Âm hưởng hào hùng của “Đường lên Điện Biên”

Từ 26/4-15/5/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) diễn ra triển lãm “Đường lên Điện Biên”, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/51954 - 7/5/2024). Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949-2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Các đại biểu tham quan triển lãm

Tới dự khai mạc triển lãm ngày 26/4 có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; các Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Bùi Hoài Sơn, Đỗ Chí Nghĩa; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL Nguyễn Tuấn Linh; Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN Vi Kiến Thành ...

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Triển lãm Đường lên Điện Biên là sự thể hiện lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm dành độc lập cho dân tộc đầy thắng lợi vĩ đại mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn khẳng định lãnh đạo suất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân với ý chí quyết tâm chiến đấu vì một nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam”.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, “đây là dịp để giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về một tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có rất nhiều văn nghệ sĩ theo tiếng gọi của Bác Hồ rời xa cuộc sống đô thị phồn hoa, trực tiếp tham gia chiến dịch. Bằng những cảm nhận và sự sáng tạo, họ đã ghi lại sinh động hình ảnh của cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ hy sinh nhưng không kém phần lãng mạn của quân và dân qua chùm tác phẩm ký họa của các tác giả : Tô Ngọc Vân, Dương Hướng Minh, Trần Đình Thọ, Nguyễn Sáng, Lê Vinh, Nguyễn Hợp Thành…

70 tác phẩm được trưng bày theo phương pháp truyền thống, kết hợp ứng dụng công nghệ số trình chiếu cinemagraph và không gian tương tác trải nghiệm. Triển lãm đưa người xem sống lại những khoảnh khắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, tái hiện sinh động những khoảnh khắc xúc động trên mặt trận đầy cam go như: công tác kéo pháo vào trận địa chuẩn bị cho chiến dịch (Tô Vĩnh Diện chèn pháo, Kéo pháo - Dương Hướng Minh, Kéo pháo Điện Biên - Trần Đình Thọ); sự hỗ trợ đóng góp công sức của hàng chục ngàn dân công được khắc họa rõ nét qua tác phẩm Việt Bắc - Đào Đức, Tiễn nhau đi dân công - Lưu Văn Sìn, Cả nước ra trận - Lưu Danh Thanh.

Tình cảm quân và dân gắn bó khăng khít, đùm bọc lẫn nhau trong thời chiến được các họa sĩ diễn tả qua các tác phẩm Tình quân dân - Nguyễn Sáng, Đường lên Điện Biên - Trần Khánh Chương… Nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc và tái hiện sinh động những trận đánh hào hùng, oanh liệt tại chiến trường như Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ - Nguyễn Thế Vị, Điện Biên năm ấy - Cao Trọng Thiềm…

Bên cạnh đó còn có những tác phẩm kinh điển về tinh thần anh dũng chiến đấu như Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng - Lê Vinh, và chùm ký họa chiến trường Điện Biên Phủ của họa sĩ Tô Ngọc Vân trước lúc hy sinh là một điểm nhấn quý giá của triển lãm này.

Đặc biệt, hình ảnh vị Cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng hình ảnh chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến thể hiện sự đoàn kết một lòng của toàn quân, toàn dân hướng về Điện Biên. Đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là trang sử vẻ vang, là niềm hứng khởi, mạch nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công các tác phẩm mỹ thuật.

Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN phát biểu

Họa sĩ Vi Kiến Thành phát biểu: “Tôi đánh giá cao về nhiều tác phẩm có giá trị cao về giá trị lịch sử và giá trị về mặt hình thức nghệ thuật, ví dụ như  bức sơn mài Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng hiện nay đang là bảo vật quốc gia của Việt Nam hay các bức tranh như bức Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo của họa sĩ Dương Hướng Minh, bức Bế Văn Đàn của Lê Vinh, bức Kéo pháo của Trần Đình Thọ… và nhiều tác phẩm khác rất đặc biệt như các bức ký họa của Tô Ngọc Vân trong hành trình lên Điện Biên của ông lúc đó và ông đã hy sinh sau khi vẽ bức Đèo Lũng Lô!  70 tác phẩm được trưng bày đều mang đến cho mỗi chúng ta - nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế và công chúng yêu nghệ thuật tại Hà Nội, những cảm xúc trân quý cảm động có ý nghĩa sâu sắc cả về giá trị nghệ thuật cũng như giá trị về lịch sử”.

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, thay mặt cho các họa sĩ, nhà điêu khắc có tác phẩm trưng bày xúc động chia sẻ

Đại diện cho các họa sĩ, nghệ sĩ  có tác phẩm tiêu biểu được trưng bày, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh đã chia sẻ: Chiến thắng ở Điện Biên Phủ đã để lại rất nhiều xúc động cho các họa sĩ và các nhà điêu khắc. Với góc độ là các nhà điêu khắc, chúng tôi rất tự hào  vì  đã có những anh em đồng nghiệp sáng tác một số tác phẩm như  tượng đài Kéo pháo chiến thắng trên đồi D1 , Mừng chiến thắng ở Mường Thanh  và có một số tác phẩm nữa được trưng bày ở đây. Các tác phẩm phần nào đã nói lên được cuộc chiến đấu ác liệt của quân dân  ta ở Điện Biên.

Có thể nói, Triển lãm “Đường lên Điện Biên” là hoạt động thiết thực của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ thể hiện sự trân trọng và tự hào về những trang sử vàng của dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân trao truyền cho thế hệ trẻ hôm nay, mà còn là sự tri ân sâu sắc tới thế hệ các anh hùng, liệt sĩ, những người từng tham gia cuộc kháng chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ để chúng ta được sống trong độc lập, hòa bình. Triển lãm cũng là lời tri ân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tới những họa sĩ, nhà điêu khắc mà sự sáng tạo của họ đã mang đến cho công chúng một khí thế “Đường lên Điện Biên” hào hùng và đầy cảm xúc.

Triển lãm để lại trong công chúng những cảm xúc đáng nhớ về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc

 

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG

 

 

;