tốc độ toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đến sinh viên Hà Nội đã xuất hiện thêm con đường mới, đồng thời là nhân tố thúc đẩy cho ảnh hưởng văn hóa diễn ra nhanh chóng hơn, đó chính là các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, truyền hình, phát thanh… Sự cộng hưởng của các phương tiện truyền thông hiện đại là đặc điểm nổi bật nhất của quá trình ảnh hưởng văn hóa phương Tây đến sinh viên Hà Nội.
Văn hóa phương Tây ảnh hưởng đến sinh viên theo nhiều cách và nhiều con đường. Về nguyên lý, những thành tố văn hóa nào truyền tải được giá trị phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và sở thích của sinh viên thì những thành tố đó sẽ gây ảnh hưởng mạnh nhất đến sinh viên. Văn hóa phương Tây là nền văn hóa hướng tới giới trẻ. Điều đó có nghĩa, các giá trị như năng động, mạnh mẽ và tự lập rất được coi trọng trong xã hội, sinh viên cũng thể hiện mức độ nhạy cảm của mình về các giá trị này. Về tâm lý, sinh viên thích khám phá, tìm tòi những điều mới lạ nhưng ẩn sâu bên trong là khát vọng vươn lên và khả năng chắt lọc nhờ trí tuệ, sự hiểu biết của mình. Để thỏa mãn khát vọng và phù hợp với điều kiện cuộc sống của bản thân, sinh viên sẽ tìm đến những thứ dễ tiếp thu và tạo nhiều hứng thú cho mình nhất, đó là cách vừa chơi vừa học, thiết thực với cuộc sống.
Nhiệm vụ chủ yếu của sinh viên là học tập và thời gian dành cho việc tự nghiên cứu chiếm thời lượng rất lớn. Những hoạt động văn hóa của họ thường diễn ra vào thời gian rảnh rỗi hoặc lúc mà họ muốn được thư giãn nhất. Những cách giải trí thường là xem phim, nghe nhạc… tham gia các hoạt động xã hội khác. Chính vì vậy, những giá trị văn hóa được truyền tải trong điện ảnh, âm nhạc và thời trang là những thành tố văn hóa có ảnh hưởng nhất đến sinh viên.
2. Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây tới sinh viên Hà Nội qua một số thành tố cơ bản
Âm nhạc
Hiện nay, sinh viên Hà Nội tiếp nhận âm nhạc phương Tây, chủ yếu là âm nhạc Âu Mỹ hiện đại, nền âm nhạc trẻ trung, sôi động về giai điệu và tiết tấu. Có nhiều thể loại nhạc như rock, rap, edm, undergroungd… được sinh viên yêu thích và dễ dàng tiếp cận thông qua các trang mạng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Có những trang, các bài hát còn được đính kèm với những địa chỉ website phục vụ cho việc học và nghiên cứu của sinh viên, vì thế mà âm nhạc phương Tây dễ dàng lan rộng và trở thành trào lưu.
Theo kết quả khảo sát, có 54,5% sinh viên thích và thường xuyên nghe nhạc Âu Mỹ. Họ khẳng định, nhạc Âu Mỹ xuất hiện ở hầu khắp các nơi công cộng, kể cả trong các buổi tiệc, liên hoan. Âm nhạc Âu Mỹ còn giúp nhiều người hiểu thêm về kiến thức âm nhạc, nâng cao trình độ về cảm thụ âm nhạc, nhất là đối với sinh viên theo học ngành này.
Điện ảnh
Điện ảnh là nghệ thuật quan trọng, quần chúng nhất, nó cần thỏa mãn nhu cầu tinh thần và thẩm mỹ thường nhật. Chính vì vậy mà điện ảnh phương Tây có những ảnh hưởng nhất định đến sinh viên Hà Nội: một là, truyền tải được toàn bộ không gian và thời gian xã hội có chứa yếu tố văn hóa đến với người xem; hai là, những nội dung và ảnh hưởng văn hóa của nó được gia tăng và cộng hưởng bởi nhiều hình thức của mạng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Điện ảnh với lợi thế về hình ảnh, âm thanh và được hỗ trợ bởi mạng internet là công cụ truyền bá và gây ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ đến sinh viên. Hiện nay, phim của Mỹ tràn ngập hành tinh. Lượng khán giả đến rạp ở Hà Nội phần lớn là những người trẻ nên các nhà nhập khẩu phim đã dựa vào sở thích, thị hiếu của nhóm đối tượng tiềm năng này để lựa chọn và công chiếu nhằm đảm bảo lượng khách đến rạp tăng cao. Theo kết quả điều tra trong sinh viên, tỷ lệ sinh viên Hà Nội thích xem phim Mỹ là 59,7%, không thích là 4,9%, bình thường là 35,4%. Phim Mỹ có nhiều thể loại: hành động, tâm lý, viễn tưởng, hài, hoạt hình… rất nhiều lựa chọn để sinh viên thoải mái thưởng thức, giải trí theo nhu cầu của mình.
Thời trang
Hiện nay, sinh viên mặc theo phong cách phương Tây rất phổ biến. Phong cách thời trang phương Tây phóng khoáng, trẻ trung, khỏe khoắn, năng động và rất đa dạng về hình thức, kiểu dáng, phù hợp với những mục đích sử dụng khác nhau như lễ hội, công sở, dạo phố, thể thao, bơi lội, picnic... Trên các trang mạng xã hội, nhiều mẫu mã trang phục được rao bán rất nhiệt tình. Trang phục theo phong cách Âu Mỹ có thể mặc cho tất cả các hoạt động: đi học, đi làm, đi chơi... Sinh viên mặc trang phục theo phong cách này dễ gây thiện cảm với người khác, kết nối với những người cùng sở thích về phong cách thời trang và gu thẩm mỹ. Họ sẽ tự tin và dễ dàng hơn trong tiếp xúc với mọi người cũng như bạn bè quốc tế. Đó cũng là một cách tự làm mình hiện đại hóa để hội nhập thế giới của sinh viên hiện nay.
3. Một số ảnh hưởng tích cực của văn hóa phương Tây đến sinh viên Hà Nội
Dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, sinh viên không chỉ học tập theo những biểu hiện hành vi của người Tây mà họ còn hình thành những nhu cầu mới (nhu cầu khẳng định bản thân, nhu cầu độc lập), mong muốn mới (mong muốn từ bỏ nghề truyền thống gia đình để tìm cách làm giàu hiện đại), sở thích mới. Đây chính là những tác động tâm lý dẫn đến thay đổi trong văn hóa sinh viên.
Tính cá nhân trong văn hóa phương Tây phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của sinh viên, những người trẻ tuổi, ham hoạt động và muốn được khẳng định mình. Đặc biệt, trong các hoạt động cá nhân, họ muốn làm theo suy nghĩ của bản thân mà không bị ràng buộc bởi quan niệm của xã hội, định kiến của gia đình. Họ thích thể hiện cá tính của mình qua cách ăn mặc không đụng hàng, độc và lạ. Nhận thức về giá trị cá nhân, sinh viên tích cực hơn trong việc chinh phục đỉnh cao của khoa học, tô đậm dấu ấn cá nhân trong các hoạt động tập thể, phát huy năng lực, sở trường của bản thân.
Hiện nay sinh viên xác định rõ mục tiêu học thêm ngoại ngữ. Họ học thêm ngoại ngữ không chỉ vì điểm số trong trường học mà vì mục đích tìm việc làm hoặc săn học bổng. Đa số sinh viên chọn học thêm tiếng Anh vì họ hướng đến các nền kinh tế phát triển, có tính phổ quát toàn cầu. Đó là những nước có các tập đoàn kinh tế lớn, nếu có cơ hội làm việc tại các công ty hàng đầu ở Việt Nam hay thế giới đều rất tốt, thu nhập cao, nhiều khả năng cạnh tranh và làm việc có tính chuyên nghiệp. Cũng có một bộ phận sinh viên quan tâm đến tiếng Trung Quốc, Nhật Bản vì sự ảnh hưởng lớn của hai nước này đối với thế giới và Việt Nam. Một số khác cho rằng càng ít càng dễ cạnh tranh, họ đi vào thị trường ngách của ngôn ngữ ở Việt Nam chọn học tiếng Tây Ban Nha, Nga, Campuchia…
Sinh viên hiện nay thích làm bài tập hoặc nghiên cứu theo nhóm, chủ động trong thảo luận và chia sẻ kiến thức với các sinh viên khác, trao đổi ý kiến của mình với giảng viên. Họ luôn tìm tòi cái mới từ nhiều nguồn tài liệu, nhiều ý kiến khác nhau để đưa ra nội dung phù hợp nhất. Họ thích tự mình đi tìm chân lý trong khoa học. Khi học các môn được thực hành hoặc dễ vận dụng thực tiễn sinh viên thấy hứng thú hơn so với các môn học nhiều lý thuyết, lý luận.
Tự lập bắt đầu từ tự tập suy nghĩ và đưa ra quyết định những việc nhỏ trong cuộc sống cho đến công việc, học tập. Tự lập biểu hiện trong việc tự lập ra kế hoạch, tập quản lý thời gian, tự lập tài chính, tự lập trong các mối quan hệ và trong tình yêu của mình...
Tuy nhiên, không phải tất cả các giá trị trên mọi sinh viên đều hướng đến và thực hiện như giá trị nguyên bản. Trên thực tế, có những sinh viên hiểu chưa đến nơi về giá trị văn hóa phương Tây, họ dựa vào tự do, dân chủ, bình đẳng… để thực hiện những lợi ích cá nhân hẹp hòi, cho phép mình vô kỷ luật, sống buông thả… Nếu những yếu tố văn hóa đó có cơ hội thấm sâu hơn vào chủ thể tiếp nhận thì rất khó có thể thay đổi được trong tương lai.
Văn hóa phương Tây ảnh hưởng đến sinh viên là một vấn đề không thể né tránh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nếu hiểu đúng, vận dụng đúng những giá trị văn hóa đó, sinh viên Hà Nội có đủ tự tin để hội nhập với sinh viên thế giới, góp phần làm văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đa dạng hơn. Sức mạnh của văn hóa được tăng cường sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Vì vậy, cần phải chủ động hội nhập, chắt lọc những giá trị văn hóa phù hợp của nước ngoài cho sự phát triển văn hóa dân tộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017
Tác giả : PHẠM THỊ HẰNG